Dự án PPP cao tốc Nam Định - Thái Bình: Cần cơ chế đặc thù gỡ khó bảo lãnh hợp đồng
Hơn 2 tháng kể từ khi khởi công, nhà đầu tư Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình) và Thái Bình (nay là tỉnh Hưng Yên) - gọi tắt là Dự án PPP cao tốc Nam Định - Thái Bình vẫn chưa thể trình bảo lãnh thực hiện hợp đồng lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cần cơ chế đặc thù
Hy vọng tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn tín dụng của Dự án PPP cao tốc Nam Định - Thái Bình đang được thắp lên, nếu chiểu theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tại Công văn số 6715/VPCP-KTTH, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu các kiến nghị của Tập đoàn Geleximco về nguồn vốn tín dụng cho Dự án, báo cáo Thường trực Chính phủ.
Geleximco là doanh nghiệp đứng đầu liên danh được UBND tỉnh Thái Bình (nay là UBND tỉnh Hưng Yên) chọn là nhà đầu tư Dự án PPP cao tốc Nam Định - Thái Bình, với tổng mức đầu tư lên tới 19.784,54 tỷ đồng. Dự án đã tiến hành khởi công vào ngày 12/5/2025 và được người đứng đầu Chính phủ đề nghị rút ngắn thời gian, phấn đấu vượt tiến độ ít nhất 6 tháng, để có thể hoàn thành trong năm 2026.
Tại Văn bản số 1060/CV-GELE, Tập đoàn Geleximco cho biết, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đang rất quyết liệt chỉ đạo thi công; các nhà thầu cũng thể hiện sự quyết tâm bằng việc huy động máy móc, thiết bị, nhân lực, vật lực, tổ chức thi công ngay sau khi nhận được mặt bằng bàn giao từ địa phương. Nhưng mọi nỗ lực đều chưa được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận, khi nhà đầu tư chưa được cấp bảo lãnh thực hiện Hợp đồng.
Trong khi đó, Điều 5 - Hiệu lực hợp đồng của Hợp đồng BOT số 01/2025/HĐ.BOT-CT08 được ký ngày 8/5/2025 giữa UBND tỉnh Thái Bình và liên danh nhà đầu tư quy định, hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày liền sau ngày chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực được nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án nộp hợp lệ cho cơ quan có thẩm quyền.
Điều này có nghĩa là, đến thời điểm này, sau hơn 2 tháng kể từ ngày khởi công, hiệu lực của Hợp đồng BOT số 01/2025/HĐ.BOT-CT08 vẫn chưa được kích hoạt, gây khó khăn cho cả nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc triển khai các bước tiếp theo của Dự án PPP cao tốc Nam Định - Thái Bình.
Chính vì vậy, tại Văn bản số 1060/CV-GELE, Tập đoàn Geleximco đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cấp có thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ khó khăn, có cơ chế đặc thù cho dự án trọng điểm quốc gia để nhà đầu tư có thể vay nguồn vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng có phần vốn sở hữu nhà nước (VDB, Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank), bước đầu là bảo lãnh thực hiện hợp đồng, tiếp theo là các thủ tục liên quan đến giải ngân nguồn vốn tín dụng cho công trình.
Geleximco sẽ sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp khác của Tập đoàn để bổ sung nguồn trả nợ cho các khoản vay (đặc biệt trong 15 năm đầu khai thác) nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho Dự án. “Việc tháo gỡ kịp thời vướng mắc nói trên còn tạo tiền đề để các dự án PPP đường cao tốc khác tiếp cận được nguồn vốn tín dụng một cách nhanh chóng, thuận lợi, làm cơ sở để tổ chức thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ”, ông Vũ Văn Tiền, Tổng giám đốc Geleximco cho biết.

Nhu cầu vốn tín dụng lớn
Theo Quyết định số 766/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án cao tốc Nam Định - Thái Bình theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, ngoài phần vốn tham gia của Nhà nước, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp 10.447,55 tỷ đồng. Nếu trừ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án, phần vốn tín dụng mà các nhà đầu tư sẽ phải huy động cho công trình lên tới 8.000 - 9.000 tỷ đồng.
Với thời gian thu phí, hoàn vốn của Dự án lên tới 25 năm 4 tháng, rất có thể, đây là lý do khiến các ngân hàng có những đắn đo nhất định trong việc cung cấp bảo lãnh thực hiện hợp đồng, cũng như tham gia tài trợ vốn vay thương mại cho công trình này.
Được biết, kể từ khi Hợp đồng BOT số 01/2025/HĐ.BOT-CT08 được ký kết đến nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án PPP cao tốc Nam Định - Thái Bình đã 3 lần phát văn bản yêu cầu liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án hoàn tất các thủ tục, nộp bảo đảm thực hiện Hợp đồng dự án BOT theo quy định.
Tại Công văn số 249/UBND-KT1 ngày 17/7/2025, UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị Tập đoàn Geleximco (đại diện liên danh nhà đầu tư) và Công ty cổ phần Đầu tư Đường cao tốc Nam Định - Thái Bình (doanh nghiệp dự án) khẩn trương hoàn tất thủ tục, nộp bảo đảm thực hiện Hợp đồng dự án BOT theo quy định và gửi kết quả hồ sơ, tài liệu về Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng số 2 trước ngày 30/7/2025 để triển khai các công việc tiếp theo, đáp ứng tiến độ chung của công trình.
“Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng số 2 kiểm tra tính pháp lý và quản lý bảo đảm thực hiện hợp đồng của Liên danh nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án theo đúng quy định của pháp luật và Hợp đồng dự án BOT; theo dõi thời hạn Bảo đảm thực hiện hợp đồng đảm bảo phù hợp với tiến độ thực hiện công trình”, lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu.