Dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: Nhà thầu 'ngáp dài' chờ cát
An Giang có trữ lượng cát lớn nhất ĐBSCL, thế nhưng nhiều nhà thầu thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua tỉnh này hiện đang 'ngồi trên lửa' vì chờ các chủ mỏ cung cấp cát.
Nguy cơ chậm tiến độ
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 bao gồm bốn dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 do UBND tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 57km, tổng mức đầu tư khoảng 13.799 tỷ đồng và được chia thành bốn gói thầu.
Đến nay, cả bốn gói thầu của dự án thành phần 1 đều đã được chỉ định thầu và các nhà thầu đã có mặt trên công trường để thực hiện dự án.
Theo ghi nhận của PV vào đầu tuần này, tại gói thầu số 42, điểm đầu dự án thành phần 1 (thuộc địa phận thành phố Châu Đốc), nhiều vật liệu, máy móc đã được tập kết sẵn sàng, phía xa là một số phương tiện đang khẩn trương gia cố bờ bao để chứa cát.
Chỉ về khu đất đã bóc xong lớp đất hữu cơ, chờ bơm cát vào, thiếu tá Nguyễn Đình Du, Phó giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 11, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, đơn vị thi công gói thầu này cho biết: "Gói thầu có tổng chiều dài 17km, 17 cây cầu và 39 cống. Đến thời điểm này, tiến độ bốc đất hữu cơ đạt 90%.
Hiện tại trên công trường có 80 người, với gần 40 thiết bị, máy móc để thực hiện dự án. Nhà thầu bố trí xong 8 điểm bơm cát và 4 điểm đường tiếp cận để khi có cát về tới công trường sẽ tiến hành bơm đắp nền ngay cho kịp tiến độ theo quy định. Nhưng cát vẫn chưa có".
Tình trạng dự án chờ cát cũng diễn ra tương tự tại gói thầu số 43 (thuộc huyện Châu Phú) do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành đảm nhận.
Hiện các công nhân và máy móc cũng chưa thể hoạt động hết công suất, vì khi có cát bơm lên khu vực đã bóc xong lớp đất hữu cơ, phương tiện mới có thể thi công các bước tiếp theo. Trong khi cát, không biết đến bao giờ mới có...
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Chỉ huy trưởng công trình gói thầu số 43 nói: "Nhà thầu đang rất khẩn trương thực hiện dự án. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chưa có cát về tới công trường".
Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, chủ đầu tư dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho biết: "Nhu cầu tổng khối lượng cát cho toàn dự án khoảng 9,3 triệu m3.
Từ nay đến hết năm 2023, dự án cần 1,7 triệu m3, năm 2024 dự án cần 6 triệu m3 cát và số lượng còn lại sẽ được cấp vào năm 2025".
Lý giải về việc cần cát đắp nền cho dự án được rải đều ra các năm, ông Du cho biết thêm, dự án được khởi công tháng 6/2023 thì phải cơ bản hoàn thành các đoạn tuyến vào năm 2025, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026, bàn giao và đưa vào sử vào năm 2027.
Do dự án đi qua vùng đất yếu nên cần thời gian gia tải từ 12 - 15 tháng, đây là công đoạn quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Tuy nhiên, trong thời gian gia tải, nhà thầu phải tạm ngưng tất cả các hạng mục còn lại.
Do vậy, nếu cát về tới công trường không đảm bảo thời gian đề ra, nguy cơ tiến độ công trình sẽ bị chậm so với kế hoạch. Chính vì điều này, từ đây đến cuối năm, dự án không được cấp đủ 1,7 triệu m3 cát, các hạng mục tiếp theo cũng sẽ bị gián đoạn.
Cần gấp rút hoàn thiện cơ sở pháp lý
Theo các nhà thầu, hiện chỉ có Công ty TNHH MTV TMDV Nông nghiệp Thủ Tuyền đã cung cấp cát cho dự án thành phần 1.
"Công suất mỏ là khoảng 1,7 triệu m3 cát. Trước mắt UBND tỉnh An Giang phê duyệt cho đơn vị cung cấp 500.000m3/năm cho dự án", lãnh đạo Công ty Thủ Tuyền cho biết.
Theo biên bản cuộc họp về việc cung cấp cát cho dự án cao tốc mới đây, đại diện Công ty TNHH TM Tân Hồng cho biết: "Đơn vị sẽ xin phép Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thủ tục bóc đất tầng phủ, khoảng 20 ngày sau sẽ cung cấp cát cho dự án, trung bình là 4.500m3/ngày".
Đại diện một chủ mỏ cát khác cho biết: "Hiện còn vướng thủ tục pháp lý, đang tháo dỡ, chưa xác định được thời điểm cung cấp cát cho dự án. Sau khi có đủ cơ sở pháp lý sẽ cung cấp cát cho dự án, trung bình mỗi ngày từ 3.000 - 3.400m3/ngày".
Theo ông Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 11, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn: "Nhu cầu cát cho gói thầu 42 hơn 3 triệu m3, nhu cầu cho năm 2023 hơn 741.000m3, năm 2024 hơn 2 triệu m3, năm 2025 hơn 232.000m3.
Như vậy với thời gian còn lại của năm 2023, để đảm bảo tiến độ, một ngày bình quân phải có hơn 9.000m3, trong khi hiện nay chỉ có mỏ Thủ Tuyền bắt đầu cấp từ ngày 11/10/2023 dưới 1.000m3/ngày, nguy cơ vỡ tiến độ đang hiện hữu".
Do đó, ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, chủ đầu tư dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kiến nghị Sở TN&MT cần khẩn trương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các mỏ cát cung cấp đủ vật liệu theo tiến độ dự án.
Đồng thời, khẩn trương lập các thủ tục đối với các mỏ chưa đủ điều kiện để có cơ sở pháp lý đưa vào khai thác…
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đến nay, tỉnh đã phân bổ để cung cấp cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (qua đoạn tỉnh An Giang) là 4 triệu m3 từ khu mỏ của Công ty TNHH TM Tân Hồng, Công ty TNHH MTV TMDV nông nghiệp Thủ Tuyền, dự án chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao của liên danh Công ty TNHH TMDV DNU và Công ty TNHH MTV MT Vạn Hưng Tùng.
Tỉnh đang rà soát tiếp tục phân bổ 1,2 triệu m3 từ dự án chỉnh trị dòng chảy sông Tiền (xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu), trong đó Công ty TNHH XD Tân Hàn Châu 0,7 triệu m3 và Công ty TNHH Châu Phát 0,5 triệu m3...
Mới đây, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải có chuyến khảo sát thực tế tại một số mỏ cát được chỉ định cung cấp cát cho dự án cao tốc và làm việc với UBND tỉnh An Giang.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị tỉnh An Giang phải quản lý được việc cấp phép, khai thác cát để không xảy ra tiêu cực, ảnh hưởng đến môi trường, gây sạt lở; quản lý chặt tình trạng khai thác cát lậu. Đối với các doanh nghiệp có mỏ phải chia sẻ vì lợi ích quốc gia.
Đối với 6 mỏ tỉnh đề xuất cấp phép, đề nghị Sở TN&MT phối hợp với các ban, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện các thủ tục theo quy định, cố gắng hoàn thành trong một tháng.
Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh An Giang rà soát, nếu cần thiết thì điều chỉnh nâng công suất mỏ, chia sẻ nguồn cát với các địa phương khác…