Dự án thủy điện cột nước thấp trên sông Lô Phú Thọ: dân lo mất nghiệp
Dự án thủy điện Cột nước thấp Phú Thọ dự kiến được xây dựng tại vị trí phía sau hợp lưu giữa sông Lô và sông Chảy, nơi cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho cả 2 tỉnh là Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Mặc dù chưa triển khai nhưng dự án đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học, cán bộ quản lý có liên quan trong và ngoài tỉnh.
Dự án thủy điện cột nước thấp ở Phú Thọ được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đồng ý cho phép bổ sung vào quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Lô; đồng thời bổ sung dự án vào đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030.
Theo dự án, từ hai con sông Lô và sông Chảy nhà đầu tư sẽ đầu tư làm thủy điện, tích nước thủy lợi, tạo điều kiện tốt hơn cho giao thông thủy trong mùa cạn. Dự án do Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh thi công, với tổng nguồn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, trong đó tập đoàn này sẽ đáp ứng được khoảng 30% vốn, còn lại là vay thương mại.
Dự kiến thời gian thu hồi vốn là 20 năm. Dự án được triển khai sẽ cung cấp cho tỉnh Phú Thọ 422,1 triệu KWh mỗi năm, đóng góp vào ngân sách khoảng 80 tỷ đồng tiền thuế từ nguồn thu điện năng.
Theo nhà đầu tư, dự án cột nước thấp Phú Thọ sẽ không ảnh hưởng đến các công trình khác như đường giao thông, công trình quốc phòng, mỏ khoáng sản, đặc biệt dự kiến không có hộ dân nào phải tái định cư, đặc biệt là không ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng khu vực thành phố Tuyên Quang nhưng vẫn đảm bảo việc vận hành phát điện.
Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học, cán bộ quản lý có liên quan trong và ngoài tỉnh, dự án thủy điện cột nước thấp Phú Thọ trên sông Lô đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Bắc Huỳnh, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam cho biết, Phú Thọ cũng cần xem xét cẩn trọng việc quyết định đầu tư hay không đầu tư công trình thủy điện cột nước thấp trên sông Lô. Theo ông, công trình sẽ gây thay đổi cơ bản, lâu dài dòng sông Lô khu vực từ thành phố Tuyến Quang, đến thành phố Việt Trì khoảng 40 km và hạ lưu đập Thác Bà về Đoan Hùng khoảng 20km và nhất là làm tăng sức ép lớn hơn đối với hạ du, đồng bằng sông Hồng-Thái Bình, mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài nguyên nước, môi trường thì đang có khả năng đã tới ngưỡng không bền vững về môi trường , an ninh nguồn nước ở hạ du và vùng cửa sông.
Phó Giáo sư, tiến sỹ Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, những năm qua việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ ở nước ta đã có những đóng góp nhất định trong việc cung cấp năng lượng điện trong mạng lưới điện quốc gia. Song ở một số địa phương đã phát triển quá nóng nên đã phải chịu nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội làm suy thoát môi trường, tác động trực tiếp đến an ninh xã hội của người dân nơi có thủy điện.
Theo ông, dự án thủy điện cột nước thấp ở Phú Thọ cũng thuộc loại nhỏ, công suất 105MW, hiện nay không thuộc diện khuyến khích ưu tiên. Vì dự án này không tạo hiệu quả đáng kể về năng lượng điện, đôi khi còn làm cho tâm lý trì trệ về hỗ trợ giá cho điện của nhà nước, không thúc đẩy sự phát triển năng lượng điện táo tạo. Theo giáo sư, nếu còn ở giai đoạn nghiên cứu, khảo sát ban đầu để trình cấp có thẩm quyền thì chắc chắn khiến nghị không nên làm.
Tiến sỹ Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch hội bảo vệ thiện nhiên Phú Thọ cho biết thêm, nguồn nước sông Lô khá sạch, (hiện nay Công ty cấp nước Phú Thọ đang khai thác để sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Việt Trì) , khi xây dựng nhà máy sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, bên cạnh đó công trình sẽ là vật cản làm mất khả năng cắt lũ. Ngoài ra, tài nguyên cát sỏi trên sông Lô vô cùng phong phú, khi triển khai xây dựng chắc chắn dự án sẽ đề cập đến việc khai thác tài nguyên cát sỏi để tận thu phục vụ thi công công trình. Đây không chỉ là cát sỏi mà là tài nguyên, vì vậy tỉnh Phú Thọ cần đầu thấu đàng hoàng, tránh thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách…
Đi thực tế, PV Báo Pháp luật Việt Nam trao đổi với anh Nguyễn Văn Đại cùng nhiều người dân trồng bưởi ở xã Chí Đám mới biết được những trăn trở nơi đây, nếu làm thủy điện cột nước thấp thì dân chúng tôi không biết sống thế nào!. Lòng sông thành lòng hồ thủy điện thì có khi ngập hết tất cả. Soi bưởi dân chúng tôi trồng trên 10 năm, bắt đầu cây cho thu hoạch, thì nghe tin làm thủy điện chỉ biết kêu trời thôi! Cây cối chúng tôi trồng nằm trong lòng thủy điện lụt mất hết thì sống bằng cái gì đây?.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, khi xây dựng thủy điện, nước sẽ dâng ở cao trình đập 17 mét gây ngập úng cho trên 1.506 ha đất, trong đó 1.274 ha diện tích sông suối, 193 đất chưa sử dụng, 38,8 ha đất trồng ngô và 0,8 ha đất trồng lúa. Bên cạnh đó, khi nước dâng sẽ làm 24 cống tiêu thoát nước không phát huy hiệu quả từ đó sẽ gây ngập úng cho một số khu vực và ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và đời sống của nhân trong vùng dự án. Vì cao trình của đáy các cống là 12-14 mét, lệch so với cao trình đập từ 3 đến gần 5 mét. Riêng 2 xã Sóc Đăng và Ngọc Quan huyện Đoan Hùng khi nước dân cao 17 mét sẽ gây ngập cho khu vực của hai xã trên. Đặc biệt khi nước dâng sẽ làm ảnh hưởng tới 2 tuyến đê ở tả ngạn và hữu ngạn vì nước ngâm lâu sẽ làm đê bị sạt lở hoặc vỡ gây lụt lội làm ảnh hưởng tới giao thông đi lại của người dân.
Dòng Lô Giang từ lâu đã trở thành một chứng tích chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung và của quân và dân tỉnh Phú Thọ nói riêng. Đó là chiến thắng sông Lô đã bẻ gãy một trong ba gọng kìm quan trọng của thực dân Pháp. Ngày nay, dòng sông Lô có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho người dân của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Đặc biệt con sông này rất phong phú về tài nguyên khoáng sản, thủy sản và là tuyến giao thông đường thủy quan trọng của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc …