Dự án Vụn Art: Thắp sáng hy vọng cho những 'nghệ nhân' khuyết tật

Làng lụa Vạn Phúc là khởi nguồn của Vụn Art, một sáng kiến xã hội ý nghĩa, nơi những người khuyết tật đã tạo ra các bức tranh được ghép từ vải vụn đậm nét văn hóa Việt.

Khi vải lụa Vạn Phúc "dệt" nên hy vọng

Chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 10km, làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) từ lâu đã là điểm đến quen thuộc cho những ai yêu mến vẻ đẹp truyền thống. Với hơn nghìn năm tuổi, nơi đây được xem là cái nôi của nghề dệt lụa Việt Nam. Những tấm lụa Vạn Phúc mềm mại, bền đẹp, mang hoa văn tinh xảo là kết tinh của bàn tay khéo léo và tinh thần gìn giữ nghề tổ của bao thế hệ. Bên cạnh làn sóng du lịch và thương mại, làng lụa Vạn Phúc còn cất giữ một điều đặc biệt hơn – đó là xưởng nghệ thuật Vụn Art được sinh ra từ “vụn vải” và tình yêu thương.

Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông.

Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông.

Bắt nguồn từ ý tưởng của anh Lê Việt Cường năm 2017, Vụn Art là một mô hình kinh tế tập thể với mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống, đặc biệt ý tưởng này tận dụng triệt để vải vụn của làng lụa Vạn Phúc. Sản phẩm của Vụn Art được thêu dệt nên từ những bàn tay khéo léo của các bạn trẻ khiếm khuyết. Vì vậy Vụn Art không chỉ là giữ gìn được nét truyền thống của làng lụa mà còn là mô hình vô cùng ý nghĩa đối với xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Khanh, 60 tuổi, hiện đang là nghệ nhân dạy nghề cho các bạn trẻ khuyết tật, “Sản phẩm Vụn Art có ý nghĩa đối với những “nghệ sĩ” khuyết tật vì nhờ nó mà các bạn có được một công việc mang lại giá trị cho cộng đồng. Học viên được dạy nghề miễn phí, một số bạn có tay nghề cứng hơn thì sẽ được trả lương”. Dù công việc dạy người khuyết tật cần rất nhiều sự kiên nhẫn nhưng ở bà Khanh còn là lòng bao dung, tình yêu thương của bà đối với các bạn trẻ khuyết tật.

Nghệ Nhân Nguyễn Thị Khanh luôn tâm huyết với nghề.

Nghệ Nhân Nguyễn Thị Khanh luôn tâm huyết với nghề.

Bích Ngọc (22 tuổi), một người khuyết tật trí tuệ, chia sẻ bản thân từ một người thiếu tự tin vì khả năng nhận thức hạn chế giờ đây đã trở nên hoạt bát, tự tin hơn nhờ sự đồng hành tận tình của Vụn Art - nơi chị nhận được sự yêu thương và động viên như từ chính gia đình. Không chỉ thành thạo khâu cắt dán giấy trong quy trình làm sản phẩm mà Ngọc còn có thêm thu nhập - điều mà trước đây chị chưa từng dám mơ tới.

Chị Ngọc xúc động: "Từ khi trở thành học viên của Vụn Art, tôi cảm thấy bản thân như được sống một cuộc đời mới. Trước đây, tôi rất tự ti, ngại tiếp xúc với người lạ. Nhưng ở đây, tôi được làm việc, được học hỏi, sáng tạo… và quan trọng nhất là được công nhận."

Chị Ngọc trong giờ làm việc

Chị Ngọc trong giờ làm việc

Ban đầu, chị không nghĩ mình có thể hoàn thiện một tác phẩm từ những mảnh vải nhỏ - công việc tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. "Mỗi lần hoàn thành một bức tranh, tôi lại thấy như mình vừa vượt qua một giới hạn. Cảm giác ấy rất đặc biệt – như được hồi sinh", chị nói.

Không chỉ mang lại thu nhập, Vụn Art còn giúp những người như Ngọc tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống. Từ những mảnh vải tưởng chừng bỏ đi, họ đã "vá" lại những mảnh đời từng bị tổn thương, viết nên câu chuyện về sự kiên trì và lòng nhân ái.

Tranh vải Việt lay động lòng du khách quốc tế

Từ những mảnh vải lụa bỏ đi, các nghệ nhân tại Vụn Art đã khéo léo thổi hồn vào từng bức tranh ghép, tái hiện một văn hóa Việt Nam đa sắc màu và đậm đà bản sắc. Vẻ đẹp ấy không chỉ gìn giữ văn hóa dân tộc mà còn chạm đến trái tim của nhiều du khách quốc tế.

“Tôi thực sự ngạc nhiên khi biết những tác phẩm đẹp thế này lại được làm từ vải vụn và bởi những người khuyết tật,” bà Anna Schreiber, một du khách đến từ Đức bày tỏ sau khi ghé thăm không gian nghệ thuật tại Vụn Art. “Nghệ thuật ở đây không chỉ tinh tế, mà còn chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa.”

Sau khi dạo quanh không gian trưng bày, bà Anna không ngần ngại đăng ký tham gia một buổi workshop ghép tranh vải trên túi ngay tại xưởng. Trong không khí ấm cúng, bà cùng một nhóm du khách quốc tế khác được hướng dẫn tỉ mỉ cách lựa chọn từng mảnh vải, phối màu, lên bố cục và ghép lại thành bức tranh nhỏ mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

“Ban đầu tôi nghĩ sẽ rất khó, nhưng khi được các bạn ở đây chỉ dẫn, tôi cảm thấy vô cùng hứng thú. Mỗi bước đều đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cả tình cảm nữa. Tôi cảm nhận được vì sao những người nghệ nhân khuyết tật ở đây lại có thể tạo nên những tác phẩm đầy cảm xúc đến vậy,” bà chia sẻ trong lúc tự tay cắt ghép bức tranh hồ gươm bằng vải lụa.

Bà Anna Schreiber trong buổi trải nghiệm workshop ghép tranh vải ở Vụn Art.

Bà Anna Schreiber trong buổi trải nghiệm workshop ghép tranh vải ở Vụn Art.

Ông Peter Didier, khách du lịch người Pháp chia sẻ: “Tôi đã từng thấy tranh ghép vải ở nhiều nơi, nhưng tại đây, tôi thấy được cảm xúc. Mỗi bức tranh như có linh hồn, bởi nó được làm ra bởi những người không nói bằng lời, mà bằng trái tim”.

Dù rào cản ngôn ngữ khiến cuộc giao tiếp giữa ông và các nghệ nhân diễn ra phần lớn qua ánh mắt và nụ cười, sự kết nối giữa con người với nhau lại trở nên đặc biệt sâu sắc. Cũng giống bà Anna, ông Peter dành gần một giờ đồng hồ để đắm chìm trong thế giới nghệ thuật đầy sáng tạo và mới mẻ này.

“Những tác phẩm nghệ thuật ở đây mang thông điệp của sự hy vọng và bền bỉ. Tôi sẽ kể với bạn bè mình về nơi này, về những con người đặc biệt đang giữ cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam được tiếp tục sống theo một cách rất riêng”, ông nói.

Ông Peter Didier (thứ hai từ trái qua) cùng chiếc túi tranh ghép vải lụa.

Ông Peter Didier (thứ hai từ trái qua) cùng chiếc túi tranh ghép vải lụa.

Ngoài những hoạt động làm tranh truyền thống, Vụn Art thường xuyên tổ chức các buổi workshop trải nghiệm ghép tranh vải dành cho du khách quốc tế. Hoạt động này giúp du khách hiểu sâu hơn về nghệ thuật thủ công Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội giao lưu văn hóa và kết nối cộng đồng.

Nhiều du khách sau khi trải nghiệm workshop đã mang về không chỉ là những sản phẩm cho riêng mình, mà còn là tình cảm và sự ngưỡng mộ dành cho những “nghệ nhân đặc biệt” tại nơi đây. Nhiều người còn chia sẻ mong muốn được quay trở lại và được lan tỏa dự án này tới cộng đồng bạn bè quốc tế. Mong rằng trong tương lai, Vụn Art sẽ ngày càng phát triển, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng trở thành nhịp cầu văn hóa giữa Việt Nam và thế giới.

Thủy Hạnh - Lê Hân - Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-an-vun-art-thap-sang-hy-vong-cho-nhung-nghe-nhan-khuyet-tat-312632.html