Dự báo CPI tháng 8/2024 tăng khoảng 0,2% so với tháng trước

Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn.

Giá dầu, giá kim loại liên tục lao dốc

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 7/2024, rủi ro địa chính trị và kinh tế tại nhiều nước tiếp tục tác động tới giá cả hàng hóa trên toàn cầu. Chiến sự tại Trung Đông vẫn chưa chấm dứt cộng với sự phục hồi kinh tế không ổn định của Trung Quốc khiến giá dầu, giá kim loại liên tục lao dốc.

Giá dầu thô liên tục lao dốc vì đồng USD mạnh và các tín hiệu kinh tế trái chiều đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu giảm ở Trung Quốc bởi tăng trưởng chậm hơn dự kiến cũng đã tác động tới giá dầu.

Giá dầu đã giảm xuống đáy 6 tuần, giá dầu Brent chỉ ở mức 81,01 USD/thùng và giá dầu thô WTI của Mỹ giảm xuống còn 76,96 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu tìm thấy một số hỗ trợ bởi chính phủ Mỹ báo cáo lượng dự trữ dầu hàng tuần giảm lớn hơn và tăng trưởng kinh tế của Mỹ quý II/2024 đạt được mức cao hơn kỳ vọng.

Trong tháng qua, giá sắt thép xây dựng Trung Quốc liên tục giảm bởi triển vọng nhu cầu ảm đạm của Trung Quốc

Giá quặng sắt đã có lúc chạm mức thấp nhất trong 3 tháng qua bởi áp lực giảm phát dai dẳng và lĩnh vực bất động sản trầm lắng.

Giá hầu hết các loại thép giao dịch trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải đều giảm trong phiên 29/7. Thép cây giảm gần 0,4%, thép cuộn cán nóng giảm gần 1,2%, thép dây giảm khoảng 0,7%.

Trái ngược với kim loại sắt thép, giá vàng tiếp tục có nhiều biến động, có thời điểm giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 2 tháng qua do được hỗ trợ bởi hy vọng Fed cắt giảm lãi suất. Trong ngắn hạn, với việc Fed thực hiện cắt giảm lãi suất trong tháng 9 sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng.

Thời tiết thuận lợi đã tác động tới nguồn cung, khiến giá nhiều mặt hàng nông sản giảm.

Giá lúa mỳ tiếp tục xu hướng giảm trong bối cảnh sản lượng lúa mỳ vụ Xuân của Mỹ được dự báo sẽ dồi dào, đồng thời các nhà xuất khẩu ở Biển Đen cung cấp mức giá rẻ hơn cũng khiến giá lúa mỳ giảm.

Giá đậu tương và ngô Mỹ đã có lúc chạm mức thấp nhất nhiều năm, tuy nhiên đã nhích tăng trở lại do hoạt động đẩy mạnh mua vào và dự báo sản lượng vụ thu hoạch tại một số khu vực trên thế giới giảm.

CPI tháng 7/2024 đã tăng 0,48% so với tháng trước

Trong tháng 7/2024, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được bảo đảm, tăng lương được thực hiện theo lộ trình.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn như áp lực lạm phát; thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn hồi phục chậm …

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 đã tăng 0,48% so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%.

Nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới.

Tổng quát chung, CPI từ đầu năm đến nay đã có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, từ mức 3,37% trong tháng 1/2024 lên mức cao nhất 4,44% vào tháng 5/2024. Sang tháng 6/2024, mức tăng CPI còn 4,34% và tháng 7/2024 tăng 4,36%.

Tính chung 7 tháng qua, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế, bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở. Ngoài ra, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng trong thời điểm lễ hội và du lịch.

Những áp lực lạm phát những tháng cuối năm có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình. Mặc dù vậy, trong những tháng còn lại của năm 2024, những yếu tố làm giảm tốc độ tăng chỉ số giá như các nền kinh tế lớn giữ nguyên lãi suất hoặc hạ chậm, kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ khiến giá hàng hóa thế giới khó tăng mạnh.

Cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn yếu.

Nguồn cung lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định.

Tăng trưởng tín dụng vẫn khá thấp.

Áp lực tăng tỷ giá USD/VND sẽ giảm bởi Fed cắt giảm lãi suất khiến đồng USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế.

Rủi ro về giá dầu sẽ được giảm bớt do nhu cầu trên thị trường thế giới vẫn yếu, đặc biệt là tại Trung Quốc

Trên cơ sở tổng hợp, phân tích, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo CPI tháng 08/2024 có thể tăng khoảng 0,2% so với tháng trước.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/du-bao-cpi-thang-8-2024-tang-khoang-02-so-voi-thang-truoc-20424082112154034.htm