Dự báo điểm chuẩn đại học năm nay tăng hay giảm?

Với phổ điểm các khối thi mới được công bố và điều chỉnh cộng điểm ưu tiên, dự báo các nhóm ngành 'hot' vào các trường tốp đầu giảm nhẹ.

Dự báo điểm chuẩn các trường tốp trên có thể giảm nhẹ

Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, thầy Vũ Khắc Ngọc, giảng viên Hóa, Hệ thống Giáo dục Hocmai, người có nhiều năm tư vấn, dự đoán điểm chuẩn vào các trường đại học chia sẻ: "Về phổ điểm các khối thi, tổng quan tương đối ổn định so với năm trước đây, tuy cũng có sự dao động nhẹ giữa các khối thi. Ví như khối A, điểm số có giảm tương đối; khối A1, khối C giảm nhẹ, trong khi khối B lại cao nhỉnh hơn so với năm trước. Tuy nhiên, biên độ chênh lệch không quá nhiều.

Sau biết điểm tốt nghiệp, các thí sinh chuẩn bị đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023.

Sau biết điểm tốt nghiệp, các thí sinh chuẩn bị đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023.

Thí sinh cần lưu ý tương quan thể hiện trên phổ điểm chỉ đóng một vai trò nhất định trong việc xác định điểm chuẩn. Để đánh giá sự tăng hay giảm của điểm chuẩn còn căn cứ các yếu tố khác như tỷ lệ % chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp của ngành đào tạo của cơ sở đào tạo. Ví như tỷ lệ % dành cho xét tuyển bằng kết quả tốt nghiệp nhỏ quá thì điểm chuẩn có thể nhích lên.

Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển ngành nghề của thí sinh cũng tác động đến xác định điểm chuẩn, bởi có những ngành "hot" quá được thí sinh lựa chọn nhiều thì dù trong xu hướng chung điểm chuẩn của khối ngành có thể giảm nhưng điểm chuẩn ngành xét tuyển đó lại có thể tăng".

Thầy Ngọc cũng phân tích thêm, năm nay có sự điều chỉnh về cộng điểm ưu tiên cũng sẽ tác động đến các ngành "hot" với điểm chuẩn rất cao của mùa tuyển sinh đại học trước.

"Qua phân tích phổ điểm từ kết quả kỳ thi, tôi cho rằng, phổ điểm năm nay về cơ bản giữ được ổn định như năm ngoái và không có sự biến động quá lớn.

Điều này rất tốt, không gây nên sự xáo trộn lớn đối với các thí sinh và phụ huynh cũng như công tác xét tuyển vào đại học", GS Nguyễn Đình Đức cho biết

Ví như, các ngành "hot" nhất của khối B thường là ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt của các trường y tốp đầu… Đây là những ngành vốn có điểm chuẩn rất cao, những năm trước, ở nhóm ngành này thí sinh được cộng điểm ưu tiên rất nhiều. Tuy nhiên năm nay, với quy định mới về cộng điểm ưu tiên, nên mặc dù trên phổ điểm khối B cao hơn năm trước nhưng điểm chuẩn chưa chắc đã tăng, thậm chí có thể giảm nhẹ ở một số ngành "hot".

Tương tự với các trường tốp đầu như Ngoại thương, Bách khoa, Kinh tế quốc dân, dự báo điểm chuẩn năm nay cũng có thể giảm nhẹ. Bởi các trường này có nhiều hình thức xét tuyển bên cạnh tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp, trong khi đó với các yếu tố như phổ điểm khối A, A1 giảm nhẹ, khối D cơ bản giữ nguyên (là những tổ hợp mà các trường này xét tuyển), cùng với quy định điều chỉnh cộng điểm ưu tiên về đối tượng và khu vực thì điểm chuẩn có khả năng giảm nhẹ, khó tăng được.

Còn GS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Với mức điểm tốt nghiệp THPT năm nay, dự báo ở một số ngành sẽ có biến động một chút về điểm xét tuyển và có lẽ sẽ không tăng đối với khối khoa học tự nhiên.

So với năm trước, các tổ hợp có môn Toán, Hóa, Địa lý dự kiến điểm trúng tuyển sẽ thấp hơn từ 0,5-1,5 điểm. Còn với các tổ hợp có tiếng Anh, Ngữ văn, Giáo dục công dân có thể sẽ nhích hơn chút. Tuy nhiên, việc tăng, giảm còn phụ thuộc vào chỉ tiêu so với năm 2022 cũng như chỉ tiêu xét tuyển theo từng phương thức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo".

Bối rối đặt nguyện vọng, thí sinh cần nắm quy tắc chia nhóm

Dù đã đỗ sớm 5 trường đại học bằng hình thức xét tuyển học bạ, nhưng sau khi nhận kết quả kỳ thi tốt nghiệp với tổng 25,4 điểm (khối D), em Nguyễn Thanh Thúy (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Nếu so với điểm chuẩn năm ngoái của ngành Sư phạm Văn thì điểm con vừa đủ, thế nhưng con lo lắng liệu năm nay điểm chuẩn có tăng lên nhiều hay không? Con cũng rất bối rối không biết nên đặt nguyện vọng ra sao cho phù hợp, vì ngành con mong muốn học chưa chắc chắn đã đỗ...".

Theo nhận định của thầy Vũ Khắc Ngọc, nhìn chung việc dự báo tăng hay giảm điểm chuẩn tương đối phức tạp, phải những thầy cô trực tiếp phụ trách công tác tuyển sinh các trường đại học mới ước lượng được phần nào sự thay đổi đó. Tuy nhiên, khi đăng ký nguyên vọng các em cứ tuân thủ nguyên tắc của xét tuyển. Đó là dựa vào điểm xét tuyển từ trên cao xuống thấp, do vậy ngành học nào các em cảm thấy yêu thích nhất và điểm chuẩn dự đoán cao nhất trong số các nguyện vọng của mình thì các em xếp lên trên, sau đó lần lượt là các ngành dự đoán điểm chuẩn thấp hơn.

"Các em cần lưu ý, nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm. Nhóm nguyện vọng đầu tiên “cầu may”, là nhóm mà các em chỉ cảm thấy có hi vọng, khả năng chấp chới. Nhóm thứ hai tương đối an toàn, có vẻ phù hợp với điểm số của mình. Và nhóm cuối cùng là những nguyện vọng an toàn dù biến thiên điểm thế nào cũng có thể đỗ hay thậm chí là đã trúng tuyển sớm...", thầy Ngọc cho lời khuyên.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi biết điểm thi, thí sinh muốn phúc khảo bài thi có thể nộp đơn xin phúc khảo từ ngày 18-27/7 tại các đơn vị thí sinh đã đăng ký dự thi.

Việc chấm thi phúc khảo sẽ hoàn thành chậm nhất là ngày 5/8.

Sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, các sở giáo dục và đào tạo tiến hành xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Chậm nhất đến 17h ngày 30/7, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/du-bao-diem-chuan-dai-hoc-nam-nay-tang-hay-giam-d597855.html