Dự báo mưa lũ phức tạp vào cuối năm - Bài 2: Vì sao thiên tai diễn biến phức tạp?

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong tháng 7/2024, tổng lượng mưa hầu khắp các khu vực trên phạm vi cả nước đều ở ngưỡng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20% đến 60%.

 Công tác khắc phục hậu quả do thiên tai tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Công tác khắc phục hậu quả do thiên tai tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Nhiều địa phương ghi nhận lượng mưa kỷ lục

Một số tỉnh miền Bắc có lượng mưa nhiều trong cùng kỳ tháng 7 kể từ ngày có số liệu quan trắc như: Hà Nội (điểm đo tại huyện Hoài Đức ghi nhận lượng mưa 684,6mm, vượt qua kỷ lục được thiết lập trước đó 27 năm). Riêng ngày 23/7, lượng mưa ghi nhận tại quận Hà Đông lên tới 189,5mm, cũng là ngày mưa lớn nhất trong lịch sử ở đây.

Tại các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La cũng ghi nhận lượng mưa trong tháng 7 nhiều nhất lịch sử, vượt qua các kỷ lục được lập trong những năm trước đó. Riêng tại Sơn La, lượng mưa trong tháng 7 năm nay đã phá vỡ kỷ lục được duy trì trong 30 năm qua, kể từ năm 1994.

Trao đổi với Báo PNVN, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, nửa đầu năm 2024, do chịu ảnh hưởng của ENSO pha nóng (El Nino) nên thiên tai ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó đáng chú ý là tình trạng không mưa và nắng nóng kéo dài. Từ giữa năm 2024, ENSO chuyển sang pha trung tính và trong các tháng cuối năm có khả năng chuyển sang pha La Nina.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, biến đổi khí hậu cùng với sự chuyển pha của ENSO từ pha nóng (El Nino) sang pha lạnh (La Nina) đã khiến thời tiết và thiên tai diễn biến ngày càng nhanh và cực đoan hơn. Đặc biệt, những năm gần đây, thiên tai xảy ra với tần suất ngày càng nhiều, cường độ ngày càng tăng và không tuân theo các quy luật thông thường.

Trên thế giới, nhiều mức nhiệt độ cao kỷ lục đã được ghi nhận tại Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia với mức nhiệt 46 độ C; Myanma ghi nhận mức nhiệt 48,2 độ C; Trung Quốc 43,4 độ C. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở châu Phi, với quan trắc nhiệt độ kỷ lục lên đến 48,5 độ C.

Ngày 8/7/2024, Tổ chức Khí tượng thế giới đã công bố một kết quả từ cơ quan nghiên cứu về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu: Trong liên tục 13 tháng qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu đều vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp

Tại Việt Nam, năm nay, nắng nóng gay gắt với mức nhiệt cao được ghi nhận ngay trong tháng 4. Sang tháng 6 và tháng 7/2024, mưa lớn gây ngập úng diện rộng tại các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội (huyện Chương Mỹ).

"Tác động của biến đổi khí hậu là làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như làm thay đổi quy luật hoạt động thông thường của các loại hình thiên tai", ông Lâm nói.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Nói về đợt ngập lụt ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vừa qua dưới góc độ khoa học khí tượng thủy văn, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, hiện tượng ngập úng ở khu vực Chương Mỹ những ngày qua do ảnh hưởng của rãnh gió mùa nối với vùng áp thấp do bão số 2 suy yếu, dẫn đến trong ngày 23-24/7, khu vực Hà Nội và tỉnh Hòa Bình đã xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Lượng mưa lớn nhất đo được tại khu vực huyện Lương Sơn trong 2 ngày (23-24/7) đạt từ 200 đến 300mm, tại khu vực huyện Chương Mỹ (điểm Xuân Mai) lượng mưa là 450mm. Mưa lớn trong thời gian ngắn, nước từ thượng nguồn sông Bùi thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đổ về vùng thấp là huyện Chương Mỹ, kết hợp với mưa trên khu vực huyện Chương Mỹ làm cho các xã vùng trũng như:

Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến… bị ngập sâu. Đợt lũ từ ngày 23/7 đã đạt đỉnh, mực nước đo được tại trạm Yên Duyệt trên sông Bùi là 7,43m (trên báo động III 0,43m) lúc 14h ngày 28/7/2024; đến 7h ngày 1/8/2024 đạt 6,91m (dưới báo động III 0,09m).

Tuy nhiên, đây không phải đợt lũ cao nhất trong 15 năm qua ở khu vực này. Thực tế, năm 2018 đã xuất hiện một đợt lũ trên khu vực này với mực nước có giá trị cao hơn. Cụ thể, mực nước cao nhất đo được tại trạm Yên Duyệt trên sông Bùi là 7,51m lúc 15 giờ ngày 30/7/2018, trên báo động III là 0,51m.

Tháng 8/2024 tiếp tục là cao điểm mưa lũ ở miền Bắc

Ngay sau đợt mưa do ảnh hưởng của rãnh gió mùa nối với vùng áp thấp do cơn bão số 2 suy yếu, miền Bắc tiếp tục được cảnh báo mưa lớn. Về nguyên nhân, ông Mai Văn Khiêm cho biết: "Do tác động của một vùng xoáy thấp trên khu vực Bắc Bộ phát triển từ tầng thấp (1500m) lên tầng cao (5000m) kết hợp với hội tụ gió Tây Nam dày là nguyên nhân chính gây ra đợt mưa này".

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đánh giá, tháng 8/2024 tiếp tục là cao điểm mưa lũ ở miền Bắc. Mức độ có thể còn nghiêm trọng hơn mọi năm do hiện tượng La Nina đang có dấu hiệu ngày càng rõ nét.

Lúc này, những dòng hải lưu từ dưới vùng biển Đông Thái Bình Dương nổi lên trên bề mặt, tạo ra một vùng nước mát hơn bình thường dọc theo đường xích đạo phía Đông đến trung tâm Thái Bình Dương.

Theo số liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, tháng 7 năm nay, ở trung tâm Thái Bình Dương đã giảm ít nhất là 0,2 độ C so với trung bình mọi năm. Các dòng nước lạnh hơn này đẩy nước ấm sang bờ Tây Thái Bình Dương, gần về khu vực châu Á hơn, biểu hiện là nhiệt độ nước biển ở đây đã cao hơn trung bình, có nơi cao hơn 1-2 độ C.

Đây chính là những dấu hiệu ban đầu cho thấy El Nino đang dần chuyển sang La Nina, nguyên nhân hình thành các trận bão và mưa lũ dồn dập trong giai đoạn vừa qua.

Các chuyên gia khí tượng khuyến cáo, người dân cần thường xuyên theo dõi thời tiết, chủ động kế hoạch di chuyển, du lịch, leo núi, giao thương… tới các địa bàn vùng núi, qua những cung đường dễ sạt lở vào thời điểm này.

(Còn nữa)

Ngọc Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/du-bao-mua-lu-phuc-tap-vao-cuoi-nam-bai-2-vi-sao-thien-tai-dien-bien-phuc-tap-20240821175155588.htm