Dự báo nguồn cung ure, DAP trên thế giới vẫn tiếp tục bị thắt chặt
Chứng khoán Dầu khí đánh giá, mặc dù một số nhà sản xuất phân bón Trung Quốc sẽ xuất khẩu trở lại trong mùa Hè này nhưng sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga, trong khi nhu cầu gia tăng, sẽ khiến nguồn cung ure và DAP tiếp tục bị thắt chặt.
Theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán Dầu khí (PSI), giá ure tại hầu hết các thị trường lớn trên toàn cầu trong quý 1/2025 đã tăng từ 12 - 19% so với cùng kỳ năm 2024, chủ yếu do giá khí đốt tăng cao.
Vào ngày 31/1/2025, giá khí đốt đã tăng mạnh, đạt đỉnh ngắn hạn tại mức 56 EUR/MWh, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2024 khi châu Âu tiếp tục thiếu hụt nguồn cung khí từ Nga và nhu cầu sưởi ấm mùa Đông tăng cao.
Tuy nhiên, áp lực thiếu cung tại EU đã giảm bớt sau khi Slovakia bắt đầu tiếp nhận khí đốt từ Nga qua đường ống TurkStream kể từ ngày 11/2/2025, khiến giá khí đốt “hạ nhiệt” về mức 44,2 EUR/MWh vào đầu tháng 3/2025. Nhưng đây vẫn là mức giá cao hơn tới 67% so với cùng kỳ năm 2024.
Dựa trên điều kiện cung - cầu hiện tại, nhiều tổ chức lớn dự báo giá khí đốt tại châu Âu sẽ có xu hướng giảm dần trong trung hạn.

Nguồn cung ure và DAP trên thị trường toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục trong trạng thái thắt chặt.
Theo đánh giá của Chứng khoán Dầu khí, giá ure trên thị trường thế giới có thể giảm nhẹ trong ngắn hạn (30 - 60 ngày) trước khi hồi phục trở lại. Việc các nhà sản xuất phân bón tại Trung Quốc quay lại thị trường trong tháng 6/2025 có thể tạo áp lực giảm giá nhất thời. Sau đó, nhu cầu tại loạt quốc gia như Ấn Độ, Australia, Ethiopia, khu vực Đông Nam Á và khu vực Mỹ Latinh dự kiến sẽ tăng lên, giúp cân bằng thị trường.
Đồng thời, loạt nhà máy sản xuất phân bón tại Nga dự kiến sẽ tiến hành bảo dưỡng trong mùa Hè này sẽ khiến nguồn cung ure dần thắt chặt trở lại. Ngoài ra, Ai Cập cũng đang yêu cầu các nhà sản xuất nitơ ở nước này phải cắt giảm sản lượng 20% do cắt giảm khí đốt.
Đối với giá DAP, giá loại phân bón này tại tất cả các thị trường trên thế giới trong quý 1/2025 đã tăng 3 - 7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, châu Á là khu vực có mức giá tăng lớn nhất do hoạt động bảo trì tại một số nhà máy lọc dầu lớn ở Trung Quốc và nhu cầu cho sản xuất phân bón tăng cao, đẩy giá lưu huỳnh leo thang trong nửa đầu năm 2025.
Chứng khoán Dầu khí nhận định giá DAP trong ngắn hạn (30 - 60 ngày) sẽ neo ở vùng giá hiện tại những có khả năng đang tạo đỉnh. Đáng chú ý, nguồn cung DAP sẽ vẫn thắt chặt trongg thời gian tới.
Cụ thể, một số nhà sản xuất phosphate Trung Quốc đã được phân bổ "hạn ngạch xuất khẩu tự chủ" để xuất khẩu DAP/MAP nhưng mức hạn ngạch này thấp hơn 50 - 60% so với mức hạn ngạch của năm 2024. Trong khi đó, hoạt động canh tác tại Nga được đẩy mạnh sẽ khiến nước này ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, giảm hoạt động xuất khẩu. Về phía cầu, dự kiến đợt thầu của khu vực tư nhân tại Bangladesh sẽ làm tăng nhu cầu DAP.