Ông Trump dọa áp thuế 50% lên EU và 25% với iPhone không sản xuất ở Mỹ, cổ phiếu Apple giảm sâu
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23.5 đã tăng cường các mối đe dọa thương mại, nhắm mục tiêu vào cả Apple và hàng nhập khẩu từ toàn bộ Liên minh châu Âu (EU), khiến thị trường toàn cầu rúng động.
Ông Trump đe dọa sẽ áp thuế 25% với Apple cho bất kỳ chiếc iPhone nào bán ra nhưng không được sản xuất ở Mỹ. Hơn 60 triệu chiếc điện thoại được bán ra hàng năm tại Mỹ, nhưng nước này không có ngành sản xuất smartphone.
“Từ lâu tôi đã nói với Tim Cook của Apple rằng tôi kỳ vọng những chiếc iPhone bán ở Mỹ phải được sản xuất và lắp ráp tại Mỹ, chứ không phải Ấn Độ hay bất kỳ nơi nào khác. Nếu điều đó không được thực hiện, Apple phải trả một mức thuế ít nhất 25% cho Mỹ”, ông Trump viết trên tài khoản mạng xã hội Truth Social.
Tổng thống Mỹ còn cho biết sẽ đề xuất áp thuế 50% lên EU bắt đầu từ ngày 1.6. Điều này sẽ kéo theo mức thuế cao với các mặt hàng xa xỉ, dược phẩm và các sản phẩm khác do các nhà sản xuất châu Âu cung cấp.
Thị trường chịu phản ứng tiêu cực sau thông tin này. Hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 1,5% trong giao dịch trước phiên và chỉ số Eurostoxx 600 giảm 2%.
Hợp đồng tương lai S&P 500 là một loại hợp đồng tài chính phái sinh, cho phép nhà đầu tư dự đoán và giao dịch dựa trên mức giá tương lai của chỉ số chứng khoán S&P 500. Đây là chỉ số đại diện cho 500 công ty niêm yết lớn nhất tại Mỹ.
Eurostoxx 600 (tên đầy đủ STOXX Europe 600 Index) là chỉ số chứng khoán đại diện cho 600 công ty lớn nhất được niêm yết trên các sàn giao dịch chính ở 18 quốc gia châu Âu.
Cổ phiếu Apple giảm 3,5% trong giao dịch trước phiên 23.5. Ông Trump không đưa ra khung thời gian cụ thể trong lời dọa áp thuế với Apple.
“Mọi sự lạc quan về các thỏa thuận thương mại đã bị xóa sạch chỉ trong vài phút, thậm chí chỉ vài giây”, Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại hai công ty môi giới tài chính quốc tế City Index và FOREX.com, viết trong một ghi chú.
Ông Trump từng khiến thị trường chao đảo vào đầu tháng 4 khi áp thuế đối ứng lên hầu hết quốc gia, gồm cả mức thuế khoảng 145% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Giới đầu tư đã phản ứng bằng cách bán tháo tài sản Mỹ. Dù thị trường phục hồi sau đó, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Mỹ đã đi xuống.
Phản ứng đó buộc Nhà Trắng phải tạm dừng phần lớn các mức thuế cho đến đầu tháng 7, chỉ giữ lại thuế 10% với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, ông Trump vẫn để ngỏ khả năng khôi phục một số mức thuế. Tuyên bố hôm 23.5 từ Tổng thống Mỹ đã chấm dứt sự yên bình ngắn ngủi này.

Cổ phiếu Apple giảm mạnh sau khi ông Trump dọa áp thuế 25% với iPhone không sản xuất ở Mỹ - Ảnh: Reuters
Nhà Trắng đang đàm phán với nhiều quốc gia về các vấn đề thương mại, nhưng tiến trình không ổn định. Các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 cố gắng làm dịu tranh cãi về mức thuế trong tuần này tại một diễn đàn ở Canada.
Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về lời đe dọa áp thuế 50% với hàng hóa từ EU của Tổng thống Trump, cho biết sẽ chờ cuộc điện đàm giữa Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic và người đồng cấp Mỹ Jamieson Greer.
Cổ phiếu các hãng ô tô và hàng xa xỉ của Đức, nhóm dễ bị tổn thương nhất trước thuế quan, đã giảm mạnh. Cổ phiếu Porsche, Mercedes và BMW đều giảm hơn 4%. Cổ phiếu công ty kính mắt EssilorLuxottica giảm 5,5%.
Nhắm mục tiêu vào Apple
Sau khi ông Trump nâng thuế lên hàng hóa từ Trung Quốc lên hơn 100% vào đầu tháng 4, Nhà Trắng đã làm dịu tình hình do thị trường hỗn loạn, miễn trừ thuế cao với smartphone và một số thiết bị điện tử tiêu dùng phổ biến khác, chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Đây là động thái có lợi cho Apple và các hãng công nghệ khác phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Apple đặt mục tiêu sản xuất phần lớn iPhone bán ra tại Mỹ tại các nhà máy ở Ấn Độ cuối năm 2026 và đang đẩy nhanh kế hoạch này để đối phó với khả năng thuế quan cao hơn ở Trung Quốc, nơi sản xuất chính smartphone của hãng, một nguồn tin nói với Reuters. Apple đang định vị Ấn Độ như nơi sản xuất thay thế trong bối cảnh thuế quan của ông Trump với Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về chuỗi cung ứng và giá iPhone cao hơn, Reuters đưa tin tháng trước.
Tuy nhiên, ông Trump và cả Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick gợi ý rằng Apple hoàn toàn có thể sản xuất iPhone tại Mỹ. Vào tháng 2, Apple cho biết sẽ chi 500 tỉ USD trong bốn năm để mở rộng tuyển dụng và cơ sở vật chất tại 9 bang của Mỹ, nhưng thông báo rằng khoản đầu tư này sẽ dành cho việc đưa dây chuyền sản xuất iPhone về nước.
Apple cho biết phần lớn iPhone được bán tại Mỹ trong quý 2/2025 có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Giữa tháng 5, Tổng thống Trump cho biết đã yêu cầu Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple) ngừng xây dựng các nhà máy tại Ấn Độ để sản xuất thiết bị cho thị trường Mỹ. Song song đó, ông Trump thúc đẩy Apple tăng cường sản xuất trong nước khi hãng này đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc.
“Tôi đã có một chút vấn đề với Tim Cook hôm qua. Tôi nói với cậu ấy: ‘Tim, cậu là bạn tôi, tôi đã đối xử với cậu rất tốt. Thế nhưng, tôi nghe nói cậu đang xây dựng nhà máy khắp nơi ở Ấn Độ. Tôi không muốn cậu làm vậy”, Tổng thống Trump kể về cuộc trò chuyện với Giám đốc điều hành Apple khi đang có chuyến thăm Qatar hôm 15.5.
Ông Trump nói rằng sau cuộc thảo luận đó với Tim Cook, Apple sẽ “tăng sản lượng tại Mỹ”.
Việc xây dựng dây chuyền sản xuất iPhone từ đầu tại Mỹ sẽ cực kỳ khó khăn, ngay cả với công ty giàu tiền mặt như Apple. Chuỗi cung ứng iPhone và lực lượng lao động có tay nghề cho một sản phẩm yêu cầu kỹ thuật cao như vậy đã tập trung ở Trung Quốc nhiều năm, trong khi Apple chỉ bắt đầu xây dựng quan hệ đối tác tại Ấn Độ gần đây.
Chi phí lao động và sản xuất cao tại Mỹ cũng khiến việc lắp ráp iPhone ở đây trở nên không khả thi.
Ấn Độ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Apple, với lượng khách hàng lớn đầy tiềm năng. Chính phủ Ấn Độ cũng có chính sách trợ cấp để hỗ trợ mở rộng hoạt động lắp ráp thiết bị điện tử.
“Đây là một chiến thuật quen thuộc của Trump: Ông ấy muốn thúc đẩy Apple nội địa hóa nhiều hơn và xây dựng chuỗi cung ứng tại Mỹ, điều mà không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Sản xuất tại Mỹ cũng sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với lắp ráp iPhone ở Ấn Độ”, Tarun Pathak, Giám đốc nghiên cứu tại hãng phân tích công nghệ Counterpoint, nhận định.
Apple và các đối tác cung ứng đã đẩy nhanh việc chuyển dịch khỏi Trung Quốc, một quá trình bắt đầu từ thời kỳ phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn (Đài Loan) ở thành phố Trịnh Châu. Các mức thuế do ông Trump áp đặt cùng căng thẳng Mỹ - Trung khiến Apple càng đẩy mạnh nỗ lực này.
Các nhà máy iPhone tại Ấn Độ hiện sản xuất hơn 40 triệu chiếc mỗi năm, chiếm khoảng 20% sản lượng smartphone toàn cầu của Apple. Dù ông Trump kêu gọi Apple sản xuất iPhone tại Mỹ, việc thiếu hụt nhân lực kỹ thuật và năng lực lắp ráp trong nước khiến điều này gần như bất khả thi trong ngắn hạn.
“Apple có một trong những chuỗi cung ứng tinh vi nhất được xây dựng qua nhiều năm. Việc phá vỡ hoặc hoàn toàn rút khỏi Ấn Độ hay Trung Quốc sẽ là vô cùng khó khăn”, Tarun Pathak nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông Trump không phản đối việc Apple sản xuất các thiết bị tại Ấn Độ để phục vụ cho thị trường này.
Tổng thống Trump cũng đề cập đến các cuộc đàm phán về thuế quan với Ấn Độ, cho biết quốc gia Nam Á này đã đưa ra đề nghị hạ thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ. Theo ông Trump, Ấn Độ là một trong những quốc gia có rào cản thuế quan cao nhất thế giới, khiến việc bán sản phẩm Mỹ tại quốc gia đông dân nhất hành tinh trở nên rất khó khăn.