Dự báo Sợi Thế Kỷ (STK) dẫn dắt đà phục hồi toàn ngành, sản lượng tiêu thụ tiếp tục khởi sắc về cuối năm

Dự báo tổng cầu dệt may thế giới cả năm 2023 sẽ tiếp tục giảm khoảng 8% xuống còn 700 tỷ USD (thấp hơn tổng cầu năm 2020 xảy ra dịch Covid – 19), sau khi đã giảm 6% trong năm 2022 bên cạnh xu hướng cầu thấp vẫn tiếp diễn trong năm 2024. Là 1 trong những doanh nghiệp đầu ngành, CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) được kỳ vọng sản lượng tiêu thụ tiếp tục tăng từ nay cho đến hết 2023.

STK: Dự kiến sản lượng tiêu thụ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm 2023

Theo đó, trong quý II/2023, STK đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 407 tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ (svck) nhưng tăng 41% so với quý trước) và 38 tỷ đồng (giảm 47% svck).

Trong nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 695 tỷ đồng (giảm 41% svck) và 39 tỷ đồng (giảm 73% svck); hoàn thành lần lượt 32% và 15% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm. Công ty ghi nhận mức nền kết quả kinh doanh cao trong 6 tháng đầu năm 2022.

Báo cáo ngày 26/7 từ CTCK SSI Research nhận định, doanh thu thuần quý II giảm svck do sản lượng tiêu thụ giảm. Trong khi đó, giá bán trung bình chỉ giảm 0,4% svck. So với quý I, sản lượng tiêu thụ tăng 48% so với quý trước nhưng giá bán trung bình giảm 4,5%.

Mặc dù sản lượng tiêu thụ vẫn thấp so với năm trước, nhưng STK đã ghi nhận sự phục hồi từ mức thấp của quý đầu năm nay đối với cả hai mảng sợi nguyên sinh (tăng 43,6% so với quý trước) và sợi tái chế (tăng 53,5% so với quý trước). Doanh số bán sợi tái chế chiếm 57% tổng doanh thu, tương đương với quý II năm ngoái là 56% và quý I/2023 là 58%. STK đặt mục tiêu doanh thu sợi tái chế chiếm 64% tổng doanh thu vào cuối năm.

Nhóm phân tích cho rằng, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 6,2% trong quý I lên 14,8% ở quý II do giá chip PET (hạt nhựa) trung bình giảm và ban lãnh đạo đã đẩy mạnh các đơn đặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn như sợi tái chế giá trị gia tăng cho khách hàng Nhật Bản.

Theo đó, giá bán trung bình của sợi nguyên sinh và sợi tái chế lần lượt giảm 1,9% và 5,7% svck, do đó biên lợi nhuận gộp của sợi nguyên sinh và sợi tái chế đều giảm 550 điểm cơ bản và 790 điểm cơ bản svck 2022. So với quý trước, giá bán trung bình của sợi nguyên sinh và sợi tái chế lần lượt tăng 1,2% và giảm 9,6%. Do giá chip PET nguyên sinh trung bình giảm 15,3% so với quý trước, nên biên lợi nhuận gộp của sợi nguyên sinh đã có lãi trở lại trong quý II này, đạt 2,3%. Giá bán trung bình của sợi tái chế giảm so với quý trước cũng là do giá chip PET tái chế giảm tương ứng 20%. Tuy nhiên, mức chênh lệch giá đối với sợi tái chế vẫn tăng 6% so với quý trước và tỷ suất lợi nhuận gộp của sợi tái chế ở mức 24,6% trong quý II/2023 so với 23% trong quý I/2023.

Phía công ty tự tin rằng các đơn đặt hàng sẽ tiếp tục cải thiện về số lượng trong 2 quý cuối năm nay so với quý trước. Xu hướng giảm của giá chip PET trung bình sẽ tiếp tục giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện trong nửa cuối năm 2023.

Về triển vọng giai đoạn 2023 - 2024, SSI kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp STK sẽ đạt 15,4% trong năm 2023 và 16,1% trong năm 2024 nhờ nhà máy Unitex mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024. Do công ty hoạt động ở phân khúc cao hơn chuỗi giá trị ngành, nhóm phân tích kỳ vọng kết quả doanh thu sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự phục hồi của ngành, tiếp sau đó là các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc khác.

Chung nhận định, CTCK ABS Research cũng cho rằng nhà máy Unitex (dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2024) sẽ là động lực tăng trưởng của STK trong thời gian tới.

ABS đánh giá triển vọng tăng trưởng của STK sẽ tích cực hơn từ nửa cuối năm nay nhờ có lợi thế cạnh tranh cao khi doanh nghiệp chú trọng chuyển đổi xanh, tập trung phát triển sợi tái chế để phù hợp với yêu cầu của thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và xu hướng chung của toàn ngành.

Theo đó, dự báo kết quả kinh doanh của STK nửa cuối 2023 có sự phục hồi nhờ lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt; Mức nền thấp của nửa cuối 2022 và 6 tháng đầu năm nay; Cùng mức tồn kho của các thương hiệu thời trang giảm đồng thời đẩy mạnh hoạt động bán hàng qua những chương trình khuyến mãi và giảm giá cuối năm.

Tổng cầu dệt may thế giới dự báo tiếp tục giảm

Theo phân tích từ Tập đoàn dệt may Việt Nam (VINATEX) mới đây (ngày 21/7), dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục giảm khoảng 8% xuống còn 700 tỷ USD (thấp hơn tổng cầu năm 2020 xảy ra dịch Covid – 19), sau khi đã giảm 6% trong năm 2022 và xu hướng cầu thấp được dự báo vẫn tiếp diễn trong năm 2024.

 Nguồn: VINATEX

Nguồn: VINATEX

Sự sụt giảm sẽ phản ánh rõ nét qua thị trường Mỹ. Mỹ là quốc gia nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới (xét theo phạm vi một quốc gia) với tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 127 tỷ USD vào năm 2022, chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch nhập khẩu của thế giới. Tổng cầu dệt may của Mỹ có sự biến động lớn trong những năm gần đây đặc biệt là khi trải qua đại dịch Covid-19.

 Nguồn: VINATEX

Nguồn: VINATEX

Các thị trường lớn khác như EU và Trung Quốc dự báo giảm không quá sâu, thị trường Nhật Bản sẽ chứng kiến mức tăng nhẹ về tổng cầu trong năm 2024.

 Nguồn: VINATEX

Nguồn: VINATEX

 Nguồn: VINATEX

Nguồn: VINATEX

 Nguồn: VINATEX

Nguồn: VINATEX

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/du-bao-soi-the-ky-stk-dan-dat-da-phuc-hoi-toan-nganh-san-luong-tieu-thu-tiep-tuc-khoi-sac-ve-cuoi-nam.html