Dự báo thế giới 2022: Những vấn đề kinh tế thế giới sắp phải đối mặt
Cựu lãnh đạo mảng quản lý tài sản của Goldman Sachs, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Jim O'Neill đã nêu quan điểm về một số vấn đề kinh tế then chốt trong năm 2022.
Mỗi khi một năm sắp kết thúc, người ta lại bắt đầu dự báo về những điều sẽ xảy ra trong 12 tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, đối với năm 2022 và cả sau đó, ông Jim O’Neill nói rằng, việc dự báo trở nên khó khăn hơn, bởi trước đây chưa từng có quá nhiều dấu hỏi lớn đặt ra đối với một loạt các vấn đề kinh tế then chốt như hiện nay.
Các vấn đề nổi cộm
Tình trạng không chắc chắn này nổi bật nhất là ở các thị trường tài chính. Nếu có bất kỳ sự kiện nào trong số những diễn biến cần theo dõi có chiều hướng tiêu cực, tác động đối với các thị trường đang bắt đầu khởi sắc hiện nay sẽ rất nghiêm trọng.
Các vấn đề thời sự và cấp bách nhất là đại dịch Covid-19 và lạm phát.
Tình trạng giá cả gia tăng trong năm nay chỉ là tạm thời hay chúng đại diện cho điều gì đó đáng ngại hơn? Ông O’Neill không thể trả lời câu hỏi này mặc dù vào thời điểm này năm ngoái, ông dự đoán rằng, lạm phát sẽ trở thành một vấn đề lớn hơn so với vấn đề tăng trưởng GDP yếu.
Nhưng giờ đây, khi nói về năm 2022, vị cựu Bộ trưởng Tài chính Anh không còn chắc chắn được như vậy.
Phần lớn sức ép lạm phát hiện nay vẫn có thể liên quan đến tốc độ phục hồi ở nhiều nền kinh tế do sự gián đoạn nguồn cung lớn và kéo dài.
Tuy nhiên, bản thân sự thiếu hụt nguồn cung có thể là triệu chứng của các vấn đề lớn hơn, chẳng hạn như kích thích kinh tế quá mức, các chính sách tiền tệ không hiệu quả, hoặc mức tăng năng suất thấp.
Tác động của điều này đối với các thị trường tài chính sẽ khác nhau.
Nhiều câu hỏi lớn khác đặt ra cho năm 2022 cũng liên quan đến lạm phát.
Mục đích của chính sách tiền tệ trong nền kinh tế hiện nay là gì? Liệu có nên lo lắng về mức nợ của chính phủ, hay chúng ta không bao giờ cần phải lo lắng về điều này?
Về chính sách tài khóa và ý tưởng cho rằng, nợ chính phủ ở mức độ nào đó đã trở thành vấn đề khó giải quyết, những gì đã diễn ra trong năm 2020-2021 đã chứng minh rằng, phần lớn cách nghĩ thông thường này là sai lầm.
Điều quan trọng hơn rất nhiều là khoản nợ đó dùng để làm gì. Nợ phát sinh để ngăn chặn sự sụp đổ của hoạt động kinh tế hoàn toàn khác với nợ phát sinh chỉ để tài trợ cho một chương trình nghị sự quá tham vọng của chính phủ.
Về chính sách tiền tệ, ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, rõ ràng là thế giới hậu khủng hoảng tài chính 2008 - mà trong đó sự hào phóng của các ngân hàng trung ương dường như là vô tận - đã kéo dài quá lâu và không còn hiệu quả nữa.
Từ lâu, chúng ta đã cần phải quay trở lại mối quan hệ trong đó tỉ lệ lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát có một số điểm tương đồng với tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng.
Mặc dù có thể đưa ra lý do cho việc chậm trễ này để quản lý một cú sốc lớn như Covid-19, song việc duy trì các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo dường như là không đúng chỗ.
Như các chuyên gia của Milton Friedman đã nhận định, những chính sách này thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng lạm phát gần đây.
Sau nhiều năm vật lộn để đạt được tỷ lệ lạm phát cao hơn (gần bằng hoặc cao hơn mục tiêu đặt ra), các ngân hàng trung ương hiện coi lạm phát chỉ là tạm thời.
Trên thực tế, các giám đốc ngân hàng trung ương cũng chẳng biết liệu lạm phát có kéo dài hay không. Tuy nhiên, ngay cả khi lạm phát chỉ là nhất thời, lời biện minh cho một chính sách tiền tệ hào phóng ngày càng không thuyết phục.
Kỳ vọng năm 2022 tươi sáng
Bên cạnh những vấn đề kể trên, điều khiến người ta lo ngại là câu hỏi quan trọng về sự gia tăng năng suất, điều đã gây thất vọng ở hầu hết các nền kinh tế phát triển trong nhiều năm qua.
Những sự đổi mới và những thay đổi về hành vi do đại dịch gây ra có báo trước sự trở lại được mong đợi từ lâu của mức tăng năng suất mạnh mẽ hay không?
Không ai biết được đại dịch sẽ còn dẫn tới những điều gì. Liệu Omicron có nhanh chóng trở thành biến thể "thống trị" mới hay sẽ bị thay thế bởi một biến thể khác?
Và những mối đe dọa lớn khác như "đại dịch" kháng kháng sinh đang âm thầm diễn ra, hay những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu?
Có vẻ như các cử tri - đặc biệt là nhóm những người lớn tuổi có thu nhập hạn chế hoặc cố định - sẽ không chấp nhận việc giá năng lượng tăng liên tục, ngay cả khi đây là điều cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế sạch hơn.
Như ông O’Neill đã đề xuất gần đây, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải suy nghĩ một cách sáng tạo để giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, vẫn còn một vấn đề lớn khác là tình trạng nghèo đói trên toàn cầu, vốn đã bắt đầu gia tăng trở lại trong 2 năm qua. Loại bỏ tai họa này dường như là một thách thức thậm chí còn lớn hơn quá trình chuyển đổi năng lượng.
Cuối cùng, tâm lý phổ biến chung hiện nay của mọi người là cảm thấy không chắc chắn về nền quản trị toàn cầu.
Không giống như giai đoạn 2008-2010 khi G20 tỏ ra rất hiệu quả, trong giai đoạn 2020-2021 hầu như không có tiến triển có ý nghĩa nào trong hoạt động hợp tác kinh tế toàn cầu.
Dù vậy, hãy không ngừng hy vọng rằng, năm 2022 sẽ có sự cải thiện lớn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
(theo Project Syndicate)