Dự báo xu hướng đồng USD trong năm 2025

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất, Standard Chartered dự báo đồng USD tăng mạnh trong năm 2025 nhưng sẽ suy yếu trong thời gian đầu năm.

Ngân hàng Standard Chartered vừa dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025 (nửa đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước và nửa cuối năm 6,1%).

Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế khu vực Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered

Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế khu vực Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered

Đồng USD dự kiến sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2025 khi các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng Thống Trump được làm rõ và triển khai. Về lâu dài, tính bền vững của các biện pháp kích thích vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể chuyển sang các tài sản có khả năng phòng ngừa lạm phát nếu tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn.

Đồng USD có thể phải đối mặt với giai đoạn suy yếu vào đầu năm 2025 do Ngân hàng sự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục cắt giảm lãi suất và sự bất ổn trong việc thực hiện chính sách. Những tác động kéo dài của việc tăng lãi suất và đồng USD mạnh lên kể từ tháng 10-2024 có thể gây thêm áp lực lên đồng tiền này.

Việc cắt giảm lãi suất gần đây của FED được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các loại tiền tệ châu Á, bao gồm đồng Việt Nam. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến đã gia tăng áp lực cho thị trường ngoại hối châu Á. Các yếu tố như sự bất ổn trong chính sách thương mại và các biện pháp có thể gây lạm phát dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể làm giảm tính ổn định của chính sách tiền tệ trong khu vực.

Theo chuyên gia kinh tế của Standard Chartered , Việt Nam vẫn đang đạt mức tăng trưởng tốt. Xuất khẩu tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước trong 10 tháng đầu năm 2024, trong khi nhập khẩu tăng 16,8%; với ngành xuất nhập khẩu hàng điện tử đang tiếp tục phục hồi. Ngành sản xuất tăng trưởng vững chắc cùng chính sách tiền tệ phù hợp cũng góp phần vào sự phục hồi kinh tế từ đầu năm đến nay. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng. FDI giải ngân tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước trong khi FDI cam kết tăng 1,9% trong cùng kỳ. Ngành sản xuất chiếm 62,6% tổng vốn FDI cam kết trong giai đoạn đó, trong khi ngành bất động sản chiếm 19,0%, gia tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế khu vực Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered, cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý 2/2025. Sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ chính phủ đang hỗ trợ cho mức lãi suất thấp trong hiện tại. Lạm phát có thể tăng trở lại bắt đầu từ quý 2/2025; do đó, chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ trở lại bình thường trong quý 2. Các động thái của FED cũng sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của SBV. Lãi suất đồng USD thấp hơn có thể giúp giảm dòng vốn chảy ra nước ngoài, trong khi thặng dư thương mại bền vững cùng nguồn thu ngoại tệ mạnh mẽ từ ngành du lịch sẽ hỗ trợ đồng VND; tuy nhiên, dự trữ nhập khẩu thấp vẫn là một thách thức".

Standard Chartered dự báo việc FED cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến xu hướng suy yếu của đồng USD trong vài quý tới, dẫn đến tỉ giá quy đổi USD/VND ở mức 25.250 vào cuối năm 2024 và 25.450 vào quý 2/2025.

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 11-12 nhấn mạnh những thay đổi trong chính sách thương mại, tài khóa và nhập cư của Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng và gia tăng lạm phát ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển.

Theo kịch bản rủi ro cao, ADB dự báo những thay đổi chính sách mạnh mẽ của Mỹ có thể làm giảm nhẹ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 4 năm tới ở mức lũy kế 0,5 điểm phần trăm.

Dự báo tăng trưởng của Việt Nam được điều chỉnh lên mức 6,4% so với dự báo trước đây là 6% trong năm 2024; và lên mức 6,6% so với mức 6,2% trong năm 2025. Hoạt động thương mại mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, và việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh các khó khăn bên ngoài gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công và những chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ là các biện pháp cần thiết để kích thích hơn nữa cầu nội địa.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-bao-xu-huong-dong-usd-trong-nam-2025-196241212111051848.htm