Dư địa lớn cho trái cây Việt vào thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu (XK) rau quả tiếp tục ghi nhận bước tăng trưởng khả quan đóng góp vào bức tranh tăng trưởng XK. Trong đó, sầu riêng đạt giá trị hơn 2,5 tỷ USD, các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng XK.

Trung Quốc chi hơn 700 triệu USD để nhập rau quả Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam tính đến hết tháng 9 đạt 5,64 tỷ USD, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 9, XK rau quả vượt 917 triệu USD, tăng 38% và thiết lập kỷ lục mới. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 3,79 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 67% trong tổng kim ngạch XK rau quả của Việt Nam 9 tháng qua. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm tới 67% kim ngạch với 3,8 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 38% so với năm ngoái. Riêng tháng 9, nước này đã chi hơn 700 triệu USD để nhập rau quả Việt Nam.

Vị thế của nông sản Việt đang ngày càng được củng cố trên thị trường quốc tế.

Vị thế của nông sản Việt đang ngày càng được củng cố trên thị trường quốc tế.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, từ khi có Nghị định thư cho phép sầu riêng tươi XK sang Trung Quốc ký vào tháng 7/2022, XK sầu riêng sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng vượt bậc và sầu riêng đã trở thành mặt hàng XK số 1 của ngành rau quả Việt Nam, với giá trị đạt hơn 2,2 tỷ USD năm 2023 và đã vượt mốc 2,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, và dự kiến có thể đạt hơn 3 tỷ USD khi kết thúc năm 2024. Trước đó, Việt Nam đã ký nghị định thư XK sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam. Dự kiến trong thời gian ngắn sắp tới, 2 sản phẩm này của Việt Nam cũng sẽ đến được thị trường Trung Quốc sau khi các doanh nghiệp (DN) đã có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đáp ứng được các quy định khác của Trung Quốc và ký kết được những đơn hàng XK.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Việt Nam trở thành nguồn cung chuối lớn nhất cho Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng nhập khẩu đạt 459,94 nghìn tấn, trị giá 189,82 triệu USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 0,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ với PV Báo CAND ngày 15/10, ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Mekong cho biết, ông đang dự cuộc họp chuẩn bị cho dừa tươi XK đầu tiên đi Trung Quốc. Đây là bước khởi đầu tốt đẹp trong việc chinh phục thị trường Trung Quốc của mặt hàng dừa tươi. Theo ông Thuật, dừa tươi là sản phẩm được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, do vậy, những tháng cuối năm và năm 2025 dự báo sản lượng XK sẽ tăng cao. Hiện, DN đã ký hợp đồng với khách hàng Trung Quốc, với tín hiệu khả quan thì dự báo năm 2025 sẽ sản xuất hết công suất đạt khoảng 8 triệu trái dừa, trong đó XK sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40% sản lượng của nhà máy. Hiện, Mekong đã XK dừa tươi tới hơn 10 thị trường trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Australia…

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, hiện Vina T&T đang xây một nhà máy rất lớn ở Bến Tre chuyên về dừa tươi để đón cơ hội từ thị trường Trung Quốc và đã hoàn thiện được khoảng 70%. Từ nay đến khi phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói, chúng tôi sẽ là đơn vị tiên phong XK vào thị trường này. Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, với việc ký kết Nghị định thư cho phép trái dừa XK chính ngạch vào Trung Quốc, dự kiến kim ngạch XK dừa tươi năm nay sẽ đạt khoảng 250 triệu USD, chiếm tỷ trọng 25% tổng kim ngạch XK của ngành dừa.

Đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là: Sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây. Sầu riêng, thanh long... của Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản nhập khẩu từ ASEAN.

Đảm bảo chất lượng sản phẩm

Hiện nhu cầu trái cây của thị trường thế giới rất lớn, trong đó Trung Quốc là thị trường XK rất tiềm năng cho trái cây Việt. Song, các thị trường đều đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn chất lượng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông Bùi Dương Thuật cho hay, Mekong đã có kế hoạch từng bước mở rộng công suất cùng với liên kết vùng nguyên liệu, hỗ trợ nhà vườn kiến thức kỹ thuật canh tác dừa uống nước theo hướng chất lượng cao, cố gắng làm sao giữ cho thị trường XK ổn định. Bên cạnh những tín hiệu tích cực khi xuất chính ngạch dừa tươi vào Trung Quốc thì thách thức đặt ra cũng rất lớn đối với các đơn vị quản lý mã vùng trồng cũng như việc thực hiện tốt các hợp đồng liên kết thu mua với người trồng dừa một cách thường xuyên và ổn định theo thỏa thuận, để nhằm tránh những hạn chế, bất cập đã từng xảy ra như đối với một số mặt hàng nông sản trước đó.

Cùng với đó, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Banana Brothers Farm – một trong những DN Việt Nam đang XK chuối sang thị trường Trung Quốc- cho rằng, với các mặt hàng nông sản – trái cây tươi XK, việc tuân thủ và đảm bảo chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất. Thị trường Trung Quốc cũng như Nhật, Hàn hay châu Âu, Mỹ... đều có những tiêu chuẩn quy chuẩn chung tương tự nhau về chất lượng, vi lượng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Banana Brothers Farm nhận thức rõ điều này nên tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu làm đất, trồng trọt, chăm sóc chuẩn và luôn tự tin XK chính ngạch, có chỗ đứng bền vững tại thị trường quốc tế.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, cơ hội mới đang mở ra cho dừa tươi và sầu riêng cấp đông khi được xuất chính ngạch vào Trung Quốc, để “hưởng lợi” thì điều quan trọng là hai mặt hàng trái cây chủ lực này cần thực hiện tốt các giải pháp phát triển. Nhất là làm tốt khâu liên kết sản xuất theo hướng tập trung, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đầu tư vào giải pháp kỹ thuật cấp đông. Và khâu chính sách cũng cần hỗ trợ nhiều hơn vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển.

Trên thực tế, vị thế của nông sản Việt đang ngày càng được củng cố trên thị trường quốc tế. Trung Quốc đã tạo nhiều thuận lợi cho việc nhập khẩu nông sản, giúp dự báo kim ngạch XK rau quả năm nay có thể đạt 7 tỷ USD. Theo ông Nguyên, với đà tăng trưởng hiện nay, cùng nhu cầu ngày càng cao từ Trung Quốc, ngành rau quả Việt Nam dự báo tiếp tục lập thêm những kỷ lục mới. Dự kiến, mục tiêu XK 10 tỷ USD năm 2030 là hoàn toàn khả thi.

Để nắm bắt cơ hội thị trường, các chuyên gia cho rằng, rau quả Việt cần khắc phục điểm yếu về chất lượng chưa đồng đều cũng như sản lượng chưa ổn định để đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu và phân phối lớn ở Trung Quốc. Do đó, người nông dân và DN đã từng bước chuẩn hóa quy trình canh tác, tuân thủ quy định của các thị trường XK. Cùng với đó là sự đầu tư của các DN về công nghệ chế biến, bảo quản, đóng gói. Đồng thời, cần đẩy mạnh XK chính ngạch thương mại để phát triển bền vững và nâng cao giá trị XK.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, ngoài 14 loại nông sản đi theo đường chính ngạch, hầu hết mặt hàng còn lại xuất qua kênh buôn bán biên giới (tiểu ngạch); trong khi nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường Trung Quốc rất lớn và khả năng cung ứng trái cây đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam rất dồi dào; cùng với đó là lợi thế về các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên. Việt Nam cũng là quốc gia có hơn 1.450km đường biên giới (đường thủy, đường bộ) với Trung Quốc, nên chi phí logistics thấp, cạnh tranh hơn so với các nước. Vì vậy, hiện còn dư địa rất lớn cho các DN kinh doanh trái cây của hai nước khai thác, phát huy.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/du-dia-lon-cho-trai-cay-viet-vao-thi-truong-trung-quoc-i747304/