Dự đoán điểm chuẩn nhóm ngành Toán và Thống kê sẽ giảm 1-2 điểm
Đề thi môn Toán có độ phân hóa cao, chuyên gia dự đoán phổ điểm sẽ có sự chênh lệch rõ rệt, tác động đến điểm chuẩn các ngành xét tuyển bằng môn Toán.
.t1 { text-align: justify; }
Chỉ còn ít ngày nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Sau đó, thí sinh trên cả nước sẽ tiến hành đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học chính thức trên cổng thông tin của Bộ.
Trong thời điểm then chốt này, nhiều thí sinh và phụ huynh đặc biệt quan tâm đến cách xây dựng chiến lược sắp xếp nguyện vọng hợp lý nhằm tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học phù hợp.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đề thi môn Toán và Tiếng Anh năm nay có mức độ phân hóa cao, phổ điểm sẽ có sự thay đổi đáng kể so với năm 2024 trong đó có nhóm ngành Toán và Thống kê.
Dự đoán điểm chuẩn ngành Toán ứng dụng có thể giảm từ 1-2 điểm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông vận tải cho hay: “Trường Đại học Giao thông vận tải có đào tạo ngành Toán ứng dụng thuộc nhóm ngành Toán và Thống kê. Những năm qua, điểm chuẩn ngành này có xu hướng tăng dần, năm 2024 đã chạm ngưỡng 25 điểm.
Tuy nhiên, với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 có mức độ phân hóa cao, đặc biệt là ở hai môn Toán và Tiếng Anh, tôi dự đoán điểm chuẩn ngành Toán ứng dụng năm nay có thể giảm khoảng 1–2 điểm”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòa thông tin thêm, đa số các ngành của nhà trường đều sử dụng môn Toán trong tổ hợp xét tuyển và điểm môn Toán được nhân hệ số 2. Vì vậy, thí sinh sở hữu kết quả thi môn Toán tốt sẽ có lợi thế rõ rệt khi xét tuyển vào các ngành đào tạo của nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, năm 2025, Trường Đại học Giao thông vận tải bổ sung thêm tổ hợp mới X06 (Toán, Vật lý, Tin học) nhằm mở rộng cơ hội và thu hút thí sinh có thế mạnh về các môn tự nhiên – kỹ thuật. Như vậy, mỗi ngành tại trường có từ 3 đến 5 tổ hợp xét tuyển, tạo sự linh hoạt cho thí sinh khi tham gia xét tuyển.
“Trong đề án tuyển sinh năm 2025 của nhà trường không phân biệt điểm chuẩn giữa các tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, sau khi có phổ điểm chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu các tổ hợp có sự chênh lệch rõ rệt về mức điểm, hội đồng tuyển sinh của nhà trường sẽ họp để đưa ra quyết định điều chỉnh phù hợp. Mục tiêu là đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong công tác tuyển sinh và phản ánh đúng năng lực của thí sinh ở từng tổ hợp”, cô Hòa cho biết.
Ở một khía cạnh khác, theo Trưởng phòng, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông vận tải, nếu thí sinh yêu thích và mong muốn theo học ngành Toán ứng dụng nhưng có điểm thi môn Toán chưa cao cũng không nên quá lo lắng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòa phân tích, ở bậc trung học phổ thông, thí sinh chủ yếu học Toán ở cấp độ sơ cấp. Trong khi đó, chương trình đại học được thiết kế theo lộ trình từ cung cấp kiến thức nền tảng, sau đó đến kiến thức cơ sở ngành và cuối cùng là các học phần chuyên ngành. Vì vậy, nếu thí sinh có tinh thần quyết tâm cao và thái độ học tập nghiêm túc thì hoàn toàn có thể theo học tốt ngành Toán ứng dụng.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đức – Phó Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhóm ngành Toán và Thống kê tại trường hiện nay gồm ba ngành đào tạo chính là Toán học, Toán tin và Khoa học dữ liệu.
Trong các năm trước, những ngành này áp dụng cách tính điểm xét tuyển với môn Toán được nhân đôi, sau đó cộng với điểm của hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển (thang điểm 40).
Tuy nhiên, theo Quy chế tuyển sinh năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường thực hiện quy đổi tương đương các phương thức và tổ hợp xét tuyển về thang điểm chung là 30.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đức - Phó trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: website nhà trường
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đức: “Do sự điều chỉnh trong cách quy đổi này nên việc so sánh và dự đoán điểm chuẩn năm 2025 sẽ phức tạp hơn.
Tuy nhiên, thí sinh và phụ huynh vẫn có thể tham khảo mức điểm chuẩn các năm trước khi quy đổi ra thang điểm 30 bằng cách lấy điểm chuẩn năm 2024 trên thang 40 nhân với 3/4 để ước lượng tương đối.
Để có cơ sở dự đoán mức điểm của mình cao hay thấp, sau khi biết điểm thi thí sinh nên so sánh và phân tích thêm phổ điểm chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Thầy Đức thông tin thêm, về xu hướng xét tuyển, tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) vẫn luôn là tổ hợp có đông thí sinh trúng tuyển nhất những năm qua. Năm nay, bên cạnh các tổ hợp xét tuyển truyền thống, nhà trường cũng đã bổ sung thêm một số tổ hợp mới phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm mở rộng cơ hội cho thí sinh.
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang - Phó Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ, năm 2024, ngành Toán ứng dụng và ngành Thống kê có điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần lượt là 23,23 và 21,6 điểm.
Với đề thi môn Toán năm nay có khả năng phân hóa rõ rệt nên điểm chuẩn ở nhiều ngành, nhiều tổ hợp cũng sẽ có xu hướng thay đổi tương ứng. Vì vậy, thí sinh không nên quá lo lắng.
“Điều quan trọng lúc này là thí sinh cần giữ tâm lý ổn định, chờ điểm thi và phổ điểm chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi có dữ liệu rõ ràng, các em sẽ dễ dàng tính toán lại nguyện vọng, sắp xếp thứ tự xét tuyển một cách hợp lý và thực tế hơn”, Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang nhấn mạnh.

Sinh viên ngành Toán ứng dụng và ngành Thống kê, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: website nhà trường
Thí sinh nên chia nguyện vọng thành từng nhóm cụ thể để tăng cơ hội trúng tuyển
Thực tế những năm trước cho thấy, không ít thí sinh do lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng thiếu tính toán và không có chiến lược nên đã rơi vào tình huống đáng tiếc là trượt tất cả các nguyện vọng, dù có mức điểm không thấp.
Từ góc độ chuyên môn và kinh nghiệm tuyển sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòa “mách” thí sinh một số lưu ý để có thể sắp xếp các nguyện vọng một cách “thông minh”.
“Trong các buổi tư vấn tuyển sinh, tôi thường khuyên thí sinh nên đăng ký từ 6 đến 9 nguyện vọng và chia thành 3 nhóm cụ thể.
Đầu tiên là nhóm nguyện vọng "mơ ước", nhóm này là những ngành các em yêu thích nhưng có điểm chuẩn trong 2-3 năm gần đây cao hơn so với điểm thi hiện tại của thí sinh. Đây là nhóm nguyện vọng có tính thử sức, nếu may mắn và đúng xu hướng điểm chuẩn giảm thì vẫn có khả năng trúng tuyển.
Nhóm nguyện vọng thứ hai là nhóm “vừa sức”, các nguyện vọng trong nhóm này có điểm chuẩn những năm gần đây dao động ở mức tương đương với điểm thi của thí sinh.
Cuối cùng, nhóm nguyện vọng "an toàn" là những ngành có điểm chuẩn các năm trước thấp hơn khoảng 1-2 điểm so với điểm của thí sinh. Nhóm này giúp đảm bảo "tấm vé vào đại học" nếu các nguyện vọng trên không đỗ”, cô Hòa chia sẻ.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đức cho hay: “Khi đăng ký xét tuyển, thí sinh nên ưu tiên đặt lên đầu danh sách những ngành và trường mà mình thực sự yêu thích. Sau đó là các nguyện vọng ít yêu thích hơn. Đồng thời, nên tham khảo điểm chuẩn những năm trước của từng ngành để có cơ sở xếp nguyện vọng theo mức độ phù hợp với điểm thi của mình”.

Sinh viên Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: website nhà trường
Ngoài ra, thầy Đức khuyên rằng nếu thí sinh chưa thực sự chắc chắn về khả năng trúng tuyển vào ngành yêu thích nhất, thì nên đăng ký thêm nguyện vọng dự phòng các ngành gần với lĩnh vực yêu thích. Đây sẽ là cách giúp thí sinh giảm rủi ro trượt toàn bộ nguyện vọng xét tuyển đại học.
"Tôi từng gặp trường hợp thí sinh rất yêu thích lập trình, tuy nhiên điểm xét tuyển của bạn chỉ khoảng 23–24 điểm, khá khó để trúng tuyển vào các ngành 'hot' như Khoa học máy tính và thông tin hay Toán tin.
Tuy nhiên, bạn vẫn đặt hai ngành đó ở nguyện vọng đầu và đồng thời đăng ký thêm ngành Khoa học thông tin địa không gian, một ngành cũng có yếu tố lập trình, nhưng theo hướng ứng dụng và có điểm chuẩn thấp hơn. Nhờ vậy, thí sinh vẫn theo đuổi được sở thích lập trình mà không bị trượt tất cả nguyện vọng.
Do đó, khi sắp xếp nguyện vọng, thí sinh cũng cần lưu ý tính toán điểm chuẩn dự kiến của các nguyện vọng sau nên thấp hơn điểm chuẩn của các nguyện vọng trước, tránh trường hợp nguyện vọng đầu quá cao mà các nguyện vọng sau lại cũng không đủ “dễ thở”, khiến thí sinh mất cơ hội xét tuyển”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đức nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang cũng cho rằng, khi sắp xếp thứ tự nguyện vọng xét tuyển đại học, điều quan trọng nhất mà thí sinh cần lưu ý là ưu tiên xếp vị trí đầu nguyện vọng vào ngành mình yêu thích và mong muốn theo học nhất. Thí sinh không nên để những suy nghĩ như “ngành này dễ đỗ, ngành kia khó đỗ” làm ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng.
Sắp xếp nguyện vọng xét tuyển đại học không chỉ đơn giản là một chiến thuật nhằm tăng khả năng trúng tuyển mà là cơ hội để thí sinh theo đuổi đam mê và phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực mà mình thực sự quan tâm. Nếu chỉ vì suy nghĩ ngành dễ đỗ nhưng lại không phải ngành thực sự yêu thích, thí sinh có thể sẽ cảm thấy bỡ ngỡ, thiếu động lực trong suốt quá trình học tập. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển lâu dài sau này của các em.

Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang - Phó trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: NVCC
Ngoài ra, việc chọn lựa ngành học cũng là một phần quan trọng của quá trình xây dựng lộ trình nghề nghiệp lâu dài. Một ngành học mà thí sinh yêu thích sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để các em không chỉ hoàn thành tốt chương trình học mà còn có khả năng tìm được công việc phù hợp và thành công trong tương lai.