Tổ hợp môn lựa chọn, thi tốt nghiệp và xét ĐH: Học sinh cần hiểu đúng, tránh nhầm lẫn

Học sinh cần hiểu đúng 3 khái niệm tổ hợp môn lựa chọn, thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học để có sự lựa chọn phù hợp với năng lực của bản thân.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho thấy, học sinh lớp 10 chọn tổ hợp môn cần tính đến nguyện vọng thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học về sau.

Một số lưu ý khi chọn tổ hợp môn lớp 10

Theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, bắt đầu từ lớp 10, học sinh sẽ bước vào giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, có các môn học như sau:

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học lựa chọn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật (GDKTPL), Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Học sinh chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn.

Các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về lý thuyết, học sinh có 126 cách chọn tổ hợp môn, nhưng thực tế mỗi trường trung học phổ thông thường thiết kế từ 3-8 tổ hợp, trong đó chia thành hai nhóm tự nhiên và xã hội, tùy thuộc số giáo viên và cơ sở vật chất của từng trường.

Học sinh đã chọn tổ hợp môn nhưng muốn chọn lại thì có thể xin phép nhà trường cho thay đổi tổ hợp môn phù hợp. Việc đổi tổ hợp chỉ được phép vào cuối mỗi năm học (Công văn 68/BGDĐT-GDTrH năm 2023), đồng nghĩa với chuyển lớp.

Việc chọn tổ hợp môn năm lớp 10 sẽ ảnh hưởng tới tổ hợp thi tốt nghiệp và xét đại học, vì vậy học sinh cần tìm hiểu kỹ và chọn đúng ngay từ đầu.

Những căn cứ để chọn tổ hợp môn là dựa vào năng lực, sở thích, sở trường của học sinh và ngành/lĩnh vực mà bản thân muốn theo đuổi ở bậc đại học. Học sinh cần tìm hiểu những đại học nào có ngành đó và xét tuyển theo tổ hợp nào, có thêm điều kiện gì không.

Lưu ý, học sinh không chọn bừa, hoặc chỉ chọn những tổ hợp toàn môn tự nhiên/xã hội. Nếu học sinh chọn ít nhất một môn tự nhiên (nhóm Vật lý, Hóa học, Sinh học) thì sẽ có nhiều tổ hợp xét tuyển đại học khi kết hợp với 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán. Ví dụ A01: Toán, Vật lý, Tiếng Anh); B08: Toán, Sinh học, Tiếng Anh; D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh;…

Có 36 tổ hợp môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có 36 tổ hợp môn thi, được tạo thành từ 2 môn bắt buộc (Toán và Ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong số 9 môn còn lại (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Danh sách tổ hợp xét tuyển đại học

Dưới đây là danh sách toàn bộ khối thi đại học năm 2025 mới nhất cùng với các tổ hợp xét tuyển tương ứng.

Mỗi trường đại học và từng ngành học cụ thể sẽ quy định các tổ hợp môn xét tuyển riêng. Do đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của ngành và trường mà mình quan tâm để biết chính xác tổ hợp môn được sử dụng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/to-hop-mon-lua-chon-thi-tot-nghiep-va-xet-dh-hoc-sinh-can-hieu-dung-tranh-nham-lan-post252766.gd