Dự đoán khả năng Nga leo thang ở Ukraine sau khi các điều cấm kỵ bị phá vỡ

Bất chấp những cảnh báo ngày càng mạnh mẽ của Nga kể từ khi điều cấm kỵ gần đây nhất bị phá vỡ, các nhà phân tích phương Tây nói với CNN rằng có rất ít lý do để tin rằng lần này sẽ khác.

Chiến lược “kiểm soát phản ứng”

Trong hơn 1.000 ngày xung đột nổ ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về hậu quả khủng khiếp - có khả năng là xung đột hạt nhân, nếu họ "leo thang" bằng cách cung cấp cho Ukraine các vũ khí mà nước này cần. Những lời cảnh báo của ông Putin đã trở nên mạnh mẽ hơn trong tháng này sau khi chính quyền Tổng thống Biden cuối cùng đã cho phép Kiev phóng vũ khí tầm xa của Washington vào các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Đáp lại, Tổng thống Putin cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga và Moscow đã phóng một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào Ukraine. Thông điệp này được coi là lời cảnh báo rõ ràng gửi đến những người ủng hộ Ukraine: Đó là đừng thách thức Nga.

Tên lửa tầm xa ATACMS. Ảnh: Lục quân Mỹ

Tên lửa tầm xa ATACMS. Ảnh: Lục quân Mỹ

Tuy nhiên, gần 3 năm kể từ khi xung đột nổ ra, những diễn biến trên đã diễn ra theo một nhịp điệu quen thuộc. Mỗi lần Ukraine đưa ra yêu cầu - đầu tiên là xe tăng, sau đó là máy bay chiến đấu rồi bom chùm và vũ khí tầm xa, các đồng minh của nước này đều đau đầu không biết có nên chấp thuận hay không vì lo ngại điều đó sẽ làm leo thang xung đột và gây ra phản ứng của Nga.

Theo các nhà quan sát, mỗi lần khi phương Tây cuối cùng chấp nhận các yêu cầu của Ukraine, những lời cảnh báo thảm khốc nhất của Nga đều không thành hiện thực. Những điều cấm kỵ trong một tuần đã trở thành bình thường vào tuần tiếp theo.

Bất chấp những cảnh báo ngày càng mạnh mẽ của Nga kể từ khi điều cấm kỵ gần đây nhất sụp đổ, các nhà phân tích phương Tây nói với CNN rằng có rất ít lý do để tin rằng lần này sẽ khác. Thay vào đó, họ cho rằng phản ứng lo lắng trước những quyền hạn mới được trao cho Ukraine là một minh chứng khác cho thấy chiến lược thành công của Điện Kremlin trong việc buộc phương Tây phải nhìn nhận cuộc xung đột theo các điều khoản của Nga, nhầm lẫn mỗi nỗ lực mới của Ukraine trước Nga là một "sự leo thang" lớn.

Kateryna Stepanenko, đồng tác giả một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington nói với CNN rằng, chiến lược của Nga là sự hồi sinh của khái niệm "kiểm soát phản ứng" của Liên Xô. Theo đó, một quốc gia kiểm soát các quyết định của đối thủ bằng cách áp đặt lên họ những giả định làm thay đổi cách họ hành động.

"Những cuộc tranh luận dai dẳng của phương Tây và sự chậm trễ trong viện trợ quân sự cho Ukraine là một ví dụ rõ ràng về chiến lược kiểm soát phản ứng thành công của Điện Kremlin. Đây là chiến lược đã khiến phương Tây phải tự răn đe mình, bất chấp những lần leo thang xung đột thường xuyên của Nga", bà Stepanenko cho hay.

Chiến lược này có thể được thấy trong hành động ngày 28/11 sau khi Nga phát động cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào lưới điện Ukraine. Mặc dù Tổng thống Putin cho biết cuộc tấn công là "phản ứng từ phía chúng tôi" với quyết định của chính quyền ông Biden về vũ khí tầm xa nhưng Nga từng không cần lý do để thực hiện các cuộc tấn công như vậy trong quá khứ.

Bà Stepanenko cho rằng, Nga đã phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine và thường xuyên leo thang xung đột để duy trì thế chủ động trên chiến trường.

"Việc chấp thuận cho Ukraine sử dụng các hệ thống tần công tầm xa nhằm vào Moscow cuối cùng đã cho phép Kiev cân bằng năng lực của mình", chuyên gia này đánh giá.

Chính sách của ông Biden tiếp thêm sức mạnh cho Nga?

Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine nhưng đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt về việc sử dụng chúng. Theo đó, các tên lửa này có thể được bắn vào các mục tiêu của Nga ở Ukraine nhưng không được bắn vào lãnh thổ của Moscow.

William Alberque, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của NATO, cho biết chính sách này không có nhiều ý nghĩa và mang lại lợi ích to lớn cho Nga.

Bằng cách cung cấp ATACMS cho Ukraine nhưng chỉ cho phép họ tấn công các khu vực Nga kiểm soát ở Ukraine, "chúng ta đã gửi cho Nga thông điệp rằng: Nếu bạn chỉ di chuyển cách biên giới vài mét thì bạn vẫn an toàn như ở nhà", ông Alberque nói với CNN.

"Tôi chắc chắn các chỉ huy Nga không thể tin vào may mắn của mình. Đó là nếu Moscow thiết lập sở chỉ huy ở lãnh thổ Ukraine thì Kiev sẽ cho nổ tung nhưng nếu thiết lập cách đó 1 km nằm bên lãnh thổ Nga thì không sao cả".

Lằn ranh đỏ thay đổi

Giữa những phản ứng lo ngại trước các diễn biến tuần trước, một số người đã nhắc lại việc Ukraine từng phóng các UAV tự chế vào các mục tiêu nằm cực kỳ sâu trong lãnh thổ Nga và rằng họ đã bắn vũ khí phương Tây vào lãnh thổ mà Điện Kremlin coi là của riêng mình. Quyết định bắn vũ khí phương Tây tầm xa hơn theo một số nhà quan sát, là sự khác biệt về mức độ, không phải về bản chất.

Trong hơn 1 năm, Kiev đã sử dụng tên lửa Storm Shadows của Anh để tấn công Bán đảo Crimea. Nhiều tháng sau, Kiev đã được phép bắn ATACMS vào các mục tiêu của Nga trên các vùng lãnh thổ ở Ukraine mà Moscow kiểm soát. Theo luật, Nga coi những vùng lãnh thổ này là của riêng mình và cảnh báo về hậu quả thảm khốc nếu Ukraine tấn công chúng bằng vũ khí phương Tây.

Kể từ tháng 5, Washington đã cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm ngắn của Mỹ để tấn công các mục tiêu của Nga bên kia biên giới từ khu vực Kharkov ở Đông Bắc Ukraine. Trước khi Tổng thống Biden bật đèn xanh cho quyết định đó, Điện Kremlin đã đưa ra những cảnh báo hạt nhân tương tự, tuyên bố động thái này có thể dẫn đến "hậu quả nghiêm trọng" với "các quốc gia nhỏ và đông dân". Nhưng mọi thứ không diễn ra như vậy.

"Chúng ta đã nhiều lần chứng minh được rằng khi vượt qua một lằn ranh đỏ giả thì thực sự chẳng có gì xảy ra", chuyên gia Alberque nói. Tuy nhiên, ông cho biết, những đe dọa đó đã đủ để ngăn phương Tây cung cấp cho Ukraine những gì họ cần.

Mặc dù các mối đe dọa một lần nữa gia tăng sau những diễn biến tuần trước, nhưng ông Alberque nhận định, có rất ít lý do để nghi ngờ lần này sẽ khác. Viễn cảnh về một chính quyền sắp tới của ông Donald Trump có nghĩa là Nga thậm chí còn ít có khả năng thực hiện những lời đe dọa của mình hơn bình thường.

"Rủi ro Nga đột nhiên sẽ làm điều gì đó có nguy cơ Mỹ hay NATO phải can thiệp, hoặc sẽ thay đổi cơ bản thái độ toàn cầu với cuộc xung đột là tương đối thấp", chuyên gia Alberque dự đoán.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/du-doan-kha-nang-nga-leo-thang-o-ukraine-sau-khi-cac-dieu-cam-ky-bi-pha-vo-post1138848.vov