Dự đoán tương lai đất nước Afghanistan dưới thời Taliban vào năm 2022
Kể từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan vào tháng 8, đất nước đã rơi vào cảnh hỗn loạn và đói nghèo. Các chuyên gia nhận định rằng, tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn vào năm 2022 và những năm tới nếu Afghanistan không nhận được viện trợ từ cộng đồng quốc tế.
Nền kinh tế của đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh đang suy sụp và nhiều người Afghanistan rơi vào cảnh chết đói. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không muốn ủng hộ Taliban, lực lượng cầm quyền mới ở Afghanistan, bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính cho đất nước.
Ngày 15/8/2021, Taliban đã lật đổ chính phủ của cựu Tổng thống Ashraf Ghani và giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul mà không vấp phải nhiều sự kháng cự của quân đội Afghanistan.
Mỹ và NATO đã rút hầu hết lực lượng của họ khỏi đất nước, hy vọng lực lượng Afghanistan có thể ngăn chặn các tay súng Hồi giáo.
Thời khắc Taliban kéo cao lá cờ của lực lượng này trên dinh tổng thống ở thủ đô Kabul, họ cam kết sẽ mở ra một thời kỳ độc lập và ổn định.
Tuy nhiên, 4 tháng sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, lực lượng này liên tục yêu cầu Washington hỗ trợ. Nền kinh tế của đất nước đã sụp đổ và hàng triệu người đang đứng trước bờ vực của nạn đói.
Vào tháng 11, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo nạn đói tại Afghanistan đang gia tăng và việc cung cấp viện trợ bị đình trệ đang tạo ta một “cuộc khủng hoảng” ở quốc gia Nam Á này.
“Khoảng 50% dân số đất nước, 23 triệu người, cần viện trợ và Afghanistan đang lâm vào một cuộc khủng hoảng đói nghèo”, Samantha Mort, giám đốc truyền thông của UNICEF Afghanistan, nói với DW.
Pakistan gần đây đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo để gây quỹ cho Afghanistan. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ca ngợi những nỗ lực của Islamabad trong việc giúp đỡ Afghanistan, nhưng không tiết lộ Mỹ dự định làm gì để giúp ổn định nền kinh tế Afghanistan.
Người dân Afghanistan tiếp tục chịu đựng khó khăn
Tình hình ở Afghanistan đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền, thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn khi đất nước bị hạn hán khiến người dân mất 40% thu hoạch trong năm 2021. Người dân đã phải bán mọi thứ, kể cả con cái, để lấy tiền.
Mohammad Ibrahim, sống ở thủ đô Kabul, nói rằng anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải bán con gái 7 tuổi, Jamila, để trả nợ. “Một người đàn ông đến và bảo tôi phải trả nợ nếu không nhà của tôi sẽ biến thành tro bụi. Tuy nhiên, sau đó anh ta đề nghị tôi bán con gái để trả nợ”, Ibrahim nói.
“Người đàn ông đó là một người giàu có. Tôi không còn lựa chọn nào khác và tôi chấp nhận bán con gái để trả khoản nợ 65.000 AFN (gần 700 USD)”, Ibrahim nói thêm.
Câu chuyện trên chỉ là một góc nhìn nhỏ về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại Afghanistan.
“Năm 2021 là một năm tồi tệ đối với nền kinh tế Afghanistan, quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài và sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài. Đồng tiền của Afghanistan đã mất giá trị và sự thay đổi chế độ ở nước này mang lại nhiều khó khăn hơn”, Shirjan Ahmadzai, chuyên gia về Afghanistan tại Mỹ, cho biết.
Chuyên gia Maryam Sadat nói rằng nếu tình hình hiện nay kéo dài, người dân Afghanistan sẽ phải chịu đựng nhiều khó khăn hơn. “Nền kinh tế sẽ thu hẹp hơn nữa và đói nghèo sẽ gia tăng, trừ khi cộng đồng quốc tế hỗ trợ người dân Afghanistan”, bà Sadat nói.
Nhân quyền suy giảm
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế dường như không muốn công nhận chế độ của chính quyền Taliban.
Đầu tháng 12, Ngân hàng Thế giới thông báo các nhà tài trợ quốc tế đã nhất trí giải ngân 280 triệu USD trong gói viện trợ nhằm cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan vào thời điểm quan trọng này. Số tiền trên trích từ Quỹ Ủy thác tái thiết Afghanistan (ARTF), trong đó 100 triệu USD sẽ được chuyển cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và 180 triệu USD cho Chương trình Lương thực thế giới.
Giới lãnh đạo Taliban đã nhiều lần thúc giục cộng đồng quốc tế công nhận quyền cai trị của lực lượng này và giải quyết tài sản của đất nước bị đóng băng tại các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, phương Tây muốn Taliban cải thiện tình hình nhân quyền ở Afghanistan.
“Nửa cuối năm 2021 là khoảng thời gian tồi tệ đối với người dân Afghanistan về vấn đề nhân quyền. Người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, đã mất các quyền cơ bản của họ. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2022 nếu mọi thứ vẫn tiếp diễn như cũ”, Shabnam Salihi, cựu ủy viên Ủy ban Nhân quyền Độc lập của Afghanistan, nói.
Kể từ khi lên nắm quyền tại Afghanistan, Taliban liên tục đưa ra những quy định hà khắc, đặc biệt đối với phụ nữ.
Lực lượng này yêu cầu phụ nữ tại các đại học tư phải trùm niqab (loại trang phục vải trùm cho phụ nữ Hồi giáo) che gần hết khuôn mặt và nam, nữ phải học tách riêng. Ngoài ra, Taliban đã ban hành một “hướng dẫn tôn giáo mới”, kêu gọi các kênh truyền hình Afghanistan ngừng chiếu những bộ phim truyền hình và vở kịch có diễn viên nữ.
Mới đây nhất, Bộ Khuyến khích Đạo đức và Ngăn ngừa Tật xấu tại Afghanistan ngày 26/12 đã ban hành hướng dẫn, yêu cầu phụ nữ di chuyển trên quãng đường xa không được lên các phương tiện giao thông trừ khi có người thân là nam giới đi cùng.
Afghanistan rất cần hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế
Theo DW, dường như Taliban vẫn chưa sẵn sàng thay đổi cách thức cai trị hà khắc của họ, nhưng cộng đồng quốc tế có thể “phớt lờ” hoàn cảnh khó khăn của người dân Afghanistan trong bao lâu?
Zikruallah Zaki, giảng viên tại Đại học Kabul, nói rằng người dân Afghanistan đã phải sống trong cảnh nghèo khó ngay cả trước khi Taliban lên nắm quyền hồi tháng 8. “Tình trạng này sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới”, ông Zaki nói.
Các chuyên gia cho rằng, dù điều quan trọng là phải gây áp lực lên lực lượng Taliban, nhưng phương Tây có trách nhiệm phải làm nhiều điều hơn nữa cho người dân Afghanistan.
“Ngay cả những quốc gia thân cận với Taliban cũng không hài lòng với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế phải giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan trước. Người dân Afghanistan đang mất niềm tin vào cộng đồng quốc tế”, Shukria Barakzai, cựu nghị sĩ Afghanistan, nói./.