Đủ duyên hãy theo đuổi đờn ca

Buổi trò chuyện giữa những người làm công tác lý luận phê bình và khán giả về đờn ca tài tử (ĐCTT) - cải lương vừa diễn ra tại Cà phê thứ 7, quận 1 (TPHCM) do TS Bùi Trân Phượng khởi xướng và TS Lê Hồng Phước đảm nhận vai trò diễn giả. Câu chuyện ĐCTT - cải lương những tưởng sẽ nhàm chán, nhưng thực tế không như vậy.

Một chương trình giới thiệu, biểu diễn cải lương được tổ chức tại Trường Đại học Hoa Sen

Một chương trình giới thiệu, biểu diễn cải lương được tổ chức tại Trường Đại học Hoa Sen

Tiến sĩ Lê Hồng Phước nói: “Có không ít người trẻ nói với tôi rằng loại hình nghệ thuật này cũ rồi, nên nghe hòa nhạc giao hưởng phương Tây cho hiện đại. Nhưng, nhạc phương Tây cũng mấy trăm năm rồi, cải lương mới có 100 năm thôi thì cái nào cũ hơn? Bạn trẻ cũng không nên cực đoan khi nghĩ hiện đại thì dễ lai căng hoặc truyền thống thì lạc hậu. Là người Việt Nam, gặp người nước ngoài, mình giới thiệu được điều gì về truyền thống, văn hóa Việt Nam? Việc gìn giữ bản sắc dân tộc là trách nhiệm công dân, thế nên mọi người đều phải có trách nhiệm đóng góp, chung tay bảo tồn di sản”.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, sân khấu ĐCTT - cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, bảo tồn cũng như hội nhập cùng thời đại. Những khó khăn đó hội đủ các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Theo TS Lê Hồng Phước, hiện tượng “cải lương hóa tài tử” - nghệ nhân tài tử ca và diễn dù không được học diễn qua trường lớp, và “tài tử hóa cải lương” - nghệ sĩ cải lương chạy sô quá nhiều, ít thời gian tập luyện và ngại tập tuồng, không thuộc tuồng là những nguyên nhân chính.

Rồi vai trò của thầy đờn - nhân tố đóng vai trò rất quan trọng trong ĐCTT - cải lương nhưng ít được quan tâm; vội vã cách tân loại hình nghệ thuật truyền thống, mang tính đặc trưng nhưng làm không khéo, không hay thì không nên làm... cũng là những trở ngại. TS Lê Hồng Phước nhắc đến câu nói của nghệ sĩ Năm Châu: “Cải lương phải thật và đẹp”, để khẳng định giá trị chân phương của nghệ thuật cải lương…

Với khán giả, nghệ thuật ĐCTT - cải lương, suy cho cùng cũng là một trong những loại hình sân khấu để giải trí, nhưng không phải vì vậy mà khán giả dễ dãi đón nhận, không cân nhắc. Khán giả Trần Mỹ Dung (ở quận 8, TPHCM) chia sẻ: “Có một thực tế là giá vé xem cải lương hiện nay quá cao khi so sánh với một số loại hình nghệ thuật giải trí”.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hồng Cúc (ngụ quận 1, TPHCM) cho rằng: “Âm nhạc ĐCTT nghe có vẻ khá đau thương bi lụy, còn cải lương thì nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay diễn không hay, chăm chút quá nhiều cho vẻ lộng lẫy bề ngoài”. Còn bạn Nguyễn Trọng Quân (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) lại chia sẻ sự quan tâm đến cách thức đưa nghệ thuật ĐCTT ra phố đi bộ Nguyễn Huệ, cách tiếp cận và phục vụ khán giả làm sao để khán giả thấy được đây là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo, cần làm hấp dẫn hơn, tổ chức thường xuyên hơn chứ không chỉ tổ chức biểu diễn vào các dịp lễ, tết…

Nhiều ý kiến cũng có chung quan điểm, cải lương là phải mùi, có câu chuyện sống động, có giá trị về tinh thần, tính nhân văn, mang hơi thở thời đại, phản ánh được những vấn đề của xã hội hiện nay. Do đó, cần có kênh truyền thông để quảng bá nghệ thuật ĐCTT - cải lương chính thống và chuẩn xác. Nhà nước cần đứng sau hỗ trợ cơ chế để bảo tồn loại hình nghệ thuật dân tộc, xem lại vai trò quản lý trong công tác bảo tồn di sản, nên chăng có một nhà hát đủ chuẩn đáp ứng cho loại hình cải lương để các đoàn nghệ thuật xã hội hóa thuê diễn; các đài truyền hình phải ưu tiên khung giờ đẹp phát sóng những vở cải lương đặc sắc…

Những vấn đề này không quá mới, đã được đề cập rất nhiều lần, cho thấy sự quan tâm của giới nghiên cứu và nhiều khán giả, tuy nhiên đến nay ngành chức năng vẫn loay hoay tìm lối ra.

Trên thực tế, có khá nhiều bạn trẻ khi được hỏi có thích ĐCTT, họ thường trả lời là không. Nhưng cũng không ít người khi nghe rồi thì lại muốn tìm chỗ để học ca, học đờn. Với nhiều du học sinh, khi tham gia các hoạt động văn hóa tại nước bạn thì văn hóa truyền thống Việt Nam chính là nhịp cầu để gắn kết chặt chẽ hơn với các bạn đồng môn, giảng viên, trường lớp và cả nơi đang sống, học tập.

Vì thế, TS Lê Hồng Phước mong mỏi: “Các bạn trẻ mê cải lương, ĐCTT thì cứ mê, cứ thích, đủ duyên thì hãy theo đuổi, đừng sợ người khác chê sến. Bảo tồn di sản là câu chuyện của người văn minh phải làm, để góp phần phát triển văn hóa Việt Nam trong thời hội nhập và phát triển cùng các nước trên thế giới. Khi có điều kiện góp tay vào công tác bảo tồn di sản, các bạn trẻ hãy cùng chung sức, bắt đầu từ những việc nhỏ như nghe các chương trình ĐCTT, xem các vở diễn cải lương, giới thiệu với bạn bè cùng trang lứa, gia đình, người thân loại hình nghệ thuật truyền thống này”.

Theo các nghệ sĩ, TPHCM hiện có trên 300 câu lạc bộ thường xuyên sinh hoạt ĐCTT. Nếu có thể tổ chức biểu diễn ĐCTT liên tục tại khu vực Đường sách TPHCM để giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này đến bạn đọc, giới trẻ và du khách quốc tế là một ý tưởng cần được xem xét. Ở phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng có thể tổ chức một không gian ĐCTT đơn giản, mang tính chất dân dã, gần gũi để phục vụ công chúng.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-duyen-hay-theo-duoi-don-ca-post679852.html