Dù giới hạn độ tuổi, trẻ em vẫn tiếp cận thuốc lá rất dễ dàng
Tại những quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá mới đã mang lại kết quả khả quan trong việc ngăn chặn giới trẻ sử dụng.
Quản lý thuốc lá mới như thế nào?
Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội ban hành năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ tháng 5/2013. Từ đó đến nay, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Trong khu vực các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3, có số người hút thuốc lá cao nhất, sau Indonesia và Philippines.
Để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi thuốc lá truyền thống, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi”. Mặc dù vậy, việc thực hiện các quy định này lại gặp nhiều khó khăn và thách thức. Theo ThS.BS Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge, thuốc lá hiện nay rất dễ mua, dễ tiếp cận. Trong một điều tra tổng hợp về việc sử dụng thuốc lá của thanh thiếu niên, đã có đến 87,4% các em nói rằng bản thân rất dễ mua và sử dụng thuốc lá. Chúng ta không khó nhìn thấy thuốc lá được bày bán mọi nơi, mọi lúc, ngang tầm mắt của trẻ em ở các cửa hàng bán lẻ. Gần đây, trẻ còn dễ dàng tiếp cận và mua các sản phẩm thuốc lá từ mạng xã hội.
Khi các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) xuất hiện, dù chưa được chính thức được phép nhập khẩu và lưu hành tại nước ta, song tình trạng trẻ em sử dụng rất đáng báo động. Theo kết quả điều tra sức khỏe học đường của Bộ Y tế, năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13 - 17 tuổi nói chung là 2,6%, và ở học sinh thành thị là 3,4%. Năm 2021-2022, kết quả điều tra sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên (GYTS 2022) cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13 - 15 tuổi là 3,5% (nam là 4,3%, nữ là 2,8%).
Đặc biệt, tại các thành phố lớn, có thể do khả năng chi trả cao hơn hơn và thuốc lá điện tử sẵn có hơn, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh hiện rất đáng quan ngại. Theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10 - 12 là 12,6%. Tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường với 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
Câu hỏi đặt ra là nên cấm hoàn toàn hay quản lý thuốc lá mới như thuốc lá truyền thống?
Hiện có ít nhất 42 quốc gia/vùng lãnh thổ đã cấm mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu thuốc lá điện tử như Argentina, Brunei, Ấn Độ, Mexico,... Với thuốc lá nung nóng, có ít nhất 16 quốc gia đã cấm sản phẩm này theo quy định hiện hành, trong đó có Brazil, Hàn Quốc, Ấn Độ…và 5 quốc gia trong khu vực ASEAN là Thái Lan, Brunei, Singapore, Campuchia, Lào.
Nguyên nhân cho xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn cấm thuốc lá mới nằm ở hiệu quả đã được chứng minh của chính sách này. Theo nghiên cứu về sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ ở 75 quốc gia, các nước cho phép sản phẩm này lưu hành trên thị trường thì tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử gia tăng, trong khi đó các nước lựa chọn cấm hoàn toàn (chính sách quản lý ở cấp độ cao và chặt chẽ nhất) thì tỷ lệ hút thuốc lá điện tử thấp hơn nhiều.
Điển hình là Thái Lan đã cấm nhập khẩu và buôn bán thuốc lá điện tử từ năm 2015 để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi thuốc lá điện tử và nghiện nicotine. Nghiên cứu về sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Thái Lan chỉ ra rằng tỷ lệ người trẻ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở nước này duy trì ở mức thấp là kết quả của chính sách cấm.
Thực tế cũng cho thấy, các quốc gia cho phép các sản phẩm thuốc lá điện tử nhưng ban hành các quy định kiểm soát như cấm bán hàng cho trẻ vị thành niên đã không có mang lại kết quả tốt trong việc ngăn chặn việc sử dụng ở giới trẻ.
Tại Hoa Kỳ, nơi thuốc lá điện tử được hợp pháp, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT, và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THPT. Tại Vương quốc Anh, sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021, trong khi ở New Zealand 27% thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử.
Ở các quốc gia này, một tỷ lệ lớn người hút thuốc sử dụng thuốc lá mới là người dùng kép (sử dụng đồng thời thuốc lá điện tử với các sản phẩm thuốc lá và/hoặc thuốc lá nung nóng) thay vì bỏ hút thuốc.
Từ bài học kinh nghiệm thế giới và thực tiễn quản lý thuốc lá truyền thống ở Việt Nam, câu hỏi đặt ra là: Nếu Việt Nam quy định quản lý thuốc lá mới như thuốc lá truyền thống thì liệu những gì đã xảy ra với thuốc lá truyền thống có lặp lại hay không? Về phía các công ty sản xuất, ở rất nhiều quốc gia, việc thực hiện trách nhiệm kiểm soát người dưới 18 tuổi tiếp xúc, sử dụng thuốc lá vẫn chưa đem lại kết quả thực chất nào. Người trẻ ngày càng có nhiều cơ hội tiếp xúc và sử dụng các sản phẩm này; khi mà năng lực quản lý chưa tốt thì rất có thể việc ban hành quy định thuốc lá mới như thuốc lá truyền thống sẽ khiến cho tỉ lệ sử dụng trong giới trẻ gia tăng và trở thành “đại dịch” như cách các quốc gia phát triển đang phải đối mặt.