Dù giông bão vẫn ''thêu hoa mơ ước''

Cầm tập thơ của Đoàn Ngọc Thu, không hiểu sao tôi nhớ câu ca dao: 'Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng'. Những tưởng chỉ ở thời phong kiến khi thân phận chịu nhiều trói buộc, người phụ nữ mới 'lụy tình' đến vậy. Nhưng khi đọc Đoàn Ngọc Thu của thời hiện đại, vẫn lại thấy chị 'Ước': 'Ước là sợi bạc trên tóc anh/ Cùng anh trải qua năm tháng/ Ước là vết nhăn trên khóe mắt/ Với anh chia sẻ những vui buồn/ Ước là trái ớt/ Một lần làm anh cay/ Ước là ly rượu đầy/ Anh uống cạn, rồi say'.

Đoàn Ngọc Thu yêu quá nhiều, yêu quá đậm sâu: "Ta từ đó, yêu người như tận hiến/ Từng ngày qua một ngày chót trong đời" (Dạ khúc tình). Chị đã yêu đến nỗi “ước muốn nào cũng mang bóng hình ai” (Ước). Và ngay cả khi tình yêu không viên mãn, hôn nhân không có cái kết có hậu, thì chị vẫn nhủ với người ta: “Anh cứ đi đi/ Giọt đắng em sẽ uống/ Dài một cơn say..." (Vô đề 2).

Từng là một phóng viên thể thao, bao nhiêu năm gắn bó với các kỳ World Cup, Euro... nhưng những thứ sôi động, bận bịu ấy cứ như ở một thế giới khác, ngược hẳn với thế giới thơ Đoàn Ngọc Thu đắm đuối, thiết tha, đầy “phụ nữ”: “Em muốn mình là đất để sinh sôi, là cây cành để đơm hoa kết trái. Nhưng em chỉ là em thôi, trụi trần vụng dại. Nhạt nhòa môi cười và héo hắt mắt thời gian” (Anh có đến cùng em).

Gần 30 năm làm thơ, gia tài thơ của Đoàn Ngọc Thu có nhiều mảng màu, như về đề tài chiến tranh, người lính, tình mẫu tử... nhưng dày dặn nhất trong thơ chị, cũng là thế mạnh của Đoàn Ngọc Thu, ấy là thơ viết về tình yêu. Năm 1992, tập thơ đầu tiên của chị ra mắt bạn đọc - “Thầm thì sông trăng”. Dường như ngay từ chặng thơ đầu ấy, Đoàn Ngọc Thu vẫn luôn bất an: “Có khi nào/ tình anh viên mãn trong em?”, vẫn luôn cảm thấy trống vắng: “Em cô đơn như hải đăng, dẫu xung quanh em là vòng tay ôm và nụ hôn không bao giờ ngừng của biển/ Em buồn như bóng đêm, dẫu trong đêm là khi trăng sao sáng nhất”; và tự nhận: “Ta là kẻ gọi đò xế trưa/ Đi quá sớm và trở về trễ muộn/ Bị thiêu đốt bởi loài nắng hoang mạc/ Khát nước nguồn/ Chỉ một nhánh xương rồng cũng thắp niềm tin”.

Để rồi, ở những tập thơ sau - “Khúc hoang tưởng chiều mưa” năm 1998, “Muộn” năm 2001, “Quá giang” năm 2005, “Vé một lượt” năm 2013, video thơ “Bão” năm 2015, “Sau bão” năm 2020, ngay từ tên các tập thơ cũng đã thấy “có nhiều tiếng thở dài của một đa đoan đầy trắc ẩn, thất lỡ”. Có thể nghe trong thơ chị những nốt vọng trầm buồn: “Cõi đời tìm ru trong mộng/ Tỉnh giấc, mộng là phù du!”; “Nào ai níu được mùa đừng cạn/ Dẫu em chẳng bao giờ chọn đi lối không nhau”; “Lấy đam mê đổi hững hờ/ Lấy say đắm đổi tình vờ chiêm bao”...

Nhưng sau tất cả bão giông, cay đắng ấy, Đoàn Ngọc Thu không oán trách, ghen giận. Chị độ lượng với lỗi lầm: “Nếu cay đắng em làm anh hạnh phúc/ Em nào tiếc gì, tặng cả cho anh". Chị lựa chọn: “Rút niềm đau thành sợi chỉ màu/ Em thêu hoa mơ ước”. Và chị vẫn lại yêu, lại tin, lại hy vọng: “Gom nắng mưa ngọt đắng/ Chắt chiu lở sâu bồi cạn/ Biết tim yêu người từng nhịp đập/ Trọn hôm nay cho ngàn vạn kiếp sau”.

Yêu như Đoàn Ngọc Thu, có lẽ là cách để chị giữ cho mình những nỗi buồn đau đẹp đẽ. Nào vì một kết thúc buồn mà phủ nhận cả chặng đường đã qua. Và biết đâu, chính nhờ kết thúc buồn ấy mà một cánh cửa đẹp tươi của con đường mới sẽ lại được bắt đầu. Như chị viết trong “Vĩ thanh" (Muộn): “Khi ta gặp một cuộc rượu đã tàn, ta sẽ hiểu ý nghĩa trà dư, tửu hậu/ Khi ta gõ vào cánh cửa đã khép, mà cửa không mở, ta biết mình vô duyên với kẻ trong phòng/ Khi ta bắt đầu cuộc khởi hành lúc tàu rời ga, ta sẽ thấu cảm giác cô đơn của kẻ lỡ chuyến.../ Nhưng cuộc gặp Định mệnh không bao giờ Muộn. Bởi đã Đến nghĩa là không Muộn. Bởi số phận không tình cờ đẩy số phận vào nhau. Bởi có những sự khởi đầu bắt nguồn từ tiềm thức”...

Vân Hạ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/995147/du-giong-bao-van-theu-hoa-mo-uoc