'Du học 4 năm, tôi chỉ làm đúng 35/40 câu hỏi đề Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT'

Một người bạn của tôi, ở Úc gần 10 năm, hiện là du học sinh, đã dành 50 phút để làm đề Tiếng Anh tốt nghiệp THPT và thấy sửng sốt về mức độ 'đánh đố' của đề thi này.

Đề thi các môn Toán, Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 đang gây chú ý và tranh luận trong giới chuyên môn, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Có ý kiến cho rằng đề quá khó, mang tính đánh đố; người khác lại ủng hộ cách ra đề mới. VietNamNet mở diễn đàn để ghi nhận các ý kiến đa chiều, góp phần cải tiến kỳ thi và nâng cao chất lượng dạy - học.

Bài viết dưới đây là góc nhìn về đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 của Nguyễn Kim Diễm Quỳnh, một du học sinh chuyên ngành Báo chí - Truyền thông tại Australia.

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đề thi tiếng Anh đã trở thành đề tài thảo luận "nóng" giữa các thí sinh và cả giới chuyên môn. Trên mạng xã hội, không ít sĩ tử than phiền rằng đề khó, không đủ thời gian để hoàn thành bài thi. Nhiều thầy cô, những người có trình độ tiếng Anh thâm niên, và cả người bản xứ khi thử sức với đề thi năm nay cũng đồng cảm với các thí sinh.

Là một sinh viên chuyên ngành Truyền thông - Báo chí đã học 2 năm tại Canada và 2 năm tại Australia, tôi đã tò mò “thi thử” với mã đề 1101. Tôi hoàn thành bài thi trong 40 phút, với số câu đúng 35/40, tương đương điểm 9.

Dù thông thạo và dùng tiếng Anh học thuật hằng ngày, trong quá trình làm bài, tôi vẫn gặp không ít khó khăn và cảm thấy căng thẳng.

Đề Tiếng Anh có 40 câu trắc nghiệm, gồm 17 câu điền từ, 5 câu sắp xếp câu, và 18 câu đọc hiểu, với thời gian giới hạn là 50 phút. Hai bài đọc hiểu dài xoay quanh các chủ đề như: dự án nông nghiệp, hiện tượng “tẩy xanh” không phổ thông và ít thân thiện với học sinh lớp 12.

Phần còn lại của bài thi cũng hóc búa không kém với các câu hỏi nhiễu, cấu trúc câu phức tạp và từ vựng khó.

Thí sinh TPHCM dự thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Nguyễn Huế

Thí sinh TPHCM dự thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Nguyễn Huế

Tính "đánh đố" của đề thi chủ yếu đến từ sự xuất hiện của nhiều thuật ngữ trừu tượng, yêu cầu thí sinh phải suy luận và phân tích sâu, vượt quá chuẩn đầu ra mức B1 theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018. Một số từ ngữ chuyên môn và ẩn dụ như “sleight of hands”, hay “accelerate the decision-making process” dễ gây hoang mang các học sinh với vốn từ hạn chế ở trình độ B1.

Đặc biệt, với bài đọc hiểu về hiện tượng “tẩy xanh”, khi so sánh bài viết gốc, bản đã chỉnh sửa để đưa vào đề thi có phần lủng củng và kém mạch lạc hơn.

Từng là thí sinh của kỳ thi tốt nghiệp THPT 4 năm về trước, tôi không khỏi tự hỏi: Nếu năm đó đề thi cũng như bây giờ, liệu mình có làm nổi 8 điểm trong 50 phút không?

Thành thật mà nói, rất khó, dù ở thời điểm ấy tôi đã đạt trình độ C1 tiếng Anh và chuẩn bị đi du học. Vì thực tế trong 12 năm đèn sách, cách tôi tiếp cận và học ngôn ngữ này khá phổ thông, không tập trung vào kỹ năng xử lý văn bản học thuật như hiện tại.

Với 8.0 IELTS kĩ năng Đọc từ năm lớp 12, tôi nhận thấy IELTS được thiết kế rõ ràng hơn về format, hướng đến việc đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ trong học tập và đời sống thực tế. Theo tôi, dù phần đọc hiểu của IELTS có độ phức tạp nhất định với các “bẫy” câu hỏi hay đáp án, nhưng vẫn không mang tính "lắt léo" quá nhiều như đề THPT vừa qua.

Có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa IELTS và đề tiếng Anh THPT 2025 nằm ở việc: IELTS giúp tôi thấy mình đang được chấm điểm khả năng vận dụng ngôn ngữ, còn đề tốt nghiệp khiến tôi phải đóng vai nhà ngôn ngữ học để “giải mã”.

Ngay cả bây giờ, sau 4 năm học tập ở Canada và Australia, tôi vẫn chỉ hoàn thành đề thi trong thời gian vừa đủ, và còn sai tới 5/40 câu. Hơn nữa, trong quá trình làm bài, tôi cũng không ít lần nghi ngờ bản thân vì phải đọc đi đọc lại đề rất nhiều lần vẫn thấy khó hiểu.

Tôi đã gửi đề thi này cho một người bạn, cũng là du học sinh (từ cấp THPT), đã gần 10 năm ở Australia và đang theo đuổi ngành quản trị kinh doanh. Cậu ấy đã dành 50 phút để hoàn thành bài thi, và không khỏi sửng sốt vì “chưa gặp văn bản nào mà người bản xứ hành văn khó hiểu như vậy”.

Nhìn chung, tôi thấy đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Tiếng Anh là quá sức với các thí sinh trình độ B1, khi các em còn hạn chế về vốn từ vựng và hiểu biết về các vấn đề xã hội.

Từ góc nhìn cá nhân, dù đã quen với việc sử dụng tiếng Anh học thuật mỗi ngày, tôi vẫn cảm thấy áp lực khi tiếp cận đề thi tốt nghiệp THPT 2025. Điều này khiến tôi càng thêm thấu hiểu sự căng thẳng, hoang mang của các sĩ tử khi đọc và làm đề thi này.

Tôi tin rằng, với vai trò là một kỳ thi tốt nghiệp, đề thi môn Tiếng Anh cần được cân đối lại giữa yêu cầu phân loại và mức độ phù hợp với mặt bằng chung để đảm bảo tính công bằng cho mọi thí sinh.

Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện chia sẻ về vấn đề này xin gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!

Diễm Quỳnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/du-hoc-4-nam-toi-chi-lam-dung-35-40-cau-hoi-de-tieng-anh-thi-tot-nghiep-thpt-2417925.html