Du học sinh bị tước visa ở Mỹ: Những lỗi nào dễ bị, làm sao tránh?

Không chỉ những vi phạm hình sự mà những lỗi nhỏ không ngờ cũng có thể khiến du học sinh ở Mỹ bị tước visa.

Trong thời gian gần đây, một loạt vụ việc sinh viên quốc tế bị tước visa khi đang học tập tại Mỹ đã khiến cộng đồng du học sinh không khỏi hoang mang. Những lỗi dẫn đến việc bị trục xuất không hẳn do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà nhiều trường hợp xuất phát từ việc thiếu thông tin hoặc chủ quan trong quá trình duy trì tình trạng visa.

Trong bối cảnh chính sách nhập cư của Mỹ đang ngày càng siết chặt, việc nắm rõ và tuân thủ các quy định về visa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Không chỉ vi phạm hình sự mới bị tước visa

Theo hệ thống visa hiện hành, du học sinh theo học các chương trình học thuật tại Mỹ thường được cấp visa F-1, còn những người theo học chương trình nghề được cấp visa M-1.

Mỗi loại visa đều có những quy định nghiêm ngặt riêng, và bất kỳ hành vi vi phạm nào cũng có thể khiến visa bị thu hồi, sinh viên buộc phải rời Mỹ ngay lập tức.

 Thông thường du học sinh theo học các chương trình tại Mỹ sẽ được cấp visa F-1 hoặc M-1. Ngoài ra còn có visa J-1 cho các sinh viên trao đổi. Ảnh: MMMGROUP

Thông thường du học sinh theo học các chương trình tại Mỹ sẽ được cấp visa F-1 hoặc M-1. Ngoài ra còn có visa J-1 cho các sinh viên trao đổi. Ảnh: MMMGROUP

Theo trang web của Cơ quan Nhập cư và Quốc tịch Mỹ (uscis.gov), ngoài các vi phạm hình sự, một số lỗi phổ biến nhưng cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn đến hậu quả bị tước visa bao gồm:

. Làm việc trái phép: Sinh viên F-1 chỉ được phép làm việc khi được trường và trong một số trường hợp được Cơ quan Di trú Mỹ (USCIS) cho phép. Làm thêm không đúng quy định có thể dẫn đến việc bị buộc rời khỏi Mỹ và cấm tái nhập cảnh.

. Bỏ học hoặc rút khỏi chương trình mà không thông báo với DSO (Designated School Official – viên chức phụ trách sinh viên quốc tế). Đây là vi phạm nghiêm trọng khiến hồ sơ SEVIS bị chấm dứt. SEVIS là công cụ được Bộ An ninh Nội địa Mỹ sử dụng để kiểm soát du học sinh Mỹ hoặc khách mời theo diện trao đổi/tham quan Mỹ.

. Lưu trú quá hạn visa, không rời khỏi Mỹ đúng thời gian quy định sau khi chương trình học kết thúc (60 ngày với visa F-1 và 30 ngày với visa M-1).

. Học lực yếu, bị cảnh cáo học vụ hoặc vi phạm kỷ luật trong nhà trường có thể khiến sinh viên không còn đủ điều kiện duy trì tình trạng học tập hợp lệ – điều kiện tiên quyết để giữ visa.

. Không cập nhật địa chỉ cư trú, thay đổi chương trình học, hoặc trường học mà không khai báo kịp thời với DSO.

Những vi phạm "khó ngờ" cũng khiến du học sinh bị tước visa ở Mỹ

Một số hành vi mà sinh viên thường xem nhẹ cũng có thể trở thành lý do để bị Bộ Ngoại giao Mỹ hoặc viên chức lãnh sự tại các lãnh sự quán thu hồi visa, bao gồm:

. Tham gia biểu tình chính trị hoặc hoạt động bị coi là vi phạm an ninh.

. Vi phạm luật giao thông nghiêm trọng, lái xe trong tình trạng say rượu.

. Khai báo gian dối, sử dụng giấy tờ giả trong hồ sơ xin visa hoặc gia hạn.

. Gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng, không thể tiếp tục tự chi trả học phí và sinh hoạt.

Các quyết định thu hồi visa có thể được đưa ra từ các cơ quan đầu não ở thủ đô Washington D.C. hoặc từ các tổng lãnh sự quán của Mỹ. Trong nhiều trường hợp, sinh viên chỉ biết mình bị hủy visa khi làm thủ tục nhập cảnh hoặc gia hạn.

 Những người biểu tình phản đối việc trục xuất sinh viên quốc tế tập trung bên ngoài tòa nhà Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ ở thủ đô Washington, DC (Mỹ) vào ngày 5-4. Ảnh: AFP

Những người biểu tình phản đối việc trục xuất sinh viên quốc tế tập trung bên ngoài tòa nhà Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ ở thủ đô Washington, DC (Mỹ) vào ngày 5-4. Ảnh: AFP

Lời khuyên cho du học sinh

Theo tờ Indian Express, gần đây, một số du học sinh bị từ chối nhập cảnh ngay tại sân bay Mỹ hoặc bị hủy visa sau kỳ nghỉ về nước, dù vẫn còn thời gian học tập. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc không duy trì tình trạng học tập hợp lệ hoặc không cập nhật giấy tờ lưu trú kịp thời trong thời gian tạm nghỉ.

Trong bối cảnh chính sách nhập cư ngày càng khắt khe, du học sinh cần:

. Luôn cập nhật thông tin với DSO, đặc biệt khi thay đổi chương trình học, trường học, hoặc có ý định nghỉ tạm thời.

. Không làm việc trái phép, dù chỉ trong thời gian ngắn.

. Đảm bảo học lực ở mức đạt yêu cầu, tránh bị cảnh cáo học vụ.

. Chủ động kiểm tra tình trạng visa và hồ sơ SEVIS, và xin tư vấn khi có nghi ngờ.

. Tuân thủ luật pháp và hành xử cẩn trọng, đặc biệt khi tham gia các hoạt động công cộng.

. Ngoài ra, cần liên hệ ngay với Đại sứ quán/ Lãnh sự quán để được hỗ trợ. Đối với lưu học sinh Việt Nam tại Mỹ, có thể liên hệ đường dây nóng bảo hộ công dân (gồm email: baohocongdan@vietnamembassy.us hoặc số điện thoại: 202-999-6938).

Còn visa J-1 thì sao?

Ngoài visa F-1 và M-1, còn có visa trao đổi sinh viên J-1, là loại visa dành cho những người muốn tham gia các hoạt động trao đổi văn hóa, giáo dục hoặc khoa học và công nghệ. Visa này cần có đơn vị bảo trợ đã được chính phủ Mỹ phê duyệt.

Theo công ty luật VisaNation (Mỹ), visa J-1, cũng như các loại visa khác của Mỹ, yêu cầu người tham gia chương trình trao đổi phải tuân thủ các quy định nhất định để duy trì tình trạng hợp pháp. Bạn có thể bị chấm dứt tình trạng visa nếu rơi vào các trường hợp sau:

. Vi phạm quy định đi lại.

. Làm việc trái quy định. Visa J-1 cho sinh viên được làm việc theo các chương trình làm việc quốc tế hoặc làm tại các tổ chức phi lợi nhuận.

. Không duy trì bảo hiểm y tế bắt buộc.

. Tự ý thay đổi đơn vị bảo trợ mà không được chấp thuận. Khi muốn thay đổi đơn vị bảo trợ, cần phải xin phép trước và đợi được duyệt mới thay đổi.

. Bị kết án hình sự.

Bất kể đang ở giai đoạn nào của chương trình, một khi chương trình trao đổi bị chấm dứt, sinh viên sẽ không đủ điều kiện để được hưởng thời gian lưu trú hậu chương trình (visa J-1 có thời gian ân hạn là 30 ngày).

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/du-hoc-sinh-bi-tuoc-visa-o-my-nhung-loi-nao-de-bi-lam-sao-tranh-post844056.html