Du học sinh Trung Quốc khó tìm việc ở trong nước lẫn nước ngoài

Dù kiếm được tấm bằng đại học danh giá ở nước ngoài, nhiều du học sinh Trung Quốc vẫn gặp khó khăn khi tìm việc ở quê nhà lẫn nơi mà họ tốt nghiệp. Nguyên nhân là do thị trường lao động Trung Quốc đang khan hiếm việc làm và mức độ cạnh tranh cao, trong khi làn sóng sa thải đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ ở nhiều nước phát triển.

Các ứng viên tham gia hội chợ việc làm ở Bắc Kinh hồi tháng 8-2023. Ảnh: AFP

Các ứng viên tham gia hội chợ việc làm ở Bắc Kinh hồi tháng 8-2023. Ảnh: AFP

Emma Li, 26 tuổi, sẽ tốt nghiệp một trong những trường kinh doanh hàng đầu ở châu Âu vào năm tới, nhưng đang chật vật tìm công việc đáp ứng kỳ vọng trong mùa tuyển dụng ở thị trường lao động Trung Quốc, kéo dài từ tháng 9 đến cuối năm. Kể từ tháng 8, cô đã rải 300 đơn xin việc tới các công ty ở Trung Quốc và mới chỉ trải qua bốn cuộc phỏng vấn. Một bất lợi là hầu hết các công ty mà cô nộp đơn tìm việc không còn chấp nhận phỏng vấn trực tuyến nữa. Sau khi các hạn chế trong đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ, các công ty hiện thích đánh giá ứng viên qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp hơn.

“Bằng đại học đã mất giá rất nhiều ở Trung Quốc. Và các công ty đặt ra ngưỡng cao đối với sinh viên mới tốt nghiệp cho những công việc khá đơn giản”, Emma Li chia sẻ.

Li cũng phải cạnh tranh với lượng sinh viên tốt nghiệp trong nước cao kỷ lục, dự kiến đạt 11,79 triệu người vào năm tới, tăng 210.000 so với năm 2023, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc. Những sinh viên mới ra trường này phải cạnh tranh khốc liệt để có được việc làm thu nhập cao trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc, từ 16-24 tuổi, đạt mức cao đến 21,3% hồi tháng 6 trước khi Bắc Kinh dừng công bố dữ liệu.

“Khó khăn việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp trong nước ở Trung Quốc chắc chắn sẽ lan sang sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ở nước ngoài”, Peng Peng, chủ tịch điều hành của tổ chức nghiên cứu cải cách xã hội Quảng Đông, nhận định.

Dù vậy, những sinh viên Trung Quốc đang theo học chương trình một năm ở nước ngoài cho rằng triển vọng ở Trung Quốc sẽ tốt hơn và chọn quay trở lại quê nhà khi chương trình học kết thúc. Năm học ngắn thường không giúp sinh viên quốc tế có đủ thời gian để xây dựng mối quan hệ địa phương và tích lũy kinh nghiệm làm việc. Các nước như Mỹ và Anh, những điểm đến du học hàng đầu đã thắt chặt chính sách nhập cư, khiến triển vọng phát triển sự nghiệp của sinh viên Trung Quốc ở đó trở nên mờ mịt.

Eva Tsai, đang học chuyên ngành truyền thông tiếp thị ở Mỹ, quyết tâm tận dụng mối quan hệ của gia đình cô ở Trung Quốc để có một sự nghiệp hứa hẹn hơn, thay vì cạnh tranh với người lao động địa phương khi làn sóng sa thải làm rung chuyển một số ngành kinh doanh, đặc biệt là công nghệ.

Chương trình sau đại học kéo dài một năm mà Tsai đăng ký học ở Mỹ không cung cấp khóa đào tạo thực hành tùy chọn, cho phép sinh viên quốc tế có thị thực F-1 làm việc liên quan đến ngành học của họ tại Mỹ trong thời gian 12 tháng. Điều này khiến Tsai gần như không thể tìm được việc làm ở Mỹ sau khi tốt nghiệp.

Bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt, Tsai, người mang hộ chiếu Đài Loan, thích làm việc ở Trung Quốc đại lục hơn vì nơi đây có nhiều các công ty quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, lạm phát, mức lương không tăng cũng như số lượng cơ hội việc làm hạn chế ở Trung Quốc là mối lo ngại đối với Tsai.

Trong nhiều năm trước đây, các tập đoàn công nghệ và các công ty đa quốc gia của Trung Quốc là những lựa chọn hàng đầu của sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài. Tuy nhiên, triển vọng bấp bênh của khu vực tư nhân khi nền kinh tế phục hồi chậm chạp đã làm thay đổi quan điểm của sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ở nước ngoài.

Nhiều sinh viên Trung Quốc mới lấy bằng thạc sĩ ở nước ngoài đang chú ý những công việc ổn định trong các công ty nhà nước và tổ chức chính phủ, những vị trí được coi là “bát cơm sắt”, có mức độ an ninh cao và lợi ích đáng tin cậy trong nhiều thập niên.

Một cuộc khảo sát của Zhaopin, một nền tảng tuyển dụng lớn của Trung Quốc, cho thấy 38,8% sinh viên có bằng cấp ở nước ngoài muốn làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2022, tăng 9% so với năm 2021. Tỷ lệ sinh viên có bằng cấp nước ngoài mong muốn được làm việc ở các cơ quan chính quyền với tư cách công chức là khoảng 21% trong năm 2022. Emma Li cho biết, hầu hết bạn bè của cô khi trở về Trung Quốc đều làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức chính quyền vì họ có mối quan hệ địa phương thông qua gia đình.

Sự quan tâm của sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài đối với ngành công vụ phản ánh mong muốn về con đường sự nghiệp ổn định. Các chính quyền địa phương của Trung Quốc đã nhận thấy mối quan tâm này. Vào tháng 9, chương trình thực tập sinh công chức “tuyển chọn theo chỉ đạo” của chính quyền Thượng Hải được mở cho sinh viên tốt nghiệp từ 73 trường đại học được chỉ định ở nước ngoài. Chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng bắt chước, mở rộng điều kiện tham gia chương trình thực tập sinh công chức cho sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp từ 100 đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của Công ty tư vấn ShanghaiRanking Consultancy.

Theo SCMP

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/du-hoc-sinh-trung-quoc-kho-tim-viec-o-trong-nuoc-lan-nuoc-ngoai/