Du học thế nào thời công nghệ số?

Người trẻ thời 4.0 - Uy quyền lộng lẫy là tập hợp nhiều bài viết ghi lại những trải nghiệm của bạn trẻ về những khía cạnh đa dạng của đời sống trong thời công nghệ 4.0.Cơ hội du học bây giờ vô cùng rộng mở, rào chắn về ngôn ngữ và tài chính dần được xóa bỏ.

Có thể nói chưa khi nào xu hướng du học nước ngoài lại trở nên thời thượng và dễ dàng như vậy tại Việt Nam.

Kỷ nguyên cởi mở nhất từ trước đến nay

Từ những học sinh bình thường đến các học sinh giỏi, từ gia đình giàu có đến phụ huynh bình dân, từ thiếu niên bước vào cấp 2 cho đến tuổi trên 30… có ước mơ và nỗ lực du học ngày càng nhiều.

Sinh viên bước qua cổng của Đại học Harvard. Ảnh: WBUR.

Sinh viên bước qua cổng của Đại học Harvard. Ảnh: WBUR.

Đơn cử nước Đức áp dụng chính sách miễn học phí 100% cho các chương trình học đại học và cao học tại 15 bang trong tổng số 16 bang; tương tự du học sinh đến Pháp có thể du học miễn phí hoặc mất phí cực kỳ ít; các quốc gia vừa nổi tiếng về hệ thống giáo dục đại học mạnh nhất thế giới vừa lý tưởng tới mức học phí gần như không có.

Nếu muốn tìm kiếm suất du học? Nhanh lắm, nhiều bạn trẻ cho biết không khó khăn gì và chìa khóa vạn năng chỉ là ngoại ngữ mà thôi. Những cái tên quen thuộc với dân "săn" học bổng như học bổng Chevening, Gates Cambridge, Clarendon (Anh); học bổng quốc tế Adelaide, Endeavour (Australia); International Leader of Tomorrow Award (Canada); Fulbright (Mỹ); học bổng ADB Japan…

Đối tượng du học sinh cũng đa dạng không kém, từ diện được người thân bảo lãnh, du học tự túc, được công ty, đến cơ quan cử đi theo diện đào tạo nhân sự.

Họ nhận các loại học bổng trong nước, gói học bổng từ các cơ quan, tổ chức chính phủ của nước bạn, được công ty ở nước ngoài mời qua làm việc rồi đi học thêm…

Nhiều phụ huynh, thầy cô chia sẻ với chúng tôi rằng dường như trẻ em Việt Nam du học ở lứa tuổi dưới trung học (chưa tốt nghiệp cấp 3) là hơi sớm dù đặt ở vị trí làm cha mẹ chỉ sợ con không đi sớm lại không theo kịp bạn bè. Dựa theo tập quán sinh hoạt của người Việt, nỗi lo này là có lý.

Do đó, cha mẹ nên cân nhắc chọn thời điểm cho con tung cánh bay xa là khi các bạn đủ 18 tuổi, hoàn thành bậc học phổ thông trong nước.

Lúc này, các bạn trẻ tạm đủ trưởng thành, ý thức được mình muốn gì, thích gì và phần nào vững vàng bản lĩnh để đối mặt khó khăn trên con đường một mình chinh phục tri thức.

Song song cách xuất ngoại du học, thời đại 4.0 cho phép người ta sử dụng Internet như một cây cầu kết nối tuyệt diệu, giải pháp đào tạo trực tuyến cũng không ngừng chuyển mình từ đào tạo từ xa tới E-learning và hình thức phổ biến nhất hiện tại là MOOCs (Massive Open Online CoursesKhóa học đại trà trực tuyến).

Phương pháp này hỗ trợ tối ưu cho việc học tập hiện đại, xóa bỏ hạn chế về không gian và thời gian.

Học sinh học trực tuyến còn có cơ hội tìm tòi và tiếp cận những nguồn dữ liệu khổng lồ. Nội dung và cách phân phối các nguồn tài nguyên học tập rất đa dạng.

Một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt của MOOCs so với các khóa đào tạo từ xa truyền thống là số lượng người đăng ký có thể lên đến hàng nghìn và gần như không giới hạn hay ràng buộc về điều kiện tham dự cũng như phí đăng ký.

Hậu du học: Về hay ở?

Đây vẫn luôn là câu hỏi lớn đối với tất cả du học sinh và gia đình của họ. Một bộ phận các bạn trẻ khi xách túi lên đường là đã vẽ sẵn một tương lai định cư tại nước ngoài bằng mọi cách. Tuy nhiên, không hiếm người trẻ có ý niệm sẽ quay về.

Một tiến sĩ đang làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán chia sẻ việc về nước của chị cũng bình thường như quyết định ở lại của nhiều người khác.

“Tùy quan điểm, hoàn cảnh, ngành nghề, tính cách của mình mà người học tự quyết định thôi. Mục đích lớn nhất trong cuộc sống của tôi luôn là vui vẻ cho mọi người, vì thế tôi trở về và rất hài lòng”, chị nói.

 Sách Người trẻ thời 4.0 - Uy quyền lộng lẫy. Nguồn: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM.

Sách Người trẻ thời 4.0 - Uy quyền lộng lẫy. Nguồn: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM.

Một câu “truyền giáo” trong giới du học sinh là: “về nước thì dễ, muốn ở lại mới khó”. Trong sâu xa bản năng con người, việc khó lại luôn tạo ra động lực dấn thân, kích thích người ta trải nghiệm, khám phá nhiều hơn.

Một lý do rất thật khác là khi kết thúc khóa học, các cô cậu học sinh trẻ măng ngày nào nay đã đạt ngưỡng tuổi 25-30. Đây là thời điểm người ta bắt đầu nghĩ đến gia đình, thế hệ mai sau của chính mình.

Các nhà quản lý trước đây hay nói về việc chảy máu chất xám. May mắn thay, ở thời đại này, điều ấy cũng chẳng còn là mối nguy nữa.

Lúc này, các tiện ích của thời đại 4.0 một lần nữa phát huy giá trị của nó. Cũng là cánh tay công nghệ sẽ cùng trái tim, khối óc con người thỏa mãn giấc mơ phục vụ đất nước từ xa của lớp người trẻ mới mẻ này.

Thế hệ du học sau này của Việt Nam đang xây lên một hành trình mới có tên là: Con đường tuần hoàn chất xám. Cuộc chảy máu chất xám trong quá khứ đã lùi xa, thời đại này chứng kiến những đóng góp tích cực của giới Việt kiều trí thức cho đất nước.

Anh Nguyễn Anh Hoa, người sáng lập Maybanhang.net - Giải pháp đi đầu về điện toán đám mây ở Việt Nam - từng chia sẻ về việc này như sau: “Cách đây mười năm, việc quyết định ở đâu mới khó vì đi lại khó khăn, thông tin còn thiếu. Còn bây giờ, một doanh nhân đi về giữa Mỹ với Việt Nam cả chục lần quá dễ dàng. Nếu bạn có năng lực và muốn thì ở nước ngoài hay trong nước vẫn đóng góp được cho xã hội.

Một người bạn của tôi, sau khi hoàn thành tiến sĩ ở Mỹ, đã ở lại làm việc, có điều kiện hướng dẫn, trao học bổng được cho hơn mười bạn từ Việt Nam sang làm nghiên cứu sinh. Tôi đã về nước và cũng tạo công ăn việc làm được cho cả trăm người. Ở Việt Nam, tôi thấy cơ hội cho mình ở khắp mọi nơi, cơ hội cống hiến cho xã hội cũng như thế”.

Việc về hay ở là quyết định của mỗi cá nhân, tùy theo hoàn cảnh và mục đích của từng người. Không ai có thể quyết định thay cho ai được và cũng không ai có thể nói về hay ở là đúng đắn hơn.

Điều ấy chỉ rõ sau khi các du học sinh hoàn tất chặng đường học tập của mình để bắt đầu xắn tay làm việc.

Phương Dung

Nhiều tác giả / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/du-hoc-the-nao-thoi-cong-nghe-so-post1122407.html