Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng Luật Nhà giáo cần xác định vai trò quan trọng của người thầy
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ là quy định những nội dung trước đây chưa quy định, mà cần vươn lên tầm mới, xác định vai trò quan trọng của người thầy - chủ thể chính của dự thảo luật.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, ngày 9-11, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nhà giáo.
Khuyến khích xã hội hóa, huy động xã hội tham gia vào công tác giáo dục, công tác giảng dạy
Tham gia thảo luận tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhấn mạnh, với định hướng của Đảng, chúng ta cần quán triệt sâu sắc vị trí của người thầy, do đó, việc xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ là quy định những nội dung trước đây chưa quy định, mà cần vươn lên tầm mới, xác định vai trò quan trọng của người thầy - chủ thể chính của dự thảo luật. Với tinh thần đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, xây dựng Luật Nhà giáo cần giải quyết mối tương quan giữa thầy và trò.
Tổng Bí thư cho biết, chính sách của chúng ta là phổ cập giáo dục theo từng cấp học, trẻ em đến tuổi được đi học phải được đến trường, tiến tới phổ cập trung học. Không thể có học trò mà không có thầy, vì vậy cần quy định rõ trong luật nội dung này.
Cùng với đó, theo Tổng Bí thư, cần có phương án để biết rõ trong xã, trong huyện, trong khu phố, trong phường, trong thành phố năm nay sẽ có bao nhiêu cháu đến tuổi đi học. Như vậy, sẽ chủ động bố trí đủ thầy cô.
Đặt vấn đề giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hội nhập, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu câu hỏi về tính chủ động hội nhập của nhà giáo cũng như việc giảng viên nước ngoài giảng dạy ở Việt Nam có phải chấp hành các quy định của Luật Nhà giáo hay không?
Ngoài ra, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng lưu ý, chính sách học tập suốt đời cần được quy định trong dự thảo luật, không thể quy định thô cứng theo kiểu giáo sư đến tuổi nghỉ hưu không còn là nhà giáo, không tham gia giảng dạy nữa. Nếu quy định như vậy sẽ không huy động được nguồn lực.
“Người già còn đi học, thầy đến tuổi nghỉ hưu lại không được giảng dạy nữa thì rất khó khăn. Mà những thầy lớn tuổi lại là những thầy rất có uy tín, nhiều kinh nghiệm. Nếu quy định đến tuổi này mà không còn là nhà giáo nữa thì rõ ràng không huy động được nguồn lực", Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích.
Đồng thời, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần khuyến khích xã hội hóa, huy động xã hội tham gia vào công tác giáo dục, công tác giảng dạy, nhất là tại một số môi trường rất đặc biệt như trong trại giam hay giáo viên công tác tại miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tổng Bí thư chia sẻ, khi đi các vùng miền núi thấy điều kiện rất khó khăn. "Trường ở cách xa nhà 20-30km, các cháu làm sao đi hằng ngày được, trường nội trú không có. Trò không có trường, không có nơi ăn ở, sinh hoạt, thầy lại càng không thì làm sao được? Cô giáo đi lên trường miền núi, chẳng có thanh niên nào, chỉ có Công an, Bộ đội Biên phòng, thế lấy chồng thế nào, cả tuổi thanh xuân ở đó thế nào? Bộ đội, Biên phòng, Công an xã cũng không có nhà công vụ...", Tổng Bí thư bày tỏ.
Tổng Bí thư băn khoăn: "Bây giờ ai giải quyết vấn đề này? Mỗi trường như thế phải có nhà công vụ cho thầy, cô giáo, người ta ở đấy 5-10 năm thì 5-10 năm đó họ ở đâu, xây dựng gia đình thế nào. Những khu vực đó rất đặc biệt, phải có những chính sách rất cụ thể và bao quát", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Cuối cùng, Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn, Luật Nhà giáo ra đời phải làm sao để người thầy khi đón nhận luật này phải thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh, thực sự được tạo điều kiện thuận lợi; tránh tình trạng sau khi luật ban hành lại khó khăn hơn trong việc chấp hành các quy định của luật.
Cần yêu cầu cao hơn để nhà giáo trở thành chuẩn mực, mẫu mực
Góp ý vào dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo cần yêu cầu cao hơn để trở thành chuẩn mực, mẫu mực. Đại biểu nhấn mạnh, nhà giáo không chỉ mẫu mực trong nghề nghiệp mà còn trong mọi hoạt động xã hội; đối xử tôn trọng, công bằng với người học là điều đương nhiên; đồng thời còn khuyến khích người học, tất cả ý kiến người học cần được đánh giá cao để bảo đảm tư duy sáng tạo; nghĩa vụ tham gia nghiên cứu khoa học của nhà giáo cũng cần được xã hội tạo điều kiện về nguồn lực, kinh phí…
Bên cạnh việc cơ quan soạn thảo đề xuất không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, cần nghiêm cấm những hành vi không tôn trọng và xúc phạm nhà giáo…
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, giống như lực lượng vũ trang, cần quy định nhà giáo là đối tượng được ưu tiên thuê - mua nhà ở xã hội.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cũng nhấn mạnh, nhà giáo là đối tượng đặc thù, cần được quan tâm nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay đang có tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, phân bổ chỉ tiêu giáo viên theo dân số ở địa phương. Giáo viên ở thành phố lớn thì thừa nhưng ở những vùng khó khăn lại thiếu. Việc tuyển chọn giáo viên vẫn đang do ngành Nội vụ ở các địa phương thực hiện nên không thể giải quyết được hết bài toán về thừa - thiếu giáo viên.
Trước thực tế trên, đại biểu Tạ Văn Hạ đề xuất với Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo là việc tuyển chọn giáo viên nên giao cho ngành Giáo dục ở các địa phương. Mặt khác, việc giảm biên chế cũng cần xem xét để bảo đảm chất lượng giảng dạy tốt nhất...