Dự kiến bỏ tiền mặt trong thương mại biên giới Việt – Trung

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo thông tư hướng dẫn liên quan tới quản lý ngoại hối theo hướng bỏ quy định về thanh toán bằng tiền mặt đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghị định số 122/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới (Nghị định số 122/2024/NĐ-CP) đã bỏ quy định về thanh toán bằng tiền mặt đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân Việt Nam. Theo đó, phương thức thanh toán bằng tiền mặt chỉ áp dụng đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN quy định về thanh toán bằng VND tiền mặt hoặc CNY tiền mặt như sau:

Thương nhân Việt Nam được thu VND tiền mặt hoặc CNY tiền mặt từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại biên giới và nộp vào tài khoản thanh toán mở tại chi nhánh ngân hàng biên giới.

Sau khi Nghị định số 122/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, phương thức thanh toán bằng tiền mặt (VND, CNY) áp dụng cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được quy định tại Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28/8/2018 của NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã không còn phù hợp.

Vì vậy, NHNN đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2018/TT-NHNN ngày 28/8/2018 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Thông tư sửa đổi theo hướng xóa bỏ phương thức thanh toán bằng tiền mặt đối với hoạt động thương mại biên giới của thương nhân để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cũng như phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc hiện nay.

Đồng thời, đây là sự thay đổi cần thiết nhằm đáp ứng chủ trương của Chính phủ về tăng cường hoạt động thương mại biên giới theo hướng chính ngạch; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.

Như vậy, nếu Thông tư được thông qua và áp dụng, hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ còn 2 phương thức thanh toán.

Phương thức thứ nhất là thanh toán qua ngân hàng, bao gồm: Thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối; thanh toán bằng CNY qua chi nhánh ngân hàng biên giới; thanh toán bằng VND qua chi nhánh ngân hàng biên giới.

Phương thức thứ hai là thanh toán phần chênh lệch trong giao dịch bù trừ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch thanh toán qua ngân hàng theo quy định trên).

Hương Dịu

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/du-kien-bo-tien-mat-trong-thuong-mai-bien-gioi-viet-trung.html