Dự kiến có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo: Người trong cuộc nêu ý kiến
Giáo viên đã có bằng tốt nghiệp, được tuyển dụng, xếp loại về năng lực, phẩm chất theo chuẩn chức danh thì có cần thêm loại giấy chứng nhận nghề nghiệp?
Ngày 19/1/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên đề về việc xây dựng Luật Nhà giáo triển khai Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT.
Tại hội thảo, ban tổ chức cho biết, một điểm mới dự kiến được đưa vào Luật Nhà giáo là giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo và sẽ được cấp miễn phí, có giá trị sử dụng trên toàn quốc.
Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là các thầy cô đang công tác trong ngành giáo dục.
Thầy giáo Đặng Văn Tuân, Bí thư Chi bộ Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Lúc đầu, khi nghe thông tin về việc cấp giấy giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, tôi có chút lo ngại, vì không biết mình lại phải cung cấp thêm những giấy tờ, thủ tục gì để được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo.
Tôi băn khoăn, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có mang lại lợi ích thiết thực hay không, hay chỉ là “đẻ” thêm một loại giấy phép con ...
Nhưng khi tìm hiểu kĩ hơn về mục đích, quy trình cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, tôi hoàn toàn đồng ý và tán thành việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Vì các lý do sau:
Thứ nhất: Theo như giải thích của Bộ, "Việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ được cấp theo hướng đơn giản, thuận lợi cho nhà giáo, không đòi hỏi hay phát sinh nhiều thủ tục, không thu phí. Những nhà giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, trường chỉ cần lập danh sách và cơ quan quản lý giáo dục cấp giấy chứng nhận, không cần thủ tục gì cả".
Có nghĩa là, giáo viên đang giảng dạy như chúng tôi không cần phải nộp bất cứ một loại giấy tờ nào khác, việc cấp giấy chứng nhận là do nhà trường và cơ quan có thẩm quyền cấp làm việc với nhau.
Thứ hai: Giấy chứng nhận này sẽ thay thế quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. Cái này sẽ có lợi cho những giáo viên mới ra trường.
Thứ ba: Cũng theo đại diện của Bộ thì "giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo giúp việc hành nghề, chuyển nơi làm việc thuận lợi hơn, không gây phát sinh thêm thủ tục".
Nếu thực sự đúng như vậy thì sẽ rất có lợi cho những giáo viên chuyển nơi làm việc, đặc biệt là chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác làm việc.
Nói cách khác, việc cấp “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” là công việc chuyên môn của nhà trường, không phải của giáo viên, không gây áp lực cho giáo viên”.
Thầy giáo Hồ Đông ở Kiên Giang lại có ý kiến: “Việc cấp “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” theo tôi chỉ nên cấp cho đối tượng tuyển mới hay người nước ngoài muốn làm giáo viên tại nước ta, vì những lý do sau:
Thứ nhất, nếu nhà giáo đang công tác, giáo viên đã nghỉ hưu, giáo viên sẽ mặc nhiên được cấp, nên cái “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” sẽ chỉ mang tính hình thức.
Nếu giáo viên chuyển trường, chuyển nơi công tác, thỉnh giảng … đều có sơ yếu lý lịch, phản ánh đầy đủ thời gian công tác, sẽ không cần đến “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” đó.
Thứ hai, việc cấp “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” gây lãng phí xã hội.
Hiện nay có khoảng 1,4 triệu nhà giáo, dù không thu phí, nhưng với xã hội cũng phải tốn nguồn lực, tiền bạc, giấy tờ … mới cấp “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” cho nhà giáo đang công tác được, nên sẽ gây lãng phí xã hội.
Nguồn lực để cấp khoảng 1,4 triệu “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” nên để dành mua sách giáo khoa cho học sinh khó khăn.
Thứ ba, “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” chỉ nên dành cho đối tượng là người nước ngoài muốn giảng dạy ở nước ta".
Cô Trịnh Thị Thanh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu quan điểm: "Đối với những giáo viên được đào tạo tại các cơ sở trường đại học, cao đẳng sư phạm, hiện đang trực tiếp dạy học tại các trường học (trong hoặc ngoài công lập) thì không cần thiết phải cấp chứng nhận nghề nghiệp nữa.
Vì đối tượng này thực tế đã được cấp bằng tốt nghiệp, được tuyển dụng và được các cấp quản lí đánh giá, xếp loại về năng lực, phẩm chất theo chuẩn nghề nghiệp.
Hơn nữa, họ liên tục tham gia các lớp bồi dưỡng thường xuyên, lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp... Như vậy, về bản chất, họ đã có đầy đủ bằng chứng công nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề, không cần phải cấp thêm chứng nhận cho đối tượng này trong bối cảnh hiện nay.
Với đối tượng khác, là những người tham gia hoạt động giảng dạy nhưng không được đào tạo từ các cơ sở giáo dục không thuộc ngành sư phạm (học ngành khác nhưng lại làm nghề dạy học), những giáo viên dạy các nhóm nhỏ tại nhà hoặc dạy thêm ngoại ngữ, Tin học, kĩ năng sống... tại các trung tâm bồi dưỡng... thì việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cũng là một biện pháp cần thiết để quản lí tốt hơn, vừa bảo đảm quyền lợi vừa hạn chế những rủi ro, thiếu chuẩn mực trong quá trình làm nghề.
Việc phân loại đối tượng sẽ tránh được sự lãng phí thời gian, tiền bạc, hạn chế được những tiêu cực có thể phát sinh".
Thầy giáo Huỳnh Bá Hiếu ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: "Theo tôi, giáo viên đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp rồi, giáo viên không cần thêm thủ tục chứng nhận nghề nghiệp nữa. Nếu thêm chứng chỉ nghề nghiệp nhà giáo, lúc đó giáo viên sẽ có mối lo thêm về tiêu chuẩn và thêm gánh nặng giấy tờ.
Quan trọng là nâng cao mức lương đủ sống để khuyến khích giáo viên phấn đấu, cống hiến nhiều cho ngành, có tinh thần học tập nâng cao trình độ".
Thầy giáo Lê Văn Đức, công tác tại Trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh – EaH’Leo – Đắk Lắk cho rằng: "Giáo viên không cần thiết phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Bởi vì, họ đã có bằng cấp đào tạo sư phạm. Họ cũng phải tham gia các lớp nghiệp vụ sư phạm và tuyển lựa qua các kỳ thi chọn. Nếu họ đã được đi dạy thì đầy đủ minh chứng là thầy cô giáo, không nhất thiết cần giấy chứng nhận nghề nghiệp. Nó sẽ thêm mất thời gian, tiền bạc".
Rõ ràng, nội dung cấp “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” được đề xuất đưa vào Luật Nhà giáo tới đây đang có nhiều ý kiến rất khác nhau. Quan trọng nhất là loại giấy tờ này sẽ giúp ích ra sao trong việc chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục. Điều này cần được cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ và làm rõ trước khi đưa vào dự thảo luật.