Dự kiến dôi dư 21.700 cán bộ, công chức sau sắp xếp đơn vị hành chính

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, số cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính dự kiến là 21.700 người.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nhiều địa phương rất tích cực trong triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, nhưng cũng có một số địa phương có biểu hiện chần chừ.

Đến nay, có 54/63 địa phương nằm trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Theo đó, có 49 đơn vị cấp huyện phải sắp xếp, dự kiến giảm 12 - 13 đơn vị cấp huyện.

Số cấp xã phải sắp xếp là 1.247, dự kiến giảm 624 đơn vị. Trong giai đoạn này, có 4 địa phương có số lượng sắp xếp rất lớn là Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: QH)

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: QH)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết nhiều địa phương đã quyết liệt triển khai, có 10 địa phương trình đề án lên Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để thực hiện sắp xếp.

Điển hình là tỉnh Nam Định thực hiện rất quyết tâm và sắp xếp rất ổn định, có nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để giải quyết vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, tài sản dôi dư. Dự kiến Nam Định giảm số lượng cấp xã khoảng 50 đơn vị.

Tuy nhiên, một số địa phương có dấu hiệu chần chừ, chậm chạp, chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong vấn đề này; chưa ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo căn cơ, khoa học, chặt chẽ, thể hiện quyết tâm cao của địa phương.

“Nếu tính thời gian chỉ còn mấy tháng nhưng nhiều địa phương rất chậm, nếu không nhanh sẽ không kịp thời gian 30/9 phải xong. Đến thời điểm này mới có 10 địa phương đưa hồ sơ lên. Như vậy sẽ rất khó khăn cho Chính phủ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay.

Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ dựa trên cơ sở là các cơ chế, chính sách của Trung ương, chứ không có nghị quyết riêng căn cứ vào thực tiễn của địa phương để giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và phương án sắp xếp các tài sản, tài chính dôi dư.

Đến thời điểm này, xử lý về tài sản dôi dư còn tồn đọng khoảng 50% của giai đoạn trước là rất lớn. Còn cán bộ, công chức dôi dư xử lý rất ổn, cơ bản giải quyết triệt để và còn lại khoảng 8% trên tổng số rất lớn.

Về giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến số lượng tài sản, tài chính, trụ sở dôi dư khoảng 2.700; số cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư ở giai đoạn này dự kiến 21.700 người, cũng là số lượng phải sắp xếp rất lớn, nếu không có các giải pháp căn cơ sẽ khó khăn để thực hiện.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của Trung ương và Ban Chỉ đạo địa phương đang cố gắng phối hợp chặt chẽ, chủ động phương án ngay từ khi xây dựng đề án để giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ mong muốn các địa phương tập trung cố gắng hoàn thành trước ngày 30/9 để đảm bảo tinh thần nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ.

H.L

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/du-kien-doi-du-21700-can-bo-cong-chuc-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-171129.html