Dự kiến HĐND tỉnh được ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục

Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) bổ sung quy định 'HĐND cấp tỉnh được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của luật phí và lệ phí đã quy định' là rất cần thiết.

Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đánh giá dự kiến nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành, thu gọn 3 nhóm địa phương xác định mức dư nợ xuống còn 2 nhóm (không nhận bổ sung và có nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương) là cần thiết. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của địa phương trong tình hình mới.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang). Ảnh: Quốc hội

“Dự thảo bổ sung quy định ‘HĐND cấp tỉnh được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của luật phí và lệ phí đã quy định’ là rất cần thiết, để các địa phương được chủ động, linh hoạt trong thực hiện chính sách phí, lệ phí. Đồng thời, điều này tạo điều kiện cho địa phương có công cụ tăng cường chức năng quản lý nhà nước tại địa bàn, thêm nguồn thu ngân sách” - đại biểu Hà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu Bắc Giang kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật phí và lệ phí; thẩm quyền quy định về mức thu đối với các khoản phí, lệ phí mới do địa phương ban hành… để bảo đảm chặt chẽ, tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Cần tập trung vốn cho dự án lớn quốc gia

Đồng tình với dự thảo luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết việc điều chỉnh tăng dư nợ vay của ngân sách địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển trong tình hình mới hiện nay là cần thiết.

“Để thực hiện chủ trương hợp nhất, sáp nhập địa phương từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố thì rất cần nguồn lực kết nối nội thành, kết nối vùng, kết nối các địa phương. Nguồn lực đầu tư sẽ rất lớn” - ông Ngân phân tích.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị xem xét thêm đối với các đô thị lớn - như Hà Nội và TPHCM - đang có nhiều dự án lớn, đặc biệt là đường sắt đô thị, thì cần nới rộng hơn mức trần nợ công.

Đại biểu Trần Văn Lâm. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Văn Lâm. Ảnh: Quốc hội

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) lại cho rằng hiện nhiều địa phương đã có cơ chế đặc thù cho tăng dư nợ vay ngân sách để đầu tư vào các dự án trọng điểm. Bởi vậy, việc nâng tổng thể trần nợ vay của tất cả các địa phương có thể làm phân tán nguồn lực quốc gia vào nhiều dự án nhỏ, không tập trung được nguồn lực cho các công trình dự án lớn quốc gia trong thời gian tới.

Theo ông Lâm, trong giai đoạn hiện nay cần ưu tiên đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng trước hết cần ưu tiên cho các dự án đang triển khai, có khả năng hấp thu vốn.

Đột phá phân cấp, phân quyền quản lý ngân sách nhà nước

Phát biểu tiếp thu, làm rõ một số ý kiến đại biểu liên quan đến phân cấp nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và địa phương, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và báo cáo Quốc hội theo hướng ổn định, lâu dài cho giai đoạn 2026-2030.

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

“Riêng khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sẽ được điều chỉnh theo Luật Đất đai và Luật Ngân sách, có thể xóa bỏ hoàn toàn việc Trung ương điều tiết vào năm 2030” - ông Thắng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng làm rõ về việc nâng trần nợ vay cho các địa phương. Ông cho biết việc này nhằm tạo điều kiện cho các địa phương có thêm nguồn lực đầu tư phát triển, đặc biệt là các địa phương còn khó khăn. Tuy nhiên, việc nâng trần nợ vay phải đi đôi với cơ chế kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công, tránh trường hợp sử dụng không hiệu quả dẫn đến gánh nặng cho ngân sách.

Ngoài ra, ông Thắng thông tin, để đảm bảo tính chủ động linh hoạt trong điều hành ngân sách Nhà nước, dự thảo luật ngân sách nhà nước lần này cũng quy định thẩm quyền cho Chính phủ điều chỉnh dự toán thu chi giữa các bộ, cơ quan trung ương và một số địa phương mà không làm tăng tổng mức vay của chi ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội quyết định.

“Đây là vấn đề phát sinh từ thực tiễn, để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt và kịp thời trong quản lý cũng như điều hành ngân sách, cắt giảm thủ tục chính. Và đặc biệt, việc này nâng cao chất lượng và trách nhiệm của các cấp, ngành cũng như địa phương trong kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm, phòng chống tham nhũng và tiêu cực lãng phí” - ông Thắng khẳng định.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/du-kien-hdnd-tinh-duoc-ban-hanh-mot-so-khoan-thu-phi-le-phi-ngoai-danh-muc-2404929.html