Dự kiến khởi công 5 dự án đường bộ lớn cuối năm 2023
Bộ GTVT dự kiến khởi công 4 dự án trên tuyến đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 164 km cùng cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh với Sóc Trăng.
Trong đó, 5 dự án sẽ phấn đấu khởi công vào cuối năm 2023, gồm: đường Hồ Chí Minh các đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (28,5km); Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (55km); Chơn Thành - Đức Hòa (gần 73km); Cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (hơn 11km); Cầu Đại Ngãi.
Dự án cầu Đại Ngãi (Trà Vinh - Sóc Trăng) cũng đang được hoàn thiện thủ tục để khởi công cuối năm nay. Công trình dài 15,1 km, gồm 5 nút giao, 7 cầu, trong đó 5 cầu kết cấu nhịp đơn giản và 2 cầu lớn vượt sông Hậu dài khoảng 3,5 km là Đại Ngãi 1 (cầu dây văng), Đại Ngãi 2 (cầu đúc hẫng cân bằng).
Giai đoạn một, cầu chính có 4 làn xe, rộng hơn 17,5 m, vận tốc 80 km/h, tổng vốn đầu tư hơn 8.010 tỷ đồng từ ngân sách. Giai đoạn hai, đường dẫn hai bên cầu sẽ được nâng lên 4 làn.Về đường bộ, phía Nam có dự án Chơn Thành – Đức Hòa dài 73 km, điểm đầu tại xã Trừ Văn Thô, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương (giáp huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), điểm cuối giao với tuyến quốc lộ N2, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.290 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Dự án khác là Rạch Sỏi – Bến Nhất và Gò Quao – Vĩnh Thuận dài gần 52 km, đã được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026. Trong đó đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất dài hơn 11 km, điểm đầu tại huyện Châu Thành, điểm cuối tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận dài hơn 40 km, điểm đầu tại huyện Gò Quao, điểm cuối tại huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Dự án thứ ba trên đường Hồ Chí Minh thuộc miền Trung là đoạn Hòa Liên- Túy Loan dài hơn 11 km, điểm đầu tại nút giao Hòa Liên (huyện Hòa Vang), điểm cuối tại nút giao Túy Loan, Tp.Đà Nẵng. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.110 tỷ đồng.Từ nay đến cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công dự án ở phía Bắc là Chợ Chu – Ngã Ba Trung Sơn dài 28 km, điểm đầu tại huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên, điểm cuối tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Công trình có tổng mức đầu tư 1.665 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, dự kiến hoàn thành năm 2025. Bốn dự án trên nằm trên đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) dài 2.744 km, tối thiểu 2 làn xe, được xây dựng từ năm 2000. Theo nghị quyết của Quốc hội, tuyến đường phải hoàn thành năm 2020, song đến nay mới xong 2.465 km, đạt 89,8% và khoảng 258 km tuyến nhánh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, năm nay Bộ cần giải ngân hơn 94.000 tỷ đồng, bằng cả nhiệm kỳ trước cộng lại. Nửa đầu năm, Bộ đã hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công đạt 37%. Ông Thắng yêu cầu các ban quản lý dự án quyết liệt, "tranh thủ từng giây, từng phút" để giải ngân; đẩy mạnh đi hiện trường và làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu và có chế tài xử lý chủ đầu tư/ban quản lý dự án giải ngân không đạt yêu cầu.
Nửa cuối năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu đưa vào khai thác 19 dự án, trong đó có các đoạn cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. 6 tháng qua, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành một số dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm; hoàn thành nâng cấp các công trình đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh; gia cố các hầm, kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang; dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ (Nam Định). Đây là tín hiệu tốt về ‘đầu tư công’ năm nay, là tiền đề để phát triển hạ tầng cả nước, thúc đẩy kinh tế vượt khó trong thời gian sắp tới.