Dự kiến nhiều thay đổi trong tự chủ đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sửa đổi nhiều quy định liên quan tới tự chủ đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Dự thảo Nghị định mới điều chỉnh, bổ sung liên quan đến 8 điều và thay thế một số cụm từ của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.
Một số nội dung chính được sửa đổi, bổ sung như sau: Trước tiên sửa đổi, bổ sung quy định “cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng”.
Bên cạnh đó, hiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định thành viên ngoài trường đại học chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của Hội đồng trường, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý trực tiếp.
Do đó, để bảo đảm phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, tiếp thu ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục đại học, dự thảo Nghị định quy định số lượng người đại diện cơ quan quản lý trực tiếp cử không quá 50% tổng số thành viên ngoài trường đại học.
Ngoài ra, với quy định phải triệu tập trên 50% tổng số viên chức, người lao động của trường đại học để tham dự hội nghị đại biểu bầu và bầu thay thế một thành viên Hội đồng trường gặp nhiều khó khăn, tốn kém đang tồn tại, dự thảo nghị định mới quy định “nếu sử dụng hội nghị đại biểu thì cơ cấu, số lượng thành phần đại biểu được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học nhưng tối thiểu phải chiếm trên 20% so với tổng số viên chức, người lao động của trường đại học và bảo đảm tỷ lệ đại biểu tại các đơn vị thuộc, trực thuộc phải tương đương”.
Đồng thời dự thảo Nghị định đã cấu trúc lại các nội dung tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP về việc bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, miễn nhiệm thành viên khác của Hội đồng trường. Theo đó, làm rõ trường hợp thực hiện bãi nhiệm, trường hợp miễn nhiệm bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể thủ tục thay thế thành viên Hội đồng trường, đặc biệt đối với thành viên là đại diện cơ quan quản lý trực tiếp khi đã thôi việc, chuyển công tác thì cơ quan quản lý trực tiếp có thể thay thế ngay, mà không cần có văn bản đề nghị của Hội đồng trường như hiện nay.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Nghị định mới cũng quy định cụ thể về điều kiện thành lập trường, các trường đại học liên kết thành đại học, điều kiện hoạt động cũng như trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học; về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình.
Ngoài ra, dự thảo quy định, cơ sở giáo dục phải công khai toàn bộ nguồn thu, chi và cơ cấu các khoản thu, chi; cơ cấu chi từ nguồn học phí; chi phí đào tạo, chi và cơ cấu các khoản thu, chi; cơ cấu chi từ nguồn học phí;
Chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu khác của người học cho từng năm học và dự kiến cả khóa học; chế độ, chính sách miễn, giảm học phí, học bổng…
Mặt khác, để bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, dự thảo Nghị định đã cấu trúc lại các nội dung tại Nghị định 99 về việc bãi nhiệm, miễn nhiệm về việc bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường.
Theo đó, làm rõ trường hợp thực hiện bãi nhiệm, trường hợp miễn nhiệm bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể thủ tục thay thế thành viên hội đồng trường; đặc biệt đối với thành viên là đại diện cơ quan quản lý trực tiếp khi đã thôi việc, chuyển công tác…, cơ quan quản lý trực tiếp có thể thay thế ngay mà không cần có văn bản đề nghị của hội đồng trường như hiện nay.
Dự thảo dự kiến bổ sung các quy định cụ thể về thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc đại học của trường đại học được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển thành đại học.
Trước đó, nhấn mạnh một số vấn đề trọng yếu về tự chủ đại học trong giai đoạn mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhắc đến bản chất của tự chủ đại học và khẳng định, “giao quyền tự chủ là cách nói có phần chưa được chính xác”.
Bản chất là thực hiện công nhận, thừa nhận, khẳng định quyền tự chủ của cơ sở giáo dục. Bởi quyền tự chủ như một thuộc tính của giáo dục đại học, như một tất yếu cần có và phải có trong sự phát triển giáo dục bậc cao của cả thế giới.
Quyền lực ấy tự thân đại học, lấy quyền lực của chuyên môn, tiếng nói của khoa học, của học thuật làm linh hồn quyền tự chủ của đại học.
Với bản chất đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tới ba giá trị tốt đẹp, đáng trân quý do tự chủ đại học đem lại trong thời gian qua.
Thứ nhất, làm cho các trường đại học trở thành một thực thể trưởng thành, bước vào giai đoạn của sự trưởng thành, tự kiểm soát hành vi, tự chịu trách nhiệm và mở đường cho sự kỳ diệu khác của sáng tạo, trí tuệ.
Thứ hai, giải phóng những năng lực, khả năng, tiềm năng từ nội tại trường đại học. Có thể gọi đó là sự khai phóng từ bên trong và điều này mang giá trị rất to lớn cho xã hội.
Thứ ba, thay đổi được chất lượng của đội ngũ, đem lại sức cạnh tranh rất lớn và cải thiện đáng kể môi trường học thuật, bầu không khí đối thoại, tự do, dân chủ trong học thuật - môi trường trong lành nuôi dưỡng sự sáng tạo.
“Do đó, chặng đường phía trước cần kiên quyết phải khai thông vướng mắc, loại bỏ rào cản, giải phóng tối đa các khả năng, năng lực của một trường đại học”, Bộ trưởng nói.
Đối với khó khăn vướng mắc, Bộ trưởng cho rằng, có hai nhóm chính, là nhóm giải quyết những vấn đề bên trong nội bộ của một thực thể tự chủ và nhóm giải quyết câu chuyện bên ngoài của thực thể tự chủ đó.
Về hội đồng trường, Bộ trưởng lưu ý, thực thi quản trị đại học, hội đồng chỉ là một khâu còn quyền lực là của cả đơn vị, nếu phó thác quyền chỉ cho một hội đồng là một sai lầm.
Thời gian trước, quyền do bộ chủ quản áp dụng theo hình thức mệnh lệnh hành chính thì bây giờ quyền kiểm soát một đại học, trường đại học phải bằng mọi cách theo chiều ngược lại.
Chúng ta phải kiến tạo và xây dựng quyền kiểm soát và dẫn dắt một trường đại học từ dưới lên, phải từ nhu cầu của học thuật, phải từ tiếng nói quyền uy của các nhà khoa học để ngược trở lên kiến tạo “luật chơi” riêng của từng trường, để quyết định chiến lược, hướng đi của đơn vị ấy.
“Khi nào tiếng nói chuyên môn trở thành tiếng nói quyền uy có sức mạnh nhất thì khi đó tự chủ đại học mới đi vào đúng chiều sâu, bản chất nhất chứ không phải là sự loay hoay giao nhau các quyền hành chính”, Bộ trưởng khẳng định.
Đề cập đến quản lý nhà nước thời kỳ tự chủ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ sẽ rà soát các văn bản, quy định để tháo gỡ khó khăn, kiến nghị tới các cơ quan khác để cùng thấu hiểu, giải quyết; đồng thời ban hành sổ tay tự chủ đại học tới các cơ sở giáo dục cùng tập huấn, tăng cường phổ biến pháp luật trong tự chủ đại học.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-kien-nhieu-thay-doi-trong-tu-chu-dai-hoc-d187451.html