Du lịch bứt phá sau đại dịch
6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đón khoảng 8,86 triệu lượt du khách, tăng 61% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 16.660 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Để có được sự bứt phá về du lịch sau đại dịch Covid-19, thời gian qua Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ đầu tư cơ sở, hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đến quảng bá, xúc tiến du lịch, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đón 15 triệu lượt du khách trong năm 2023.
Điển hình, tỉnh đã đưa tuyến cao tốc dài gần 200km chạy dọc tỉnh với những cung đường có cảnh quan thiên nhiên xung quanh đặc sắc, ấn tượng; giúp du khách chỉ mất khoảng 1,5 giờ đồng hồ di chuyển từ TP Hạ Long đến Móng Cái, 3 giờ đồng hồ từ Hà Nội đến Móng Cái, thay vì thời gian gấp đôi như trước đây.
Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn khai thác thương mại với các đường bay nội địa, gần đây nhất là mở đường bay thẳng Quảng Ninh - Cần Thơ; đồng thời, thường xuyên đón các chuyến bay charter (chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách của hãng lữ hành) từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Quảng Ninh cũng vừa đưa vào sử dụng Bến cảng Cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn), được thiết kế theo chủ đề không gian xanh - cửa ngõ mới, để khai thác hiệu quả lợi thế du lịch biển đảo của Vịnh Bái Tử Long và các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô... Cùng với hệ thống Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu - cửa ngõ đưa khách đến với Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã góp phần đa dạng hạ tầng và sản phẩm du lịch Quảng Ninh dành cho du khách.
Trong năm 2023 tỉnh đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào khai thác. Tiêu biểu, “Phố đêm du thuyền”, sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm trên Vịnh Hạ Long; nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long; tham quan hồ Hải Thịnh; xây dựng điểm check in Vịnh Hạ Long gắn với biểu tượng Di sản tại cầu vọng cảnh hang Đầu Gỗ; khám phá Khu trưng bày, giới thiệu giá trị địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long tại hang Đầu Gỗ...
Cùng với đó là các hoạt động mới mẻ như Liên hoan các nhóm nhảy, Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, Lễ hội thả diều, Liên hoan âm nhạc đường phố, biểu diễn dân vũ, Hội chợ OCOP hè 2023...
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động làm mới các sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết trong xây dựng các sản phẩm độc đáo, với mức chi tiêu cao. Theo Giám đốc Sở Du lịch Phạm Ngọc Thủy, năm 2023 ngành du lịch tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu, phục hồi mạnh mẽ hoạt động du lịch nội tỉnh, nội địa; nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của các địa phương, doanh nghiệp với phương châm “Du lịch nội tỉnh, nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững”. Cùng với đó, tổ chức thực hiện một số đề án, phương án trọng tâm: Đề án Phục hồi ngành du lịch Quảng Ninh năm 2025, định hướng 2030; thúc đẩy tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2023 trong lĩnh vực du lịch; Phương án thúc đẩy hoạt động du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Đề án tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô.
Tỉnh chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với ngành, lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cáo cấp đặc sắc; khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền Đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh...
Với sự đầu tư bài bản, quyết tâm cao, ngành du lịch Quảng Ninh đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, bứt phá; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh sau đại dịch Covid-19.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/20/146320/du-lich-but-pha-sau-dai-dich