Du lịch Cao Bằng đón đầu những cơ hội mới
Bước vào năm 2025, du lịch Cao Bằng đón đầu những cơ hội mới, tạo đà đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Điểm đến du lịch xanh hấp dẫn…
Năm 2024, Cao Bằng được báo chí quốc tế bình chọn trong top điểm đến du lịch hấp dẫn của Đông Nam Á với nhiều cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, tươi đẹp - du lịch xanh và trải nghiệm văn hóa bản địa. Thúc đẩy thế mạnh du lịch xanh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng tích cực tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành vận động các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân tại điểm đến nổi tiếng của Cao Bằng tích cực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; thực hiện các khuyến nghị của UNESCO về bảo vệ và phát huy các giá trị di sản CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng - Đồng chí Nông Thị Tuyến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.
Hưởng ứng du lịch xanh, ông Vũ Khắc Thành, chủ homestay Mế, xóm Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) cho biết: Sở dĩ homestay của tôi được du khách lựa chọn bởi thiên nhiên tươi đẹp dưới chân núi, phía trước là dòng suối. Để tăng thêm vẻ đẹp cảnh quan của homestay, tôi đầu tư trồng thêm nhiều hoa, cây cảnh nên từ sân, vườn, bờ suối… mùa nào cũng có hoa nở tạo cảnh đẹp vừa để khách checkin trải nghiệm, thư giãn, vừa bảo vệ thiên nhiên.
Tại 3 Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng), rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 (Thạch An), các homestay, khách sạn, nhà hàng, các điểm du lịch trọng điểm thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi (Trùng Khánh), đồi cỏ Ba Quáng (Hạ Lang), Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình), đèo Khau Cốc Chà (Bảo Lạc)…, các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân địa phương tích cực bảo vệ thiên nhiên môi trường, thu gom rác thải, trồng nhiều hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tôn thêm vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên từng điểm đến… Qua đó tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho khách sử dụng xe điện, xe đạp, cưỡi ngựa trải nghiệm, ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp tại điểm du lịch, làm hài lòng du khách.
Chị Angaz, du khách quốc tịch Ba Lan hào hứng cho biết: Trước khi đến Cao Bằng, tôi vào mạng xã hội xem thấy Cao Bằng có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp, văn hóa bản địa đặc sắc. Khi đến Cao Bằng trải nghiệm tôi choáng ngợp hơn bởi Mắt Thần núi, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó… là cảnh đẹp hoang sơ và hùng vĩ, con người thân thiện, tích cực bảo vệ môi trường. Ẩm thực chế biến từ thực phẩm bản địa, thuần tự thiên tốt cho sức khỏe nên tôi rất yêu Cao Bằng.
… hướng tới phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu
Phát triển du lịch xanh là cơ sở để Cao Bằng thúc đẩy du lịch bền vững, chủ động thích ứng và chống biến đổi khí hậu toàn cầu được lan tỏa rộng khắp đến với bạn bè quốc tế. Tại thời điểm diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ 8 mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Cao Bằng (APGN-8) tháng 9/2024, miền Bắc trong đó có Cao Bằng bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3. Cao Bằng báo cáo với hơn 600 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị APGN-8 về nỗ lực qua hơn 6 năm (2018 - 2024) thực hiện hiệu quả các khuyến nghị UNESCO về bảo vệ tài nguyên môi trường, giá trị di sản CVĐC nên vẫn giữ nguyên trạng vẻ đẹp hoang sơ của di sản địa chất, đa dạng sinh học làm cơ sở phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch xanh, tạo sinh kế cho hàng nghìn đồng bào dân tộc thiểu số, giảm áp lực phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Từ hiệu quả thực hiện khuyến nghị của UNESCO, Cao Bằng được Hội đồng Mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO (GNN) và Bộ Ngoại giao Việt Nam đánh giá cao tại Hội nghị APGN-8, các đại biểu quốc tế đã chọn Cao Bằng làm mô hình mẫu CVĐC phát triển du lịch xanh gắn thích ứng và chống biến đổi khí hậu để xây dựng “Tuyên bố Cao Bằng” với 8 nội dung. Trong đó, chống biến đổi khí hậu và tăng cường vai trò, quyền của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ các giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất để phát triển du lịch xanh bền vững, cùng bảo vệ trái đất được đưa lên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để khuyến nghị CVĐC các quốc gia tham gia thực hiện. “Tuyên bố Cao Bằng” được tất cả đại biểu trong nước và quốc tế đồng tình hưởng ứng có sức lan tỏa rộng rãi quảng bá hình ảnh Cao Bằng phát triển du lịch xanh, kết nối CVĐC các quốc gia trên thế giới về du lịch, hợp tác, kết nghĩa, đầu tư - Ông Guy Martini, Tổng thư ký Hội đồng GNN nhận định.
Hưởng ứng phát triển du lịch xanh gắn với chống biến đổi khí hậu, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Đào Nguyên Phong cho biết: Nguyên Bình nằm trong tuyến du lịch trải nghiệm “Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” của CVĐC Non nước Cao Bằng bị thiệt hại nặng nề do hoàn lưu sau bão số 3 (tháng 9/2024). Vì vậy, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường để tái thiết, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, những cảnh đẹp Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén; rừng trúc, điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, dân tộc Dao Tiền, xã Quang Thành; Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu du lịch sinh thái Kolia và hơn 10 điểm ngắm cảnh núi non hùng vĩ di sản CVĐC trên địa bàn huyện vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ để thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch ngay sau bão số 3.
Với tiềm năng, thế mạnh có 6.690,72 km2 diện tích tự nhiên, trong đó tỷ lệ che phủ rừng tăng 55 - 60% đã giảm thiểu thiệt hại thiên tai trong nhiều năm qua (chưa có trận bão lũ lớn nào, chỉ có cơn bão số 3 gây thiệt hại lớn nhất) vẫn còn nguyên trạng 90% là núi non hùng vĩ và môi trường hệ sinh thái tự nhiên, nhiều thắng cảnh đẹp nổi tiếng, cảnh quan địa mạo vỏ trái đất 500 triệu năm. Ngay sau cơn bão số 3 được khắc phục, Cao Bằng tích cực xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch xanh Non nước Cao Bằng với các sản phẩm hấp dẫn riêng có du lịch thắng cảnh thiên nhiên, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch nông nghiệp, lịch sử về nguồn, du lịch ẩm thực, du lịch biên giới và du lịch CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng… thu hút hơn 1,6 triệu khách du lịch trong nước và quốc tế, doanh thu trên 1.500 tỷ đồng năm 2024.
Chủ động thúc đẩy phát triển du lịch xanh bền vững đã thu hút lượng khách du lịch đến với Cao Bằng ngày càng tăng. Đây là cơ hội để Cao Bằng thu hút thêm nhiều khách du lịch khi tuyến đường bộ cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn hoàn thành sẽ kết nối du lịch Cao Bằng gần hơn với các tỉnh, thành phố phía Bắc và cả nước.
Người dân hài lòng phát triển du lịch xanh gắn với nông, lâm nghiệp và tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Qua đó, nâng cao chất lượng môi trường sống, tạo ra sự đa dạng sản phẩm du lịch xanh gắn với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, có trên 100 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Định hướng của tỉnh về phát triển du lịch xanh đã tạo sinh kế cho hàng nghìn đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm tại chỗ. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đổi mới, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, du lịch trải nghiệm nông nghiệp gắn với văn hóa bản địa…
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/du-lich-cao-bang-don-dau-nhung-co-hoi-moi-3174576.html