Du lịch 'chữa lành' ở Đặc khu Phú Quý
Không còn là điểm đến đơn thuần trên bản đồ du lịch, Đặc khu Phú Quý (Lâm Đồng) đang trở thành nơi để dừng lại, sống chậm và 'chữa lành'. Giữa thiên nhiên hoang sơ và nhịp sống nhẹ nhàng, du khách tìm thấy sự bình yên, người trẻ tìm thấy cơ hội khẳng định mình, còn cả cộng đồng thì cùng nhau chung tay gìn giữ vẻ đẹp nguyên bản của vùng đất này.

Du khách đến với Phú Quý để được “chữa lành”
Nơi “chữa lành”
Mỗi năm, Phú Quý thu hút hàng chục ngàn lượt du khách, đặc biệt là giới trẻ, những người đang tìm kiếm một không gian để thoát khỏi áp lực thành thị và “sạc lại” tinh thần. Chị Nguyễn Ngọc Ân (phường Phú Thủy) là một trong số đó. Sau kỳ nghỉ ngắn cùng bạn bè tại Phú Quý, Ân chia sẻ: “Dù đến bao nhiêu lần, nơi đây vẫn khiến mình thương nhớ. Nhịp sống ở Phú Quý chậm rãi, người dân thân thiện và dễ mến. Cảm giác như mình được trở về nhà vậy”.
Công việc văn phòng căng thẳng khiến Ân luôn khao khát được trốn đi đâu đó để hồi phục năng lượng. Và mỗi lần như vậy, Phú Quý luôn là lựa chọn đầu tiên. Không cần những dịch vụ du lịch cầu kỳ, chính thiên nhiên hoang sơ, tĩnh lặng cùng sự chân thành của con người nơi đây đã làm nên sức hút rất riêng.
Tương tự, Nguyễn Hoàng Sơn, một du khách từ TP Hồ Chí Minh cũng quyết định dành trọn một tuần ở Phú Quý. “Nơi đây không quá ồn ào, không xô bồ. Mọi thứ đều rất tự nhiên, chân thật. Mình thích rong ruổi trên các cung đường, tìm những góc chụp ảnh lạ hoặc tham gia các hoạt động như đạp xe, leo núi, lặn ngắm san hô”, anh Sơn chia sẻ. Cũng theo anh Sơn, sau chuyến đi, anh nhận thấy mình “nhẹ nhõm hơn bao giờ hết”, một chuyến du lịch đúng nghĩa để chữa lành.

Du khách “chữa lành” cho Phú Quý qua hoạt động bảo vệ môi trường
… “Chữa lành” cho đảo ngọc
Phú Quý không chỉ là nơi để nhận lại năng lượng, mà còn là nơi để mỗi người góp phần trả lại những điều đẹp đẽ cho thiên nhiên. Thời gian qua, hình ảnh các bạn trẻ, du khách, hướng dẫn viên và người dân địa phương cùng nhau thu gom rác thải tại các bãi biển của Phú Quý đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Tạ Thị Thùy (sinh năm 2000, ở Thái Nguyên) là người khởi xướng hoạt động ý nghĩa này. Ban đầu Thùy chỉ định du lịch vài ngày, nhưng khi đặt chân đến Phú Quý và thấy lượng rác thải dọc bờ biển, cô gái nhỏ nhắn này quyết định hành động. “Mình đăng bài kêu gọi trên mạng xã hội, thì hôm sau đã có rất nhiều người tham gia. Lúc đầu tưởng chỉ có vài bạn, nhưng không ngờ lại nhận được sự hưởng ứng từ học sinh, du khách, người dân bản địa” - Thùy kể. Các địa điểm như Bờ kè Lăng Cô, Dốc Phượt, Bãi Nhỏ, Bãi Phủ… dần được làm sạch nhờ chiến dịch này. Dù được mọi người đề nghị hỗ trợ tiền bạc, nhóm của Thùy chỉ nhận nước đá và nước lọc, để tránh sử dụng thêm chai nhựa.
Nhiều du khách khác, như anh Cao Xuân Mạnh (TP Hồ Chí Minh), cũng tình nguyện tham gia: “Mình từng đi nhiều nơi nhưng thấy hoạt động như thế này có rất nhiều ý nghĩa. Đây không chỉ là nhặt rác, mà là lan tỏa tinh thần trách nhiệm với môi trường”.
UBND Đặc khu Phú Quý cũng phát động phong trào Chống rác thải nhựa, du khách không mang rác thải nhựa lên đảo. “Phú Quý rất xinh đẹp và kỳ thú đã thôi thúc chúng tôi phải đặt chân để chiêm ngưỡng và khám phá những cảnh quan tuyệt đẹp của vùng đất này mà thiên nhiên đã ban tặng. Nhằm góp phần nhỏ bé của mình vào chương trình bảo vệ môi trường chung của Đặc khu, chúng tôi hoàn toàn hưởng ứng, đồng thời quyết tâm thực hiện tốt chương trình “không mang rác thải nhựa lên Đặc khu” - anh Bình, một du khách đến tham quan đảo cho biết.

Nhiều công ty du lịch tại Đặc khu cũng được hình thành từ những người trẻ ở địa phương
Khẳng định sức trẻ của Đặc khu
Phú Quý hiện không chỉ là điểm đến mà còn là nơi lớp trẻ địa phương xây dựng hình ảnh du lịch hiện đại, thân thiện và chuyên nghiệp. Một nhóm bạn trẻ là hướng dẫn viên bản địa thuộc nhóm Hòn Tranh Tour vừa đưa đoàn khách hơn 20 người từ TP Hồ Chí Minh đến tham quan Bãi Cạn (còn gọi là Rạn Cạn hoặc khu Lồng Bè) là một bãi san hô có diện tích khoảng 1 km2, nằm ở phía Đông của Đặc khu Phú Quý. Tại điểm đến, những hướng dẫn viên du lịch bản địa đã rất tận tình trong việc hướng dẫn du khách cách chèo Sup, cách lặn ngắm san hô và hỗ trợ du khách những thước phim, bức ảnh đẹp… Sự nhiệt tình của các bạn làm du khách rất vui và hài lòng. Bạn Nguyễn Duy Niên là một trong những thành viên của nhóm cho biết: Thường thì nhóm của em có khoảng từ 4 -5 thành viên phục vụ du khách, nhưng vào những ngày cuối tuần hoặc vào dịp lễ khi lượng khách đông thì sẽ tăng thêm các bạn hỗ trợ. “Chúng em mỗi người một công việc, bạn thì thuyết trình điểm đến, bạn thì hướng dẫn du khách cách chèo Sup, cách lặn ngắm san hô. Ngoài ra chúng em cũng học hỏi, đầu tư cách chụp hình, quay phim để phục vụ du khách…”, Niên chia sẻ.
Cũng là một trong những người trẻ có cách tiếp cận làm du lịch hiện đại và năng động, Đồng Duy Khang đã xây dựng nên những homestay giá rẻ để cho du khách trải nghiệm. Bằng hình thức truyền thông, fanpage “Homestay Phú Quý” của Đồng Duy Khang đã có rất đông người theo dõi và Khang cũng đã thường xuyên cập nhật những thông tin hữu ích như điểm check-in mới, lịch tàu chạy ra đảo, hay dự báo thời tiết trên đảo. Ngoài ra, Khang cũng như bao bạn trẻ trên đảo có thể làm rất tốt công việc hướng dẫn viên nếu khách du lịch cần và có thể đưa họ đến tất cả những địa điểm “check-in” không thể bỏ qua như vịnh Triều Dương, Bãi Nhỏ - Gành Hang, chùa Linh Sơn, ngọn hải đăng, khu điện gió, hay cả Dốc Phượt - con dốc trên cung đường tuyệt đẹp.
Chị Nguyễn Thị Thơm - Bí thư Đoàn Đặc khu Phú Quý cho biết: Du lịch phát triển mở ra cơ hội mới, theo nhiều bạn trẻ địa phương đã bắt đầu thay đổi ngành nghề, lĩnh vực mới. Đa phần các bạn là những chàng thanh niên bám biển hoặc những sinh viên mới ra trường cũng muốn tìm cơ hội việc làm mới. “Các bạn có sức khỏe, có sự sáng tạo, có sự đoàn kết, sự nhiệt tình. Nhưng vẫn còn một số bạn khá lúng túng khi bước vào con đường làm du lịch vì chưa từng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về lĩnh vực du lịch. Vì vậy, Đoàn Đặc khu cũng đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn, các hoạt động để các bạn học tập, nâng cao trình độ, hoàn thành các bằng cấp cũng như hoàn thành các cơ sở pháp lý để kinh doanh đúng pháp luật, đủ điều kiện để phục vụ tốt du khách” - chị Thơm chia sẻ.
Cũng theo chị Thơm, hiện nay đã có nhiều bạn trẻ nắm bắt xu thế và có sự định hướng của tổ chức Đoàn Thanh niên nên đã thành lập các công ty chuyên về du lịch. Đặc biệt, các bạn rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ san hô và công tác an sinh xã hội của địa phương...
Phú Quý không phải nơi quá ồn ào, cũng chẳng phải vùng đất dễ tiếp cận. Nhưng có lẽ chính vì thế mà nơi đây càng được yêu mến. Người ta đến để tìm lại mình, để làm điều gì đó cho nơi từng “chữa lành” chính họ. Ở Đặc khu Phú Quý, mỗi dấu chân của du khách không chỉ là kỷ niệm, mà còn là lời cam kết với thiên nhiên, với cộng đồng: Rằng du lịch không chỉ để tận hưởng mà còn để đóng góp, gìn giữ và lan tỏa những điều đẹp đẽ.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/du-lich-chua-lanh-o-dac-khu-phu-quy-382203.html