Du lịch Đà Nẵng sẽ phát triển nhiều hơn nữa nếu có cơ chế 'cởi trói'

Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, ngày 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng đã trở thành điểm đến du lịch của cả nước và thế giới

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. HCM) cho rằng, Đà Nẵng nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, giáp Biển Đông với đường bờ biển dài, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam, là cửa ngõ giao thông.

Theo đại biểu, TP Đà Nẵng là đô thị hạt nhân, là một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Qua hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 119, Đà Nẵng đã vươn mình mạnh mẽ với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ cao.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. HCM)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. HCM)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, kinh tế Đà Nẵng tăng tốc với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 9 năm qua. TP Đà Nẵng có nhiều điểm sáng về du lịch, trở thành điểm đến du lịch của cả nước và thế giới, khách du lịch tăng gấp nhiều lần sau đại dịch, với những nơi đáng đến như Sun World Bà Nà Hills...

"Năm 2023 thu hút nhiều khách quốc tế với hàng nghìn đoàn đến Đà Nẵng, hàng triệu khách nội địa đến đây”, nêu câu chuyện này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Đà Nẵng sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa nếu chúng ta có cơ chế “cởi trói”.

Theo đại biểu, trước mắt cần tập trung xây dựng cơ chế huy động nguồn lực xây dựng thí điểm Khu Thương mại tự do, Trung tâm Tài chính quốc tế, phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, Trung tâm công nghệ cao của cả nước….

Đồng tình với việc cần phải sớm thông qua nghị quyết sửa đổi bổ sung nghị quyết 119, đại biểu cho biết, quan phân tích dự thảo nghị quyết ông thấy có 30 chính sách, gồm 9 chính sách về chính quyền đô thị và 21 chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có 5 chính sách mới.

“Theo quan điểm của tôi, phải tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để phát huy tính năng động, sáng tạo. Nhưng trong 30 cơ chế, chính sách đặc thù, Đà Nẵng nên có sự lựa chọn trong quá trình triển khai, nếu triển khai đồng bộ sợ không đủ lực.

Chúng ta mong muốn thu hút nhiều nguồn vốn nhưng không phải lúc nào cũng có. Ta mong muốn triển khai thu hồi đất và cơ chế ưu đãi nhưng các quy định cũng phải có thời gian. Cho nên Đà Nẵng nên chọn thứ tự để có bước đi vững chắc”, đại biểu nêu quan điểm.

Cần cơ chế áp dụng thí điểm mô hình Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ sự ủng hộ thành lập cơ chế thành lập Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng. “Đây là một cơ chế rất thành công trên thế giới, đặc biệt ở những nước có ưu thế về cảng biển, như Singapore có 9 Khu thương mại tự do, Trung Quốc có 21 Khu thương mại tự do... Hơn 30 năm qua, Khu thương mại tự do phát triển rất hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển của các nước đó”.

Từ kinh nghiệm của các nước, đại biểu cho rằng, Việt Nam có bờ biển dài, đẹp với 3.260km và chúng ta đã quy hoạch có hơn 34 cảng biển quốc tế, đây là điểm rất thuận lợi nên TP Đà Nẵng đi đầu thực hiện cơ chế thí điểm này.

Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, để Khu thương mại tự do có thể phát triển, điều quan trọng nhất là hạ tầng, phải kết nối được bên trong và bên ngoài khu thương mại. Dù hàng rào chúng ta xây dựng là hàng rào cứng nhưng con người qua lại cũng rất nhiều, đòi hỏi sự giao thoa.

“Dĩ nhiên hàng hóa đi qua Khu Thương mại tự do phải chịu thuế xuất nhập khẩu nhưng phải đảm bảo sự kết nối. Thứ hai là phải phân cấp trọn gói để Đà Nẵng có thể thực hiện được, chứ ví dụ về tài nguyên hay đất, những thứ đó mà phải đi xin thì rất khó”, ông Trần Hoàng Ngân nhìn nhận.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng

Đại biểu Hà Sỹ Đồng

Cùng nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cũng bày tỏ đồng tình với các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Trong đó, ông nhấn mạnh đến việc cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo, thu hút nhà đầu tư chiến lược gắn với đào tạo, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển vi mạch bán dẫn...

Cũng theo ông Hà Sỹ Đồng, đề thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù như vậy không thể thiếu các chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, trong dự thảo nghị quyết lại chưa đề cập đến các giải pháp hoặc chính sách này và trách nhiệm thực hiện.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị đề nghị dự thảo nên bổ sung thêm 3 chính sách để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện các chính sách đặc thù của nghị quyết. Đó là cơ chế, chính sách xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cơ chế, chính sách thu hút và chính sách trọng dụng nhân tài; các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bày tỏ ủng hộ rất cao việc tạo cơ chế áp dụng thí điểm mô hình Khu thương mại tự do Đà Nẵng, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt để vừa làm vừa kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm và nhất là định lượng được các tác động của chính sách này./.

Thế Công - Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/du-lich-da-nang-se-phat-trien-nhieu-hon-nua-neu-co-co-che-coi-troi-20240607130720691.htm