Du lịch đêm: 'Không làm thì thiếu, làm thì thừa'

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết mỗi địa phương buộc phải có suy nghĩ, có cách làm sáng tạo về du lịch đêm, tạo ra sản phẩm độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao.

Mỗi địa phương phải có suy nghĩ, có cách làm sáng tạo

Ngày 21/8, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng. Ông Hòa cho rằng, phát triển du lịch đêm trên thực tế còn nghèo nàn, hoạt động nghệ thuật chủ yếu vào cuối tuần.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để kích cầu, phát triển du lịch đêm, tăng cường các hoạt động giải trí lành mạnh, giữ chân du khách qua đêm, tạo nguồn thu cho các địa phương.

 Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng.

Trả lời chất vấn của đại biểu đoàn Đồng Tháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, vấn đề này đã được ông trả lời tại kỳ họp thứ 7. Bộ VH,TT&DL đã có đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu, tính toán các dòng sản phẩm, đánh giá nhu cầu của khách du lịch để xây dựng phù hợp.

Bộ trưởng VH,TT&DL đồng tình với ý kiến của ĐBQH nêu và cho rằng, nhiều địa phương “không làm thì thiếu, làm thì thừa”. Làm ra khách hàng không đến như ĐBQH cảnh báo. Tuy nhiên, ông cho rằng đây là trách nhiệm của UBND, HĐND các tỉnh. Bộ VH,TTDL đã có các khung hướng dẫn chứ không thể làm sản phẩm du lịch riêng cho địa phương nào được.

Dẫn chứng với TPHCM, ông Hùng cho biết Bộ VH,TT&DL đã gợi ý phát triển du lịch đêm dựa trên tài nguyên sông nước, dòng sản phẩm chủ lưu là kết nối sông Sài Gòn và thương cảng. Trên cơ sở đó, TPHCM làm tuyến phố đi bộ, kết nối các sản phẩm trên dòng sông, tạo ra địa điểm cho du khách đến.

“Do đó, mỗi địa phương buộc phải có suy nghĩ, có cách làm sáng tạo, tạo ra sản phẩm độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao”, ông Hùng cho hay.

Đầu tư nâng cấp, tôn tạo Cột cờ Hà Nội

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước về di tích Cột cờ Hà Nội, Bộ trưởng VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, di tích này trong khuôn viên Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa thế giới.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn.

Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, các di tích, di sản sau khi được cấp có thẩm quyền vinh danh, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, cụ thể là chính quyền địa phương trực tiếp quản lý; di sản nằm ở đâu, Chủ tịch UBND các tỉnh phải xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ di tích, di sản.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thẩm quyền chính thuộc về UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, Cột cờ Hà Nội có yếu tố lịch sử, có sự giao thoa với Bảo tàng quân sự (Bộ Quốc phòng quản lý).

Được biết, Hà Nội đang có phương án tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tôn tạo. Theo ông Hùng, Bộ VH,TT&DL đã có công văn trả lời về ý kiến thẩm định và đề nghị Hà Nội sớm giải tỏa mặt bằng thông thoáng.

"Hy vọng với cách làm của TP. Hà Nội và sớm thống nhất với Bộ Quốc phòng, di tích này sẽ được quản lý tốt hơn. Bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc để di tích này phát huy được giá trị", ông Hùng cho hay.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-lich-dem-khong-lam-thi-thieu-lam-thi-thua-post1665633.tpo