Du lịch đêm là vấn đề 'mới và khó'

Trả lời câu hỏi của đại biểu về du lịch đêm, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án kinh tế đêm, Bộ VHTT&DL đã chọn 12 tỉnh, thành để phát triển một số sản phẩm du lịch theo mô hình các khu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí... Tuy nhiên, ông cho rằng, đây là vấn đề 'mới và khó', bởi đây là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành.

Quỹ 300 tỷ đồng “chưa phát hiện tham ô, tham nhũng”

Chiều 5/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng. Nêu chất vấn, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) nói, sau đại dịch COVID-19, đã có 300 tỷ đồng hỗ trợ phát triển du lịch, nhưng số tiền này hiện vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng, lãi định kỳ được rút ra để chi cho bộ máy hành chính quản lý quỹ. Vậy nguyên nhân chưa giải ngân được khoản tiền này và giải pháp thời gian tới ra sao?

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời, 300 tỷ đồng này không phải quỹ để hỗ trợ phát triển mà theo Luật Du lịch, đây là vốn điều lệ, được bảo tồn bằng cách gửi ngân hàng. Phần lãi suất được chi phí cho tổ chức bộ máy, còn phần xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp thông qua các hoạt động. Theo ông, đây là mô hình mới, phát triển du lịch hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập.

Đề cập đến chủ trương thu hút du lịch qua sự kiện thể thao, ĐBQH Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) viện dẫn về đường đua xe F1 “rất hoành tráng và hiện đại”. Tuy nhiên, đến nay, khu đường đua này đang bị bỏ không. ĐBQH chất vấn giải pháp khai thác đường đua này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đường đua F1 do UBND TP Hà Nội là chủ đầu tư và triển khai. Sau đó, do nhiều lý do khác nhau nên không triển khai nữa. Với tư cách là cơ quan phối hợp, tại thời điểm đó, Bộ VHTT&DL đã phối hợp để bàn giao mặt bằng, đất đai để làm đường đua xe F1. "Để biết chính thức đường đua đó có trở lại hoạt động hay không, chắc là các đồng chí Hà Nội trả lời giúp”, ông Hùng nói.

Tranh luận, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, nếu giao quỹ này giao cho Bộ VHTT&DL, rồi lại gửi tiền vào ngân hàng thì không cần ban quản lý quỹ. Theo ông, việc quản lý quỹ nên giao cho Bộ VHTT&DL (Văn phòng Bộ), với nguyên tắc không làm thất thoát tiền của Nhà nước. ĐBQH Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) cũng đề nghị bộ trưởng đánh giá rõ hơn hiệu quả hoạt động của quỹ. Nhiệm vụ của quỹ này có trùng với nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước hay không?

Theo ông Hùng, Luật Du lịch có hiệu lực từ năm 2018, còn Quỹ phát triển du lịch được hình thành từ năm 2021. Quỹ này phải có bộ máy và điều lệ hoạt động do Thủ tướng phê duyệt. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận, bộ máy vận hành, điều hành quỹ này chưa ổn, dù đã thay chủ tịch, giám đốc quỹ nhưng vẫn chưa ổn, có tiền không tiêu được. "Đến thời điểm này chưa phát hiện tham ô, tham nhũng", ông Hùng nói, đồng thời cho biết, trước mắt sẽ tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch để phát huy hiệu quả quỹ.

Du lịch đêm còn đơn điệu, chưa đặc sắc

ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) nhìn nhận, du lịch đêm là hướng đi đúng đắn, nhưng đơn điệu, chưa đặc sắc để thu hút du khách. Thậm chí, loại hình này còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Bà Hương đề nghị cho biết quan điểm của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đối với vấn đề trên và giải pháp thực hiện thời gian tới.

Ông Hùng trả lời, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án kinh tế đêm, Bộ VHTT&DL đã chọn 12 tỉnh, thành để phát triển một số sản phẩm du lịch đêm, theo mô hình các khu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí... Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, đây là vấn đề “mới và khó”, bởi đây là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành. Để giải bài toán này, theo ông Hùng, các địa phương cần có quy hoạch, xác định địa điểm phát triển kinh tế đêm; đồng thời có chính sách, chế độ cho những người tham gia và nghiên cứu phát triển thị trường.

Du lịch đêm tại TPHCM (ảnh: Tạp chí Du lịch TPHCM).

Du lịch đêm tại TPHCM (ảnh: Tạp chí Du lịch TPHCM).

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đánh giá, ngành du lịch vừa qua rất nỗ lực, tuy nhiên, lượng khách du lịch chưa như mong muốn. Bà đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết định hướng, giải pháp để giải bài toán liên kết, chia sẻ, hài hòa lợi ích. Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cũng chất vấn về giải pháp thúc đẩy hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương.

Ông Hùng nói rằng, việc các địa phương cần làm là bám sát các quy định, có quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương. Theo ông, mỗi địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm du lịch riêng và liên kết với các địa phương khác. Nhà nước sẽ định hướng về chủ trương, còn sự sáng tạo là của doanh nghiệp, người dân. Ông cũng lưu ý, các địa phương cần chú trọng thị trường nội địa với 100 triệu dân, xem du lịch nội địa là bệ đỡ.

Không bao che, dung túng bớt xén tiền thưởng

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) phản ánh, thời gian qua, dư luận xôn xao trước việc hàng loạt vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên (HLV) bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn... “Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và đảm bảo không tái diễn tình trạng trên?”, đại biểu nêu.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đây là điều nhức nhối của ngành, dù chỉ là hai sự việc cá biệt. Đó là vấn đề tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm Thể thao Hà Nội (Mỹ Đình); và tiền của đội thể dục dụng cụ, liên quan đến Trung tâm Thể thao của Hà Nội và bộ phận đội tuyển của trung tâm. Ông nói, khi phát hiện vụ việc, đã kiên quyết xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Bộ đã kỷ luật hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để xem xét điều tra, xử lý. “Chúng tôi không bao che, dung túng”, ông Hùng nhấn mạnh, đây cũng là lời cảnh tỉnh trong công tác huấn luyện.

ĐBQH Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) phản ánh thực trạng đa số vận động viên băn khoăn “sẽ làm gì sau giải nghệ”, vì thời gian thi đấu đỉnh cao tương đối ngắn. Chính vì tương lai hậu thi đấu, nhiều vận động viên bỏ đam mê thể thao. Giải pháp gì để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ? Ông Hùng khẳng định, các chính sách về đào tạo, việc làm, tiền thưởng trong thi đấu đến nay đã được áp dụng trong toàn quốc, qua đó góp phần động viên đội ngũ thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, làm sao để giải quyết được việc làm cho vận động viên sau khi thi đấu đỉnh cao thì vẫn còn nhiều khó khăn. Không phải tất cả các vận động viên đều trở về cơ quan, đều làm công tác huấn luyện. Do vậy, cũng phải thay đổi cách tiếp cận giải quyết việc làm bằng nhiều cách.

Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tác động chính sách vừa qua, sau đó đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên có thể tập trung, yên tâm thi đấu, phát triển ngành nghề.

Thành Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-lich-dem-la-van-de-moi-va-kho-post1643714.tpo