Du lịch mạo hiểm: Các kỹ năng sinh tồn cần thiết để ứng biến khi gặp nạn

Câu chuyện về kỹ năng sinh tồn, khả năng ứng biến trong các tình huống xấu bất ngờ… rõ ràng là một trong những yếu điểm của du khách Việt Nam khi tham gia trải nghiệm loại hình du lịch mạo hiểm.

“Thảm họa” lật tàu ở vịnh Hạ Long vừa qua là sự cố hi hữu đau lòng. Song đây cũng chính là lời cảnh tỉnh sâu sắc chúng ta về việc hãy trang bị đủ hiểu biết, kỹ năng để có thể bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống nguy hiểm bất ngờ xảy đến trên mỗi hành trình xê dịch, đặc biệt với du lịch mạo hiểm ở vùng sông nước, biển đảo, núi cao…

Các chuyên gia nhận định rằng không chỉ du khách quốc tế đến Việt Nam mà thời gian gần đây người Việt cũng bắt đầu dành nhiều quan tâm cho du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, đa phần với đến với loại hình này “một cách hồn nhiên chứ chưa trang bị đủ kỹ năng cần thiết.”

Những trải nghiệm đặc biệt cần nhiều kỹ năng

Hơn 20 năm gắn bó với du lịch, Nhà sáng lập DiDi Travel Bùi Trí Nhã chuyên đưa khách quốc tế trải nghiệm dải đất hình chữ S theo các cung đường mạo hiểm, “khù khoằm” nhưng giàu trải nghiệm.

Sau những năm tháng gắn bó với du lịch Việt, ông nhận định khi chất lượng cuộc sống tốt lên, mọi người bắt đầu tìm đến những giá trị cảm xúc từ hình thức du lịch mạo hiểm để được vượt qua chính mình và đôi khi để được sống chậm lại trong sự tĩnh lặng.

Nắm bắt xu hướng này, những năm gần đây lãnh đạo ngành và các sở trực thuộc địa phương xác định trong chiến lược quy hoạch vùng không gian du lịch luôn có chỗ cho du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm.

 Giới trẻ trải nghiệm những điểm đến khá mạo hiểm ở vùng núi Hà Giang. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Giới trẻ trải nghiệm những điểm đến khá mạo hiểm ở vùng núi Hà Giang. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Ngay trước thời điểm sáp nhập địa giới hành chính Hà Giang vào Tuyên Quang, khi trả lời phóng viên Báo Điện tử Vietnamplus hồi tháng 4/2025, lãnh đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang khi đó cho biết trong chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch, địa phương xác định du lịch thể thao mạo hiểm là một trong 5 dòng sản phẩm chính.

Song vì đặc thù của loại hình du lịch thể thao mạo hiểm liên quan tới tính mạng con người, cần đặt yếu tố an toàn du khách lên hàng đầu, nên địa phương sẽ xây dựng lộ trình với các nhà đồng hành chuyên nghiệp để tổ chức.

“Vị trí địa lý ở Việt Nam khá đặc biệt và đắc địa với nhiều khu vực tiếp giáp biển và lục địa. Địa chất của chúng ta cũng rất thú vị với nhiều hang động độc đáo, như ở Quảng Bình vừa có núi vừa có rừng vừa có biển, có hang động, có suối, rất thích hợp cho những trải nghiệm mạo hiểm, thể thao kết hợp nghỉ dưỡng, là các yếu tố để có hành trình ấn tượng khó quên,” ông Bùi Trí Nhã chia sẻ.

Theo vị chuyên gia này, để bắt đầu một chuyến du lịch mạo hiểm, người tham gia cần phải có rất nhiều kỹ năng như bơi, lặn, leo núi, chèo kayak, đi bộ đường trường, đu dây… tùy thuộc vào hành trình lựa chọn. Đặc biệt, bên cạnh đó đội ngũ dịch vụ đi kèm phải có chất lượng đồng bộ.

Cũng vì thế, những tour du lịch mạo hiểm ở Quảng Bình hay nhiều nơi khác nếu làm đúng tiêu chuẩn thường có giá khá đắt. Bởi hành trình sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo như đu dây, leo núi, ngủ vách núi, ngủ trong hang, bơi và chèo SUP trong hang, khám phá những vùng địa chất đặc biệt…

 Du khách trải nghiệm đu dây vách núi, ngủ vách núi. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Du khách trải nghiệm đu dây vách núi, ngủ vách núi. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Với vô số đòi hỏi như vậy, du lịch mạo hiểm không thuộc về số đông, mà dành cho những khách có nhiều kỹ năng, mong muốn giàu có trải nghiệm và vượt qua giới hạn bản thân, cuối cùng là cũng phải có điều kiện tài chính,” ông Bùi Trí Nhã nhấn mạnh.

Trở lại sự việc đau lòng ở vịnh Hạ Long vừa qua, không chỉ các chuyên gia mà cả cộng đồng đã có dịp để nhìn nhận lại câu chuyện về kỹ năng sinh tồn, khả năng ứng biến trong các tình huống xấu bất ngờ… Rõ ràng, đây là một trong những yếu điểm của người Việt, bởi hầu hết đã không được học và rèn luyện để những kỹ năng đó trở thành phản xạ có điều kiện.

Các kỹ năng sinh tồn cần biết

Từng có gần 12 năm vận hành công ty du lịch mạo hiểm ở những nơi địa hình phức tạp từ rừng núi Hà Giang, Vịnh Hạ Long đến sông nước Mekong hay các hòn đảo ngoài khơi xa, CEO Mekong Rustic, ông Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ kinh nghiệm về “những điều không ai dạy trong quy trình an toàn du lịch khi xử lý tai nạn trên biển và trên núi.”

Theo đó, ưu tiên hàng đầu khi bị rơi xuống nước là giữ ấm cơ thể. Bởi mất nhiệt là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các tai nạn thiên nhiên. Vị chuyên gia lưu ý kỹ thuật H.E.L.P (Heat Escape Lessening Posture - Tư thế giảm thoát nhiệt) khi mặc áo phao: Khép tay sát thân, co chân áp sát bụng để giảm tối đa tiết diện cơ thể tiếp xúc với nước lạnh; nếu đi theo nhóm, hãy ôm nhau thành vòng tròn để giữ nhiệt tập thể (Group Huddle); không bơi lung tung trừ khi thấy rõ điểm đến trong tầm gần vì bơi sẽ làm mất nhiệt nhanh hơn.

Trường hợp gặp nạn trên cạn (rừng, đảo lạnh), dùng lá cây, túi nilon, rêu khô lót vào ngực, cổ, bẹn để giữ nhiệt; ưu tiên che đầu và giữ chân khô, vì đầu và bàn chân mất nhiệt nhanh nhất; nếu có lửa hay tạo được lửa, có thể sấy khô quần áo từ từ, tránh để hơi nóng trực tiếp làm bỏng da lạnh.

 Khám phá hang Sơn Đoòng là một trải nghiệm cần nhiều kỹ năng khó. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khám phá hang Sơn Đoòng là một trải nghiệm cần nhiều kỹ năng khó. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khi không có sóng điện thoại, làm thế nào để phát tín hiệu cứu hộ? “Sự sống còn không chỉ dựa vào may mắn, mà phụ thuộc vào việc bạn có biết gọi cứu hộ bằng mọi cách hay không,” ông Nguyễn Ngọc Bích nhấn mạnh.

Theo đó, cách phát tín hiệu thủ công bao gồm: dùng gương hoặc bất kỳ vật phản chiếu nào (kính, đồng hồ…) để phản chiếu ánh Mặt Trời theo hướng có dấu hiệu của máy bay/người tìm kiếm; sử dụng còi cứu sinh bằng việc thổi 3 hồi liên tục - dừng - lặp lại, bởi đây là quy ước quốc tế về tín hiệu khẩn cấp); ra dấu SOS bằng tay đèn pin/ vải / đá bằng cách 3 dấu “S” tương đương chấm ngắn, ba dấu “O” là 3 chấm dài, ba dấu “S” là 3 chấm ngắn – lặp lại.

Bên cạnh đó, người gặp nạn có thể tạo đám khói bằng cách đốt lá cây xanh hoặc vật có thể cháy chậm (khói trắng dễ thấy hơn khói đen); dùng ứng dụng phát tín hiệu bằng đèn Flash nếu điện thoại vẫn còn pin.

Đặc biệt, hãy học cách “nhịn đói an toàn” trong 6-12 tiếng (hoặc hơn). Theo ông Ngọc Bích, khi mắc kẹt, thức ăn không phải là ưu tiên số một mà nước, nhiệt và bình tĩnh quan trọng hơn. Do đó, mẹo sinh tồn là không ăn nếu không có nước, bởi tiêu hóa sẽ làm mất nước, sẽ khiến bạn kiệt sức nhanh hơn.

Nhịn ăn 6-12 tiếng không gây nguy hiểm nếu bạn: Tránh hoạt động nặng, tìm nơi râm mát, hạn chế nói chuyện; dùng lá chuối, áo mưa để che nắng và giữ thân nhiệt; nếu có kẹo, muối, viên sủi, hãy chia nhỏ để dùng từng chút một với mục đích chỉ để giữ năng lượng tinh thần.

 Để bình tĩnh xử lý tình huống khi gặp nạn, cần dành thời gian để rèn luyện, thực hành biến các kỹ năng thành phản xạ thành thục.

Để bình tĩnh xử lý tình huống khi gặp nạn, cần dành thời gian để rèn luyện, thực hành biến các kỹ năng thành phản xạ thành thục.

Vậy khi nào nên di chuyển tìm cứu hộ, khi nào nên ở yên và tiết kiệm năng lượng? “Quyết định này đôi khi cứu sống bạn hoặc khiến bạn mất mạng,” ông Ngọc Bích nói.

Theo đó, khi còn đủ sức khỏe, có bản đồ rõ ràng, xác định được hướng đi và điều kiện thời tiết ổn hãy cân nhắc di chuyển để tìm cứu hộ trong khung giờ ban ngày. Trường hợp bị mất phương hướng, trời tối/mưa/lạnh hoặc đang yếu sức hãy ở yên tại chỗ, tạo chỗ trú ẩn, đánh dấu vị trí bằng vật phản quang hoặc khói.

Nếu đi theo nhóm và có người bị thương thì một người đi tìm cứu hộ, những người còn lại ở yên chăm sóc, ghi nhớ thông tin, tọa độ, đường đi để đưa cho cứu hộ. Còn đánh giá khả năng có thể mất nước/mất nhiệt nhanh nếu đi tiếp, thì không nên mạo hiểm, cần ưu tiên giữ an toàn tính mạng và chờ tín hiệu cứu hộ.

Tuy nhiên việc biết và nắm vững những kỹ năng này để phòng tránh rủi ro đáng tiếc là một chuyện, song quan trọng hơn là chúng ta phải bình tĩnh xử lý tình huống khi gặp nạn. Bởi vậy trước đó mỗi chúng ta cần dành thời gian để rèn luyện, thực hành biến các kỹ năng trở thành phản xạ thành thục./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/du-lich-mao-hiem-cac-ky-nang-sinh-ton-can-thiet-de-ung-bien-khi-gap-nan-post1051265.vnp