Hiểu như thế nào cho đúng về 'lũ 5.000 năm' tại hồ Bản Vẽ, Nghệ An?

Theo thông báo khẩn sáng 22/7 của tỉnh Nghệ an thông tin về lưu lượng nước về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543 m³/s, gần chạm mức đỉnh lũ kiểm tra 10.500 m³/s, tương đương 'lũ chu kỳ lặp lại 5.000 năm xảy ra 1 lần' (xác suất ~ 0,02%) đã tạo ra thắc mắc trong dư luận.

Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ Lương Hữu Dũng, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: "Về thông tin lũ 5.000 năm xảy ra một lần nói như vậy là chưa chuẩn. Phải hiểu đúng là trận lũ có độ lớn, tức là quy mô ứng với trận lũ có chu kỳ lặp lại trong chuyên môn không phải 5.000 năm mới xảy ra 1 lần và đây chỉ nói đến khả năng xảy ra chứ không gắn với thời gian xảy ra vì lũ xảy ra mang tính ngẫu nhiên rất cao. Vì thế hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ thời gian nào. Với lũ có chu kỳ lặp lại 5.000 năm tức là tương ứng với sắc suất xảy ra là 0,02 % có nghĩa khả năng xảy ra đột ngột con lũ lớn hơn hoặc bằng giá trị đó là rất hiếm. Cụ thể đối với hồ Bản Vẽ theo thông tin chúng tôi cập nhật vào 2h sáng 23/7 lưu lượng đỉnh lũ đạt 12.800 m³/s tức là vượt lũ kiểm tra 2.300m3/s. Đây có thể nói sự việc xảy ra rất hiếm. Cụ thể hơn với 1 trận lũ có chu kỳ lặp lại năm 1.000 năm. Điều đó có nghĩa là xác suất để nó xảy ra là 1/5.000 tức là 0,02 %. Đây là một giá trị xác suất khả năng xảy ra chứ không phải gắn liền về mặt thời gian xảy ra".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo TS. Lương Hữu Dũng, trong thủy văn gắn liền với đợt lũ trên hồ Bản Vẽ trên lưu vực sông Cả thì có thể thấy tần suất lũ trong kỹ thuật ký hiệu là P (được hiểu xác suất ngược tức là giá trị đó). Có nghĩa là xác suất để xảy ra một trận lũ có lưu lượng đỉnh lũ lớn hơn hoặc bằng lưu lượng ứng với xác suất này. Chúng ta thường dùng khái niệm chu kỳ lũ P hay chính là chu kỳ lặp lại mà người ta nói đến để chỉ số năm trung bình có thể xảy ra giữa 2 trận lũ có cùng một độ lớn. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa tần suất và chu kỳ lặp lại người ta thông qua cái P là tần suất thì bằng 1:P là chu kỳ lặp lại. Đấy là khái niệm về tần suất lũ.

"Tức là có thể hai năm liên tiếp cùng xảy ra lũ có cùng cường độ 5.000 năm. Điều này hoàn toàn chính xác. Dường như với điều kiện hiện nay thì nó càng có nguy cơ xảy ra nhiều hơn. Vì đây là ý nghĩa về mặt không phải xác suất thống kê không phải chu kỳ cứng. Một trận lũ có xác suất là 0,02 % không có nghĩa là phải đợi đến 5.000 năm mới lặp lại. Trên lý thuyết thì năm sau vẫn có thể xảy ra như xác suất vẫn là cực hiếm. Đấy là khả năng xuất hiện. Chúng ta nên hiểu về lũ 5.000 năm là cách các nhà chuyên môn ngoại suy theo thống kê dựa trên số liệu quan trắc ở đây có thể là số lượng mưa, lưu lượng mực nước trong nhiều năm để tính toán, thống kê. Giống như cách nói lũ lịch sử nhưng ở đây có tính toán rõ về xác suất", TS. Lương Hữu Dũng cho hay.

TS. Lương Hữu Dũng lý giải thêm: "Nếu số liệu thực đo về lượng mưa và lưu lượng lũ vẫn nằm trong ngưỡng thống kê tương tự như trận mưa xảy ra thì hoàn toàn vẫn có thể tiếp tục được đánh giá tần suất 0,02% tương ứng với chu kỳ lặp lại 5.000 năm. Tuy nhiên, trong thủy văn việc mà xảy ra 1 giá trị nó là sự tổ hợp xảy ra mưa trong phạm vi không gian mang tính cực đoan mà dường như các số liệu, các trạm tự ghi của chúng ta chưa thể phản ánh hết được mức độ của nó. Điều này không có gì mâu thuẫn vì đã xảy ra rồi và xảy ra tiếp. Nó chỉ phản ánh về xác suất thống kê. Vì thế, người dân và truyền thông không nên hiểu nhầm rằng đã có một trận lũ tương ứng với quy mô có chu kỳ lặp lại 5.000 năm nữa mới xảy ra tiếp hoặc điều này không đúng vì nếu xảy ra hiện tượng đó thì hoàn toàn chúng ta vẫn có thể xác nhận được một trận lũ lớn tương tự như vậy. Một minh họa: lịch sử Việt Nam mới có 4.000 năm thì làm sao biết được lũ 5000 năm. Đấy là thể hiện xác suất xảy ra".

Ngoài ra, thông tin phổ biến đến công chúng làm sao dùng những từ dễ hiểu và thực sự ngắn gọn. Ví dụ như sự việc lũ trên lưu vực sông Cả xảy ra lũ đạt đỉnh 12.800 đấy tức là vượt lũ kiểm tra. "Như vậy, tôi nghĩ là chúng ta nên dùng từ đã xảy ra đỉnh lũ vượt lũ vượt lũ kiểm tra hoặc lũ thiết kế. Cái đấy dễ hiểu, chính xác và đỡ gây thắc mắc. Trong trường hợp nào đó, nếu người ta chưa hiểu lũ kiểm tra và thiết kế như thế nào thì chúng ta có thể gắn thêm với giá trị tần suất hoặc giải thích rằng tương ứng với chu kỳ lặp lại là bao nhiêu? Chúng tôi nghĩ nên như vậy", TS. Lương Hữu Dũng nhấn mạnh.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hieu-nhu-the-nao-cho-dung-ve-lu-5000-nam-tai-ho-ban-ve-nghe-an-post1217121.vov