Du lịch mùa thấp điểm: Tìm thời cơ trong thách thức

Du lịch Ninh Bình đang hồi sinh mạnh mẽ sau thời gian gián đoạn vì dịch COVID-19, dần trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn được đông đảo du khách trong nước và quốc tế lựa chọn. Tuy nhiên, ngành Du lịch Ninh Bình cũng không tránh khỏi yếu tố mùa vụ trong hoạt động du lịch. Để kích cầu du lịch mùa thấp điểm, ngoài áp dụng các chính sách ưu đãi đơn thuần, Ninh Bình đang tập trung phát huy giá trị tài nguyên địa phương. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn với đồng chí Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du Lịch để làm rõ hơn vấn đề này.

Tuần Du lịch "Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An năm 2024"- Điểm đến của du lịch Ninh Bình mùa thấp điểm. Ảnh: Minh Đường

Tuần Du lịch "Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An năm 2024"- Điểm đến của du lịch Ninh Bình mùa thấp điểm. Ảnh: Minh Đường

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, thời điểm tháng 5 đến tháng 9 hàng năm được coi là mùa thấp điểm của du lịch. Đồng chí nhận định gì về tình hình chung của du lịch Ninh Bình trong thời gian này?

Đồng chí (Đ/c) Phạm Duy Phong: Từ thời điểm tháng 5 đến tháng 9 khí hậu khá nóng bức nên dòng khách có xu hướng dịch chuyển "từ nâu xuống trắng", tức là từ miền núi, đồng bằng về miền biển.

Ninh Bình là địa phương có thế mạnh phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái vì thế thời điểm này được coi là mùa du lịch thấp điểm của Ninh Bình nói riêng và một số tỉnh phát triển loại hình du lịch văn hóa, sinh thái nói chung.

Lượt khách đến với Ninh Bình tất nhiên không thể so với mùa cao điểm, thị trường khách trong nước trầm lắng hơn do nhu cầu du lịch thay đổi. Mặt khác, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn đã tác động không nhỏ đến du lịch quốc tế. Song điều đáng mừng là nhìn chung lượng khách vẫn giữ ở mức tương đối bình ổn, có giảm nhưng không đáng kể.

PV: Theo đồng chí, du lịch mùa thấp điểm đem lại những thách thức và cơ hội nào cho ngành Du lịch Ninh Bình?

Đ/c Phạm Duy Phong: Thách thức lớn nhất là việc giảm lượng khách do có sự cạnh tranh cùng lúc của nhiều loại hình du lịch hấp dẫn. Đồng thời do nguồn lực tài chính hạn chế, khách sẽ ưu tiên điểm đến chỉ xuất hiện một mùa trong năm để tranh thủ đi hơn. Tuy nhiên, không nên coi mùa thấp điểm chỉ là một thời kỳ khó khăn mà là cơ hội để đổi mới, chứng minh sự độc đáo và chất lượng dịch vụ.

Ưu điểm khi du lịch thời điểm này là không chen chúc đông người, không gian du lịch thoáng đãng, giá vé máy bay rẻ. Đặc biệt, một số sự kiện, chương trình lớn, các sản phẩm du lịch chỉ có trong mùa thấp điểm, tiêu biểu là sự kiện Tuần lễ du lịch Ninh Bình với chuỗi các hoạt động diễn ra thường niên vào tháng 6.

Qua đó, tích cực truyền thông, quảng bá trên các trang thông tin điện tử, nền tảng số, tạo tiếng vang từ những sự kiện lớn nhằm tăng độ nhận diện, thu hút đông đảo lượt khách về Ninh Bình. Đây là cơ hội để những người làm du lịch tạo ra các sản phẩm du lịch mới, quảng bá tour, tuyến để hấp dẫn du khách, mở rộng tệp khách hàng. Nhất là mùa này, đối với các cơ quan, doanh nghiệp là thời điểm thích hợp để tổ chức du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo).

Du lịch MICE được xem là giải pháp kích cầu cho mùa du lịch trầm lắng. Bên cạnh đó, Ninh Bình có đầy đủ yếu tố và điều kiện tự nhiên, con người, cơ sở vật chất phát triển mạnh mẽ các hình thức du lịch kết hợp với giáo dục truyền thống, tìm hiểu văn hóa, lịch sử và sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần gắn với chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội... đáp ứng mọi nhu cầu của khách nội địa.

Mặt khác, đối với du khách quốc tế, trong đó tập trung vào nhóm khách châu Âu, châu Mỹ và một số nước Đông Nam Á, việc xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, du lịch dựa vào thiên nhiên được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh, mở đường cho nhiều luồng khách mới.

Sau đại dịch COVID-19 cũng làm thay đổi thói quen du lịch theo đoàn chuyển sang nhóm nhỏ, nhóm gia đình di chuyển bằng phương tiện cá nhân, trong khi hệ thống đường cao tốc đến Ninh Bình tương đối hoàn thiện kéo gần các cung đường di chuyển, vị trí địa lý tỉnh gần các trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… tạo điều kiện thuận lợi cho du khách giải quyết bài toán về chi phí cho phương tiện di chuyển. Đặc biệt để hỗ trợ tốt với khách du lịch ở xa, Ninh Bình đã phối hợp với Tổng công ty đường sắt Việt Nam xây dựng các chặng vé ưu đãi, nhờ vậy thời gian qua, khách di chuyển đến Ninh Bình bằng tàu tăng.

PV: Để "làm nóng" du lịch mùa thấp điểm, nắm bắt những cơ hội đang có, du lịch Ninh Bình cần có những giải pháp thích ứng như thế nào để thu hút du khách, thưa đồng chí?

Đ/c Phạm Duy Phong: So với các năm trước dịch, tính mùa vụ đã dần từng bước được hạn chế, khắc phục bằng những hoạt động cụ thể. Việc kích cầu du lịch mùa thấp điểm bằng cách áp dụng chính sách ưu đãi là phương pháp cũ. Giải pháp tốt nhất để khắc phục tính thời vụ của du lịch là phát huy các giá trị tài nguyên địa phương, đặc biệt là các giá trị về văn hóa, lịch sử bằng cách quảng bá. Hình thức quảng bá là qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô cấp tỉnh.

Vừa qua, Ninh Bình đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn như: Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Tuần du lịch Ninh Bình 2024 với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An", Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề "Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỉ và kết nối với các thành phố di sản trên thế giới...".

Dự kiến tháng 9 tới đây sẽ tiếp tục tổ chức Lễ hội khinh khí cầu và dù lượn 2024 lần đầu được tổ chức tại Ninh Bình, Liên hoan ẩm thực quốc tế với sự góp mặt của các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Hồng…

Bên cạnh đó, quảng bá bằng truyền thông, đẩy mạnh độ phủ sóng du lịch trên nền tảng số Youtube, Tiktok. Xây dựng kênh Youtube quảng bá ẩm thực, du lịch Ninh Bình, các bản tin quảng bá du lịch… Ngành chú trọng tạo chính sách hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch mới như: du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), du lịch trải nghiệm, du lịch đêm, cụ thể hóa các sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch để cung cấp cho du khách theo đúng định hướng phát triển ngành du lịch công nghiệp văn hóa. Tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế nhằm tiếp xúc, gắn kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ.

Ngành đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ các tổ chức cá nhân và hộ gia đình cá thể tham gia dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, đồng bộ hóa cơ sở du lịch, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực du lịch ngày càng chuyên nghiệp, đa năng, nắm bắt nhu cầu sở thích của từng nhóm khách hàng mục tiêu.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần có cơ chế hợp tác, thống nhất mức giá công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng. Với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực vươn lên của toàn ngành, chắc chắn, du lịch Ninh Bình sẽ có những bước tiến xa, "cán đích" mọi mục tiêu đã đề ra và hướng tới kết quả cao hơn nữa trong năm 2024.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Lan Anh (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/du-lich-mua-thap-diem-tim-thoi-co-trong-thach-thuc/d20240705085012597.htm