Du lịch nay phải khác
Sáu con voi ở Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk vừa thoát kiếp nô lệ từ 10-2, ngày mà Trung tâm Du lịch cầu treo Buôn Đôn tuyên bố dừng mô hình cưỡi voi tham quan ở khu rừng này.
Để đến được sự tự do này, những chú voi đã trải qua bao năm tháng bị đọa đày - nói mỹ miều là "thuần hóa" - và làm việc cật lực. Trước kia, chúng phải kéo gỗ, quật cây, sau này thì lầm lũi chở khách đến 6 giờ mỗi ngày.
Thức ăn không đủ dinh dưỡng theo tự nhiên, đàn voi nhà hàng trăm con ở Buôn Đôn dần kiệt sức, tàn lụi theo năm tháng, từ hơn 100 con đầu thế kỷ XXI nay chỉ còn khoảng hơn 20 con. Trong điều kiện nghiệt ngã bị xích chân, lao động nặng nhọc, chúng hầu như không sinh sản được và tương lai gần sẽ khó tồn tại. Đáng buồn, đây là các con voi ít ỏi còn sót lại của những cánh rừng cũng ít ỏi giữa Tây Nguyên.
Cưỡi voi là thú vui của không ít du khách, một thú vui đến từ bản năng muốn chế ngự sức mạnh tự nhiên từ thuở xưa. Nhưng nay đã khác, thú vui khi du lịch cần hướng tới điều tốt đẹp là phải hòa mình với tự nhiên chứ không phải đòi hỏi sự tuân phục từ tự nhiên để cưỡng bức theo ý mình.
Giày vò những chú voi hay say sưa với tục đâm trâu thì có gì hay ho, trong khi Tây Nguyên còn biết bao nét văn hóa độc đáo, mang đậm tính bản địa mà ít nơi nào có được, như: lễ hội cồng chiêng, tế rừng, kể Khan (sử thi) bên bếp lửa… Du lịch thì phải lịch lãm, ân cần với từng vùng đất và du khách cũng phải hòa mình với vùng đất ấy.
Kinh doanh thì phải chạy theo lợi nhuận, du lịch cũng vậy. Nhưng cưỡng bức tự nhiên để lôi kéo du khách là "lấy đá ghè chân mình". Một Đà Lạt mộng mơ mờ sương bên những cánh rừng nay đã bị không ít doanh nghiệp du lịch hạ sạch cây xanh, đổ bê-tông và phơi mình dưới nắng. Ai từng đến hồ Tuyền Lâm xanh mướt len dưới tán rừng cách đây không lâu ắt sẽ ngậm ngùi cho một con suối đục ngầu bên những ngọn đồi bị cạo trọc. Thác Cam Ly, hồ Than Thở… giờ chỉ còn là cái tên mà danh chẳng xứng với thực.
Nhiều vùng đất trù phú khác cũng bị khai thác du lịch một cách tréo ngoe. Miền Tây ruộng vườn xanh ngát, cò bay thẳng cánh là thế song một số công ty du lịch lại ngăn đập, đào ao, đắp đất, xây dựng nhà hàng bê-tông nhan nhản. Đặc sản nơi đây, oái ăm thay, lại là thịt chim muông, thú rừng. Chúng bị nhốt từng đàn trong lồng, vặt lông cắt tiết không thương xót trong những bữa rượu hả hê của thực khách, trong khi chúng là một phần tươi đẹp nhất của các vùng đất du lịch…
Du lịch giờ đã khác và phải khác. Mỗi vùng đất, mỗi thắng cảnh phải giữ được sự nguyên vẹn của tự nhiên mang tính đặc thù. Giữ được sự toàn vẹn bản sắc của từng vùng đất, tôn trọng tự nhiên khi làm du lịch không chỉ là trách nhiệm của từng doanh nghiệp mà còn là nguyên tắc quản lý của cơ quan chức năng địa phương. Trách nhiệm của nhà quản lý, doanh nghiệp và cả du khách là không chỉ xóa sổ sự cưỡng bức mà còn phải chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa tự nhiên của mọi vùng trên dải đất hình chữ S này. Đó chính là tài sản của con cháu chúng ta.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/du-lich-nay-phai-khac-20230211222648811.htm