Du lịch Ninh Thuận phát triển theo hướng 'Bền vững - Chất lượng cao - Độc đáo'
Du lịch Ninh Thuận phát triển theo hướng 'Bền vững - Chất lượng cao - Độc đáo'; vừa phát triển du lịch truyền thống, vừa tạo dựng các loại hình mới, độc đáo về khí hậu, khám phá sáng tạo là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao đối với các khu vực trong nước và quốc tế.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10 - 11%/năm
Ngày 10/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1319/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, về kinh tế, Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10 -11%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 200 triệu đồng.
Tỷ trọng GRDP của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 53 - 54%; khu vực dịch vụ khoảng 34 - 35%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 12 - 13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2 - 3%. Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2030.
Dân số tăng bình quân khoảng 1,89%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 - 80%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%. Chỉ số phát triển con người (HDI) bằng mức trung bình cả nước.
Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 55 - 56%; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo chuẩn mới) giảm bình quân 1,5 - 2%/năm và đến năm 2030 còn dưới 1,5%.
Du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Về phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Ninh Thuận, đáp ứng các chỉ tiêu đối với từng đô thị trong tỉnh; phát triển hệ thống cảng biển Ninh Thuận, gồm khu bến Cà Ná và khu bến Ninh Chữ là cảng tổng hợp quốc gia, đóng vai trò đầu mối khu vực với chức năng bến cảng tổng hợp, hàng rời, hàng container, hàng lỏng/khí.
Theo phương hướng phát triển, phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,…).
Đến năm 2030, du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh. Du lịch Ninh Thuận trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước.
Đặc biệt, phát triển du lịch theo hướng "Bền vững - Chất lượng cao - Độc đáo"; vừa phát triển du lịch truyền thống, vừa tạo dựng các loại hình mới, độc đáo về khí hậu, khám phá sáng tạo là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao đối với các khu vực trong nước và quốc tế; khai thác hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch hiện có và biến những hạn chế thành tiềm năng du lịch khác biệt; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia Ninh Chữ.
Cũng theo quy hoạch, đến năm 2030 tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 40% giá trị GRDP toàn tỉnh. Tỷ trọng ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 7-8% GRDP của tỉnh...