Du lịch nông nghiệp thông qua sản phẩm OCOP là giải pháp bền vững
Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch nông nghiệp, trong đó gắn du lịch với phát triển các sản phẩm OCOP đang là giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn.
Du lịch nông thôn là không gian để phát triển, tiêu thụ sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Và ngược lại, sản phẩm OCOP cũng chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. OCOP tạo nên thương hiệu du lịch sẽ giúp cho cho mỗi vùng nông thôn có nét đặc trưng, thu hút riêng với khách du lịch.
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp-nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP ” do Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 22/9.
Thêm việc làm ở nông thôn cho lao động trẻ
Bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Những loại hình du lịch này ở nông thôn sẽ rất ý nghĩa, không chỉ giúp phát triển kinh tế nông thôn mà còn tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp, để du khách có cảm nhận qua những sản phẩm du lịch.
Bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng nông nghiệp không còn đơn thuần là trồng con gì, nuôi con gì mà cần định hướng tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế mới mà một trong số đó là phát triển du lịch nông nghiệp. Đây là giải pháp bền vững, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập trên chính mảnh ruộng của mình, đồng thời gắn thêm được tiêu thụ nông đặc sản, nhất là nhóm sản phẩm OCOP.
“Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp là điều không mới, nhưng chúng ta cần làm thế nào để du lịch trở nên nhân văn, du lịch xanh và sinh thái hơn,” bà Lan đặt vấn đề.
Chỉ ra sự cần thiết trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, bà Ngô Thị Thu Trang khẳng định nếu không có các hoạt động tạo thu nhập ở vùng nông thôn thì các dòng di dân từ nông thôn lên đê thị càng mạnh mẽ. Khi du lịch nông thôn phát triển sẽ có thêm việc làm cho thanh niên, có thêm không gian để họ có những ý tưởng sáng tạo hay có thể tận dụng chính những cảnh sắc làng quê thanh bình, những nét văn hóa đa dạng, những sản phẩm nông nghiệp phong phú để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp-nông thôn.
“Điều quan trọng của du lịch nông thôn là kết nối giá trị kinh tế, giá trị văn hóa và giá trị nhân văn cũng như giải quyết những vấn đề di dân và vấn đề nâng cao thu nhập nông thôn hiện tại đang được quan tâm,” bà Ngô Thị Thu Trang chia sẻ.
Nhấn mạnh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đang là yêu cầu của nhiều địa phương, ông Phạm Quốc Liêm Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) cũng nhận định về lâu dài, phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP và nông đặc sản sẽ là “miền đất hứa” cho lực lượng lao động trẻ. Với tư duy mới, hiện đại, đây sẽ là nguồn nhân lực phù hợp, bổ khuyết cho các mô hình hiện tại.
Kết nối OCOP với du lịch lữ hành
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Khải Hoàn cho rằng phát triển bền vững lại cần sự chung tay của doanh nghiệp, chính quyền, nông dân nhằm kết nối hệ thống du lịch toàn diện. Bà đề nghị Nhà nước quan tâm phát triển mạng lưới sản phẩm OCOP, kết nối các thương hiệu với nhà tổ chức du lịch lữ hành, từ đó thiết lập mạng lưới du lịch nông nghiệp kết hợp tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Theo bà Liên, không gian tập trung ‘làng OCOP’ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương. Đây không chỉ là không gian tích hợp để quảng bá tới khách du lịch mà còn giúp các doanh nghiệp OCOP học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Chia sẻ từ góc nhìn của một nhà lữ hành, bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam nhận định ngành du lịch Xanh đang phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún và có nhiều sự trùng lặp giữa sản phẩm OCOP các xã, huyện. Sản phẩm OCOP ở Việt Nam tuy đa dạng nhưng chưa có tính đặc trưng.
Bà Phan Yến Ly đề xuất giải pháp triển khai mô hình “Mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng” - One Region One Agriculture Product (OROAP). Sáng kiến này sẽ làm mới và đồng bộ hóa chương trình OCOP vốn đã rất thành công trong phát triển đặc thù vùng miền thông qua sản phẩm văn hóa.
“Phong trào này sẽ giúp các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn của các tỉnh thành không bị trùng lặp, nhàm chán; tránh cạnh tranh không lành mạnh; tạo nên sức hút du khách qua các thông điệp và câu chuyện truyền thông riêng biệt. Đặc biệt, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có dịp nhìn lại du lịch nông nghiệp, nông thôn của địa phương mình sâu sát hơn để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp,” bà Phan Yến Ly nói.
Khẳng định phát triển du lịch nông thôn đang là xu hướng của thế giới, lợi thế của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn muốn khai thác lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và thương hiệu của Việt Nam với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP.
Khi triển khai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận ra có 3 yếu tố, mô hình cần gắn kết với nhau gồm: Câu chuyện nếp sống của mỗi hộ gia đình tại địa phương, sản phẩm đặc trưng và câu chuyện văn hóa văn nghệ bảo tồn nét truyền thống.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết Thủ tướng đã ban hành quyết định về phát triển du lịch nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã ký văn bản liên tịch với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch để phát triển chương trình này. Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam sẽ dành một nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản phẩm du lịch OCOP. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký với Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam triển khai cơ chế hỗ trợ đến các địa phương./.