Du lịch nông thôn, trải nghiệm văn hóa dân tộc thiểu số ngay tại Thủ đô
Việt Nam là quốc gia hiện có gần 65,6% dân số sống ở khu vực nông thôn, nơi không chỉ có cuộc sống yên bình, khung cảnh thiên nhiên sinh động, mà còn là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa. Do đó du lịch nông thôn được xem là một xu thế của ngành du lịch trong thời gian tới.
Dịp nghỉ lễ 2-9 sắp đến, bà Khanh tất bật chăm sóc đàn ong để sẵn sàng chào đón khách du lịch tới tham quan. Trước đây gia đình bà sống bằng nghề nuôi ong lấy mật nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Kể từ khi phát triển du lịch thì cuộc sống của bà mới được cải thiện.
Bà NGUYỄN THỊ KHANH, Xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội: “Có du lịch vào thì gia đình rất là phấn khởi, được thêm thu nhập. Khách đến tham quan ong của gia đình thì cứ ra ít nào là bán hết ít ý.”
Theo thống kê của ngành du lịch, trong số 1300 điểm du lịch do các địa phương quản lý có đến 70% là điểm du lịch ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, có những nơi gắn liền với đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà TRIỆU THỊ BÍCH HÒA, Xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội: “Vườn Quốc gia cho chúng tôi được ít đất để trồng cây nhưng bây giờ không mở cửa được thì chỉ trông vào cây thuốc thôi. Khi thành phố có chủ trương nghề thuốc nam dần phát triển thành khu du lịch thì chúng tôi thấy có nhiều khách người ta đến mua thuốc, hay tắm thuốc người dao. Nhiều nhà từ đói nghèo đã thoát nghèo.”
Anh NGUYỄN CẢNH HƯNG, Xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội: “Khách du lịch đến tham gia trải nghiệm và nhận biết các mặt cây thuốc. Thật ra là những cây rất thân quen thường ngày nhưng vì không biết tác dụng, công năng, không biết cách sử dụng cho nên thành lãng phí.”
Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn này, mỗi huyện, thị xã phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.
Anh NGUYỄN VĂN PHƯỢNG, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội: “Cái việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang du lịch là một quy luật tất yếu bởi sản xuất nông nghiệp giá trị không cao, trong khi đó giá trị ngành kinh tế du lịch nó rất là đảm bảo góp phần nâng cao đời sống vật chất. ”
TS NGÔ KIỀU OANH, Nguyên Cán bộ Viện Hàn lâm, Khoa học và Công nghệ Việt Nam: “Sản phẩm đây rất phong phú một đằng là do tài nguyên bản địa, một đằng là do trí tuệ. Chúng ta tận dụng tài nguyên bản địa, tận dụng trí tuệ bản địa, tận dụng không gian, tận dụng văn hóa tại địa phương. Biết kết hợp thì chúng ta sẽ ra nhiều sản phẩm linh động khác nhau.”
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cách để thu hút người đô thị về với nông thôn, là cách giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng quê, gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề.Theo các chuyên gia, để tạo được giá trị bền vững trong du lịch nông thôn thì các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tránh “mặc đồng phục”, tạo ra không gian sinh hoạt thiết thực cho người dân.
Thực hiện : Thảo Nguyên Văn Thắng Khánh Hoàng