Du lịch sẽ là một trong các trụ cột tăng trưởng của tỉnh Gia Lai (mới)

Sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai (mới) có nhiều lợi thế về tài nguyên biển – rừng, không gian văn hóa đặc sắc và hạ tầng giao thông đồng bộ thuận lợi để phát triển du lịch.

Chiều 9/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai (mới) tổ chức Hội nghị gặp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025), cùng nhau nhìn lại chặng đường phát triển và thảo luận các định hướng phát triển du lịch phù hợp với điều kiện mới của địa phương, hướng tới xây dựng ngành du lịch trở thành trụ cột kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Với lợi thế “rừng vàng, biển bạc”, tỉnh Gia Lai (mới) sở hữu hệ sinh thái du lịch phong phú, kết hợp giữa nghỉ dưỡng biển tại Quy Nhơn, Kỳ Co - Eo Gió với du lịch sinh thái, khám phá núi rừng Kon Ka Kinh, Biển Hồ và trải nghiệm văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, di sản văn hóa Chămpa. Hệ thống giao thông đồng bộ gồm cảng biển, sân bay, cao tốc, cửa khẩu đã và đang tạo thuận lợi cho việc kết nối vùng, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu.

Khu vực biển Quy Nhơn, nay thuộc tỉnh Gia Lai.

Khu vực biển Quy Nhơn, nay thuộc tỉnh Gia Lai.

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Gia Lai (mới) chủ động tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện đặc trưng; hình thành các sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái, cộng đồng gắn với bản sắc vùng miền. Công tác quảng bá, liên kết, phát triển thị trường được triển khai đồng bộ, góp phần lan tỏa thương hiệu du lịch Gia Lai - Bình Định (cũ) đến trong và ngoài nước.

Tỉnh Gia Lai (mới) chú trọng đầu tư bảo tồn các di tích văn hóa - lịch sử gắn với phát triển du lịch bền vững. Đề án thí điểm cho thuê dịch vụ tại Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít giai đoạn 2025 - 2028 đang được triển khai. Một số di sản văn hóa phi vật thể như nghề chằm nón ngựa Phú Gia, Lễ hội Chùa Bà - Nước Mặn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tỉnh Gia Lai (mới) đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 11,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 28.500 tỷ đồng. Đến năm 2030, phấn đấu đón 18,5 triệu lượt khách, trong đó có 1,1 triệu khách quốc tế. Du lịch được xác định là một trong năm trụ cột tăng trưởng với định hướng phát triển trên nền tảng biển, núi rừng, di sản văn hóa, du lịch cộng đồng và sản phẩm du lịch xanh, đặc trưng.

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai.

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai.

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai (mới) cho biết, địa phương đang tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, tăng cường liên kết tour, tuyến và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá điểm đến: “Hiện nay Sở đã có tham mưu, trong thời gian tới xây dựng các kế hoạch để triển khai thực hiện kết nối các tour, tuyến ở trên địa bàn. Xây dựng những tour, tuyến hành trình văn hóa lịch sử; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các loại hình du lịch khác để góp phần cho ngành du lịch trong thời gian tới phát triển”.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/du-lich-se-la-mot-trong-cac-tru-cot-tang-truong-cua-tinh-gia-lai-moi-post1213490.vov