Du lịch sông Hồng vẫn 'ngủ Đông'
Sông Hồng với nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, làng cổ đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng tour đặc trưng của Hà Nội. Tuy nhiên, hiện, tiềm năng du lịch của con sông này vẫn đang 'ngủ Đông'khi chưa được khai thác xứng tầm.
Tiềm năng vẫn ngủ quên
Tạp chí Rianovosti của Nga đã từng bình chọn sông Hồng là một trong 18 thắng cảnh đẹp nhất thế giới. Có chiều dài chảy qua Hà Nội khoảng 160 km, trên địa bàn 15 quận, huyện, thị xã trong đó có tới 40 km qua nội đô nên dọc sông Hồng có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề đặc sắc của Hà Nội như đình Chèm (Bắc Từ Liêm), đền Ghềnh (Long Biên), đền Dầm (Thường Tín), làng gốm cổ Bát Tràng…
Cùng với đó là cây cầu Long Biên cổ kính hơn 100 tuổi, cầu Nhật Tân - biểu tượng mới của Hà Nội và nhiều làng chài, trang trại, vườn ven sông hấp dẫn du khách.
Đánh giá về tiềm năng du lịch trên sông Hồng, Giám đốc Công ty Du lịch Sunsmiletravel Dương Thanh Hằng cho rằng, đi du lịch sông Hồng, thú vị nhất là được ngắm cảnh, tham quan đình, chùa dọc hai bên bờ. Đồng thời, được khám phá, trải nghiệm làng nghề, dun lịch nông thôn khác hẳn với tour đường bộ.
Giàu tiềm năng là vậy, nhưng lâu nay, du lịch sông Hồng gần như bị bỏ quên chưa được khai thác đúng với tiềm năng vốn có. Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thăng Long GTC (đơn vị đang khai thác tour du lịch sông Hồng) Bùi Trung Kiên cho biết, mặc dù từ 20 năm nay đơn vị đã đưa vào khai thác 4 sản phẩm du lịch trên sông Hồng, nhưng chưa cấu thành sản phẩm thực sự đặc sắc, mang dấu ấn đặc trưng của du lịch Hà Nội.
Nguyên nhân là do hạ tầng hai bên sông Hồng chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách về cảnh quan, vệ sinh. Đồng thời Hà Nội chưa có cầu tàu phục vụ riêng cho khách du lịch, điều này đã khiến khách tham quan phải lên tàu từ cầu cảng tạm tại bến Chương Dương Độ (Hoàn Kiếm). “Đây là một trong những nguyên nhân khiến mỗi năm, tuyến du lịch này chỉ thu hút khoảng 300.000 lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế chiếm 30%”-ông Kiên thông tin.
Mổ xẻ nguyên nhân tour du lịch sông Hồng chưa trở thành sản phẩm đặc sắc của Thủ đô, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lux Group Phạm Hà cho rằng, nguyên nhân lớn nhất là Hà Nội chưa có bến du thuyền, cầu cảng dẫn đến việc phát triển du lịch đường thủy gần như bế tắc. “Thực tế, tại nhiều điểm tham quan, khách mua tour sông Hồng phải có thần kinh thép khi sử dụng chiếc cầu mỏng manh nối giữa tàu vận chuyển với bờ sông”-ông Hà thông tin.
Phân tích lý do khiến du lịch sông Hồng chưa thu hút được du khách, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nêu rõ, mặc dù rất giàu tiềm năng, nhưng hiện việc khai thác tour sông Hồng mới dừng ở mức nhỏ lẻ, dọc sông Hồng có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa nhưng chưa được đầu tư tạo ra những sản phẩm du lịch, nên khó thu hút khách quay lại lần thứ hai. “Cái khó lớn nhất của những nhà khai thác du lịch sông Hồng là thiếu lượng tàu, thuyền đạt chuẩn quốc tế” - ông Thắng chia sẻ.
Cần cơ chế hấp dẫn thu hút nhà đầu tư
Để khai thác tiềm năng du lịch sông Hồng, các chuyên gia du lịch cho rằng, ngành du lịch Thủ đô và TP Hà Nội cần đầu tư nhiều hơn nữa vào hạ tầng du lịch, chỉnh trang cảnh quan hai bên bờ sông.
Nói về cần sự hỗ trợ đa ngành trong việc cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng qua đó giúp doanh nghiệp du lịch phát triển tour sông Hồng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên cho rằng, trước tiên địa phương cần dọn dẹp khu vực bờ sông có tàu đi qua để có cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách.
Đồng thời nên đầu tư tàu vận chuyển khách vừa an toàn, vừa êm ái để du khách vừa ngắm cảnh vừa có thể nghỉ ngơi thư thái. “Cái khó là bến neo đậu còn tạm bợ, chưa được đầu tư đúng mức. Nhà đầu tư bỏ tiền ra, nhưng không có sự vào cuộc của thành phố, của địa phương để tour ngày càng hấp dẫn thì không thể hấp dẫn du khách” - ông Kiên bày tỏ.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình hiến kế, TP Hà Nội nên đầu tư đổi mới hạ tầng du lịch để du khách không chỉ đến một lần, mà đến nhiều lần. Khu vực ven sông Hồng có thể triển khai nhiều hoạt động hấp dẫn hai bên bờ sông cũng như những công trình mang tầm cỡ gắn liền với sự phát triển của sông Hồng.
“Trên cầu Long Biên, hoàn toàn có thể tạo ra được khu vực kinh tế đêm nhộn nhịp thông qua việc tổ chức những chương trình nghệ thuật văn hóa, triển lãm hoặc mô phỏng 36 phố phường của Hà Nội. Hay tổ chức những đêm nhạc, những chương trình văn hóa nghệ thuật giúp cây cầu di sản trở thành không gian hấp dẫn”-ông Bình nêu ví dụ.
Ở góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang bày tỏ, đơn vị đang tiến hành khảo sát xây dựng khai thác tour du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch dọc khu vực sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội, sản phẩm du lịch kết nối giữa Hà Nội và các địa phương. “Đầu tiên là hình thành tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng, đền thờ Chử Đồng Tử, Đồng thời Sở Du lịch Hà Nội cũng thúc đẩy thực hiện mô hình hợp tác công tư trong đầu tư khai thác, vận hành một số điểm đến di tích, di sản thiết chế văn hóa. Đây sẽ là bước tiến giúp thúc đẩy hoạt động du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn phát triển”- bà Giang chia sẻ
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/du-lich-song-hong-van-ngu-dong.html