Du lịch thác tự nhiên miền Tây Quảng Trị
Miền núi phía Tây Quảng Trị là nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt là rừng, núi xen kẽ hệ thống thác, động đa dạng và nguyên sơ. Nơi đây, hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm văn hóa cộng đồng.
Cách Quốc lộ 9 khoảng gần 27 km về phía Bắc, thác Chênh Vênh nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa là một trong những điểm du lịch đẹp, hấp dẫn và độc đáo. Khi đến thác Chênh Vênh, điểm nhấn chính là dòng thác mẹ nằm ẩn khuất sau những tảng đá lớn trơn nhẵn chắn ngang giữa dòng nước từ thác đổ về. Thác mẹ cao khoảng 20m, rộng chừng 3-4m với dòng nước trắng xóa tuôn đổ xuống lòng hồ xanh biếc, xung quanh là núi đá và cây rừng tạo không gian mát mẻ, lý tưởng để trải nghiệm.
Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng Hồ Thị Ba cho biết, nhằm khai thác những tiềm năng, đồng thời hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch cộng đồng, địa phương đã phối hợp với một số tổ chức trong và ngoài nước giúp bà con xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, homestay tại thôn.
Nhờ đó, toàn thôn Chênh Vênh hiện có khoảng 16 hộ gia đình tham gia Tổ du lịch cộng đồng cùng khai thác các sản phẩm từ du lịch như: thác Chênh Vênh, đèo Sa Mù, rừng cộng đồng...Về mô hình homestay, hiện thôn chỉ mới có 2 gia đình cơ bản hoàn thiện đáp ứng phục vụ khách du lịch lưu trú.
Đến đây, khách du lịch lưu trú trong các homestay kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào Vân Kiều, trải nghiệm đời sống sinh hoạt của người dân bản địa, tìm hiểu, thưởng thức các lễ hội đặc sắc, trình diễn nhạc cụ cồng chiêng và các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Vân Kiều và thưởng thức các món ăn đặc trưng.
Ngoài ra, một điểm đến hấp dẫn và được nhiều du khách lựa chọn khi đến với huyện Hướng Hóa là thác Tà Puồng nằm ở thôn Trăng Tà Puồng thuộc xã Hướng Việt. Đến đây, khách du lịch được hòa mình vào dòng nước xanh mát, tham gia trải nghiệm chèo thuyền sup; thưởng thức các món ăn đặc sản của đồng bào Vân Kiều; tìm hiểu về các sản phẩm làm bằng tre bản địa như ly tách trà, ống đựng tăm, đựng đũa...do chính các thành viên trong Tổ mô hình quản lý du lịch cộng đồng Trăng Tà Puồng làm ra.
Lần đầu trải nghiệm ở thác Tà Puồng, chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Tân Trung, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa chia sẻ, mặc dù ở trên địa bàn nhưng lâu nay chỉ biết đến thác Tà Puồng qua mạng xã hội. Vì vậy, khi trực tiếp đến đây khám phá, có rất nhiều trải nghiệm lý thú, bất ngờ. Tôi thích vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thác, bầu không khí trong lành và đặc biệt là những món ăn đặc trưng của đồng bào nơi đây. Tuy dịch vụ còn đơn sơ nhưng ở đây cho tôi sự trải nghiệm mới mẻ.
Huyện Hướng Hóa được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, hệ thống động, thác nước hùng vĩ còn nguyên sơ và hình thái khí hậu lý tưởng. Ngoài thác Chênh Vênh, Tà Puồng, nơi đây còn có các thác nước đẹp như: Ồ Ồ, Xăn Đư...cùng hệ thống hang động mới được phát hiện là Vân Tiên, Brai, Kulum, Trĩa...đi kèm cùng nhiều thắng cảnh gắn với lịch sử như đồi Động Tri, đèo Sa Mù... và khoảng 21 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Trong đó, có các di tích đặc biệt quan trọng như: Đường Hồ Chí Minh, Đường 9-Khe Sanh, nhà tù Lao Bảo, sân bay Tà Cơn, cứ điểm Làng Vây... Đây được xem là những cơ sở, điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển không gian du lịch cộng đồng, trải nghiệm sinh thái gắn với di tích lịch sử.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa Hồ Ngọc Tình cho biết, các danh lam thắng cảnh, hệ thống hang động, thác nước...trên địa bàn huyện những năm qua đã góp phần thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến với huyện để tham quan, trải nghiệm. Trong đó, năm 2023 có hơn 160.000 lượt khách; chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, ước khoảng trên 170.000 lượt khách đến với địa phương.
Từ những tiềm năng, lợi thế đó, Hướng Hóa đã xác định tập trung xây dựng 3 nhóm sản phẩm du lịch có tiềm năng là du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử và cộng đồng-làng nghề. Riêng với sản phẩm du lịch sinh thái, hiện địa phương đang tập trung chỉ đạo phát triển 2 điểm đến là thác Tà Puồng ở xã Hướng Việt và thác Chênh Vênh tại xã Hướng Phùng. Ngoài ra, một số điểm có tiềm năng cũng được khai thác theo mùa như lòng hồ Thủy điện Quảng Trị, suối Tà Đủ ở xã Tân Hợp...
Bên cạnh đó, địa phương đã và đang đầu tư các tuyến đường đến các điểm du lịch như động Brai; các thác Tà Puồng, Ồ Ồ, Xăn Đư... với tổng mức 80 tỉ đồng để tạo thuận lợi cho việc tham quan; tranh thủ các nguồn vốn để trùng tu tôn tạo, xây dựng và khai thác có hiệu quả Bảo tàng Đường 9-Khe Sanh; Di tích Nhà tù Lao Bảo; Cứ điểm Làng Vây.
Ngoài Hướng Hóa, huyện Đakrông cũng là địa phương có hệ thống di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc với trên 10 hang động lớn nhỏ. Có Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông là nơi giữ gìn một kho tàng động, thực vật phong phú, đa dạng và quý hiếm tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch sinh thái, khám phá. Hệ thống sông, suối, hang động và thác nước ở Đakrông tạo nên dấu ấn đặc sắc riêng, một vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, tạo cảm giác trong lành ẩn mình dưới những tán rừng tự nhiên với các tên gọi như suối Chinh Hinh; các con thác Ồ Ồ, Luồi, Hiên, Xờ Triêng, Ta Tưng hay dòng suối A Lao, khe Làng An; động Ngài, A Pô Ly Hông...
Thêm vào đó, Đakrông có nhiều loại ẩm thực đặc sản mang tính bản địa, như rượu, cơm lam, cháo ốc, rau rừng...Phong phú hơn là kho tàng văn hóa phi vật thể của đồng bào Bru-Vân Kiều, Pa Kô từ nhạc cụ như: cồng chiêng, đàn Ta Lư, khèn bè đến các lễ hội mừng lúa mới, A riêu Ping, uống rượu thề...và những nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm...sẽ tạo nên chuỗi các nét văn hóa đặc sắc giúp du khách đến với Đakrông nhiều hơn.
Được biết, hiện nay UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2000 Khu du lịch sinh thái Brai-Tà Puồng kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực thôn Trăng-Tà Puồng, xã Hướng Việt và núi Brai ở thôn A Xốc, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Dự án có quy mô khoảng 170 ha với tổng vốn đầu tư ước 200 tỉ đồng xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp với nhiều hoạt động trải nghiệm.
Tại huyện Đakrông, UBND tỉnh phê duyệt dự án Khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi trên diện tích 120 ha với vốn đầu tư là 200 tỉ đồng nhằm tạo các trò chơi mạo hiểm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên và du lịch cộng đồng. Ngoài ra, Dự án Khu du lịch sinh thái thác Luồi kết hợp phát triển du lịch cộng đồng trên diện tích khoảng 50 ha tại xã Mò Ó, huyện Đakrông với các loại hình vui chơi, khám phá, trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa các đồng bào dân tộc cũng được đưa vào phương án phát triển KT-XH của địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/du-lich-thac-tu-nhien-mien-tay-quang-tri-190269.htm