Du lịch Thái Nguyên: Lấy chất lượng dịch vụ làm tiêu chí hàng đầu
Trong phát triển du lịch, Thái Nguyên có lợi thế ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc và sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa đã được kiểm kê; hơn 550 di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng để những lợi thế này thực sự mang hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp (DN), cơ sở làm du lịch cần nhanh chóng đi vào 'quỹ đạo' chuyên nghiệp hóa.
Bàn về phát triển du lịch của tỉnh, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho biết: Thái Nguyên cần tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu. Đặc biệt là luôn tạo ra sản phẩm mới, hạn chế đến mức tối đa các sản phẩm có sự tương đồng, trùng lặp giữa các khu, điểm du lịch trong tỉnh.
Thực tế tại các khu, điểm du lịch của tỉnh, chúng ta không khó nhận ra nhiều du khách chưa mặn mà với sản phẩm du lịch hiện có; chưa hào hứng chi tiêu cho sản phẩm liên quan đến du lịch và mua sắm hàng hóa. Cũng không thể trách du khách quá “chặt chẽ chi tiêu”, mà trách chính ngành Du lịch chưa có sản phẩm khác biệt, chưa thực hấp dẫn.
Một hạn chế ngành Du lịch tỉnh đang phải đối diện là hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển du lịch còn khó khăn. Các khu, điểm du lịch phát triển chậm, thiếu những khu du lịch cao cấp. Hầu hết DN tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch có quy mô nhỏ và vừa, chưa đủ tiềm lực để thường xuyên làm mới sản phẩm. Đặc biệt là giữa các DN chưa có sự liên kết chặt chẽ, dẫn đến tự làm yếu mình, từ đó không đủ sức tạo nên thương hiệu mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng ban Hội viên Câu lạc bộ Lữ hành Unessco Hà Nội, Tổng Giám đốc Tràng An Travel, đúc kết: Để ngành Du lịch tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững, thực sự chuyên nghiệp, các DN làm du lịch trên địa bàn tỉnh cần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Quan trọng hơn là tỉnh có cơ chế, chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt là nhà đầu tư lớn, họ mới đủ mạnh về nhân lực, vật lực để tạo sự đột phá, dẫn dắt du lịch Thái Nguyên phát triển bền vững và làm DN địa phương thay đổi tư duy kinh tế du lịch.
Nhằm hóa giải những hạn chế tồn tại trong ngành du lịch; xây dựng ngành Du lịch của tỉnh xứng đáng với lợi thế trung tâm vùng, xứng đáng với vai trò “dẫn dắt” kinh tế vùng, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có nội dung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp…
Đương nhiên muốn vai trò “dẫn dắt” du lịch vùng trở thành hiện thực, yếu tố hàng đầu là đòi hỏi các DN năng động, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới hơn trong cách làm du lịch. Từ đó sẽ thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và hứng thú chi tiêu khi sử dụng các dịch vụ du lịch.
Từ nhiều năm gần đây, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao tại khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc; xây dựng cơ sở lưu trú là các khách sạn, nhà nghỉ, homestay, có chính sách thu hút, ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai các dự án du lịch chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng tăng cường tổ chức và tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để quảng bá, giới thiệu du lịch Thái Nguyên đến với du khách trong nước, quốc tế, như: Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc; Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo trào lưu phát triển chung trên cả nước và thế giới, ngành Du lịch của tỉnh hướng mạnh về phát triển du lịch cộng đồng, lấy lợi ích của người dân địa phương là trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng dân cư tham gia, làm chủ và được hưởng lợi. Đây là một trong những phương châm quan trọng hướng tới phát triển du lịch xanh theo nguyên tắc phát triển bền vững. Coi trọng gìn giữ và bảo vệ tài nguyên, môi trường, từ đó gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tâm đắc: Nguồn tài nguyên phục vụ cho ngành Du lịch phát triển, càng khai thác, sử dụng, càng làm cho nguồn tài nguyên ấy trở nên giàu trữ lượng hơn. Chính vì thế các DN làm du lịch không thể đứng đơn lẻ, mà cần có sự liên kết, chia sẻ khách hàng, giúp du khách tiếp cận được nhanh nhất những sản phẩm họ cần. Bắt đầu bằng cách làm là gắn truyền thống với hiện đại, lấy chất lượng dịch vụ là mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mang lại cho du khách nhiều lợi ích khi tham gia du lịch tại các khu, điểm đến của quê hương “đất thép, xứ trà”...