Du lịch Việt Nam bùng nổ dịp lễ 2/9: Hơn 3 triệu lượt khách trong 4 ngày
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (từ 31/8 đến 3/9/2024), ngành du lịch cả nước đã phục vụ 3 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu cho thấy kỳ nghỉ này không chỉ đánh dấu sự sôi động tại các điểm du lịch nội địa mà còn thu hút lượng lớn khách quốc tế.
Kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài trong 4 ngày được coi là cao điểm cuối cùng trong mùa du lịch hè 2024, các địa phương, khu điểm du lịch, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch đã có sự đầu tư, chuẩn bị kĩ càng về điều kiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp du lịch, địa phương cũng chuẩn bị phong cách phục vụ, bố trí đủ nhân lực để phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi và mua sắm.
Các điểm đến hút khách quốc tế
Các điểm đến du lịch nổi tiếng đã thu hút hàng nghìn lượt khách quốc tế. Đà Nẵng dẫn đầu với 91.000 lượt khách, tăng 15,3%; Hà Nội đón 58.900 lượt, tăng 35,8%; Khánh Hòa ghi nhận 254 chuyến bay quốc tế với 48.000 lượt khách; TP.HCM ước đón 38.800 lượt khách, tăng 3,2% so với cùng kỳ; Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón 25.560 lượt khách; Thừa Thiên Huế ước đón 16.000 lượt khách lưu trú, tăng 54,3%; Kiên Giang ước đón 15.570 lượt khách (tăng 271,4%); Lào Cai ước đón hơn 13.470 lượt, tăng 46,4%…
Khách du lịch đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và các nước châu Âu, Mỹ, lưu trú trung bình từ 4-5 đêm.
Các cơ sở lưu trú du lịch hoạt động hiệu quả với công suất phòng trung bình đạt 56%, riêng 1-2/9 đạt trên 60%. Các dịch vụ du lịch duy trì mức giá ổn định, không tăng đột biến, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.
Xu hướng du lịch và các hoạt động nổi bật
Kỳ nghỉ lễ năm nay ghi nhận xu hướng khách nội địa chủ động đặt dịch vụ từ sớm, với nhóm khách gia đình và bạn bè là chủ yếu. Nhiều du khách lựa chọn di chuyển bằng xe cá nhân, giảm sự phụ thuộc vào các tour du lịch trọn gói. Song song đó, các điểm đến cũng chuẩn bị chu đáo từ cơ sở vật chất, nhân lực đến các hoạt động giải trí phong phú.
Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc được tổ chức tại các địa phương để tăng cường trải nghiệm cho du khách. Tại Hà Nội, chương trình "Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội" thu hút đông đảo du khách, trong khi Quảng Ninh tổ chức Lễ hội khinh khí cầu “Thành phố Di sản - Sắc màu Hạ Long”. Tại miền Trung, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế sôi động với các hoạt động thể thao và nghệ thuật.
Ở phía Bắc diễn ra Festival dù lượn "Bay trên miền danh thắng" (Yên Bái); Lễ hội mùa Thu "Sa Pa mùa vàng” (Lào Cai); Lễ hội Mừng cơm mới, Lễ hội Nhảy lửa (Lai Châu); “Phiên chợ Tiếng khèn gọi bạn 2024”, Tuần văn hóa, du lịch năm 2024 “Mộc Châu- Tiếng gọi mùa yêu” (Sơn La)…
Trong khi tại Tây Ninh, lễ chào cờ trên đỉnh núi Bà Đen trở thành điểm nhấn với hàng loạt hoạt động văn hóa, giải trí sôi động như: săn mũ mây trắng "khổng lồ", thưởng thức màn múa trống Chhay dăm và biểu diễn nhạc ngũ âm.
Tăng trưởng mạnh về lượng khách và doanh thu
Các tỉnh thành trọng điểm du lịch như TP.HCM, Hà Nội, và Khánh Hòa đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về lượng khách và doanh thu. TP.HCM ước đón 980.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 2.940 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm trước.
Hà Nội đón 672.900 lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 2.180 tỷ đồng, tăng 8,3%. Khánh Hòa đón 578.219 lượt khách, doanh thu ước đạt 756,3 tỷ đồng, tăng 14,2%.
Các biện pháp đảm bảo an toàn và an ninh
Tại hầu hết các điểm đến, giá các dịch vụ du lịch không tăng nhiều so với ngày thường. Nhiều cơ sở lưu trú không phụ thu dịp lễ giúp du khách được hưởng chất lượng dịch vụ tốt với giá cả ổn định.
Tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận sự cố, vấn đề nghiêm trọng xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trên cả nước. Hiện tượng tăng giá, ép giá hay chặt chém, lừa đảo du khách cơ bản không diễn ra.
Tại Đà Nẵng, lực lượng cứu hộ và an ninh tuần tra liên tục, đảm bảo an toàn cho du khách. Vũng Tàu và Lào Cai cũng thực hiện các biện pháp kiểm tra, đảm bảo vệ sinh môi trường và kiểm soát giá dịch vụ.
Ngành du lịch đường sắt và hàng không bùng nổ
Ngoài các chuyến du lịch nội địa, các tour outbound (du lịch nước ngoài) cũng thu hút nhiều du khách Việt với các điểm đến như Bangkok, Bali, Tokyo, Seoul, và các địa điểm nổi tiếng ở Trung Quốc.
Ngành hàng không và đường sắt đều tăng cường số chuyến, phục vụ hàng trăm nghìn lượt hành khách trong dịp lễ. Cảng hàng không Tân Sơn Nhất dự kiến phục vụ trên 600.000 lượt hành khách, trong khi ngành đường sắt đã phục vụ khoảng 130.000 lượt khách.
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2024 đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam, với nhiều hoạt động sôi động và lượng khách tăng trưởng mạnh, khẳng định vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.