Du lịch Việt Nam và bài toán phát triển bền vững

Tại Việt Nam, Dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững (ST4SD) sau nửa năm triển khai, những hoạt động đầu tiên đã bước đầu để lại dấu ấn quan trọng.

Thôn Khun (Tuyên Quang) được Dự án ST4SD hỗ trợ để phát triển du lịch bền vững

Thôn Khun (Tuyên Quang) được Dự án ST4SD hỗ trợ để phát triển du lịch bền vững

Trong bối cảnh toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ sang mô hình phát triển xanh và bền vững, ngành du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy tất yếu đó.

Nhiều giải pháp quan trọng đến từ Dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững (ST4SD) - một sáng kiến có tính lan tỏa không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Là quốc gia sở hữu ngành Du lịch phát triển bậc nhất châu Âu nhưng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ và bản sắc, Thụy Sĩ từ lâu đã trở thành hình mẫu về du lịch bền vững.

Quốc gia này nổi tiếng với những chính sách “xanh hóa” sản phẩm du lịch, hài hòa giữa khai thác và bảo tồn. Các mô hình quản lý khách sạn, đào tạo nhân lực, xây dựng điểm đến và đặc biệt là chứng nhận du lịch xanh của Thụy Sĩ đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế.

Dự án ST4SD (Swiss Tourism for Sustainable Development) là một phần trong chiến lược hỗ trợ các quốc gia đối tác, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển, tiếp cận và thực hành du lịch bền vững theo chuẩn mực quốc tế, với sự đồng hành về công nghệ, tri thức và nguồn lực từ Thụy Sĩ.

Việt Nam trên hành trình phát triển du lịch bền vững

Tại Việt Nam, Dự án ST4SD chính thức được khởi động vào cuối tháng 2.2025. Chỉ sau nửa năm triển khai, những hoạt động đầu tiên đã bước đầu để lại dấu ấn quan trọng.

Trong đó, Hà Giang (nay là Tuyên Quang) được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ ứng cử Làng du lịch tốt nhất thế giới theo tiêu chí của UN Tourism, một động thái không chỉ để quảng bá hình ảnh địa phương mà còn thúc đẩy chuẩn hóa sản phẩm du lịch cộng đồng.

Quảng Nam (nay là Đà Nẵng) hoàn thiện Bộ tiêu chí chứng nhận du lịch xanh theo chuẩn quốc tế, góp phần xây dựng mô hình du lịch xanh có thể nhân rộng ra các địa phương khác.

Đào tạo quản lý khách sạn cấp cao Thụy Sĩ tại Việt Nam, giúp nâng tầm năng lực vận hành theo chuẩn quốc tế cho nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.

Khảo sát và triển khai điểm đến du lịch bền vững tại các địa bàn có tiềm năng như thôn Khun (Tuyên Quang), Sa Đéc (Đồng Tháp cũ), Hội An (Quảng Nam cũ).

Đặc biệt, lớp tập huấn về du lịch bền vững cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng tại Tuyên Quang đã tạo ra sự lan tỏa ban đầu, giúp nâng cao nhận thức và hình thành đội ngũ hạt nhân cho hành trình dài hơi này.

Dự án ST4SD tổ chức các lớp tập huấn về du lịch bền vững tại Việt Nam

Dự án ST4SD tổ chức các lớp tập huấn về du lịch bền vững tại Việt Nam

Kinh nghiệm từ các quốc gia khác

Không chỉ ở Việt Nam, Dự án ST4SD của Thụy Sĩ còn ghi dấu ở nhiều quốc gia đang phát triển.

Tại Nepal, Dự án hỗ trợ các làng du lịch tại vùng núi Himalaya xây dựng mô hình homestay đạt chuẩn quốc tế nhưng vẫn giữ nguyên lối sống bản địa. Nhờ đó, thu nhập của cộng đồng tăng 35% trong vòng 2 năm, đồng thời môi trường và văn hóa được bảo vệ nghiêm ngặt.

ST4SD đồng hành với chính quyền Cusco (Peru) trong việc kiểm soát số lượng khách tới Machu Picchu, ứng dụng công nghệ số để quản lý tải khách, đồng thời phát triển thêm các tuyến du lịch vệ tinh để giảm áp lực cho điểm đến chính.

Dự án giúp các làng cổ ở dãy Atlas (Maroc) xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ, đi bộ khám phá văn hóa, qua đó biến các cộng đồng từng bị bỏ quên thành những điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế yêu thích du lịch trách nhiệm.

Những mô hình thành công này cho thấy, du lịch bền vững không chỉ là câu chuyện của môi trường, mà còn là bài toán kinh tế gắn với lợi ích cộng đồng và gìn giữ bản sắc văn hóa.

Giải pháp cho du lịch Việt Nam

Từ thực tiễn triển khai Dự án ST4SD, để du lịch Việt Nam thực sự đi vào chiều sâu, phát triển bền vững và đạt chuẩn quốc tế, cần có những giải pháp đồng bộ: Xây dựng bộ tiêu chuẩn du lịch bền vững quốc gia; Phát triển mạng lưới làng du lịch tiêu biểu; Đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế; Đẩy mạnh chuyển đổi số và quản trị thông minh; Truyền thông về du lịch bền vững một cách hấp dẫn;

Việt Nam cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn “Nhãn du lịch xanh cấp quốc gia” dựa trên tham chiếu quốc tế, nhưng phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Tiêu chí này không chỉ dành cho cơ sở lưu trú, mà phải mở rộng ra cả điểm đến, doanh nghiệp lữ hành và sản phẩm trải nghiệm.

Việc tham gia mạng lưới “Best Tourism Villages” của UN Tourism là cơ hội để Việt Nam kết nối với cộng đồng làng du lịch thế giới, học hỏi và nâng tầm hình ảnh.

Tuy nhiên, cần xây dựng một mạng lưới làng du lịch bền vững quốc gia, làm cơ sở để tham gia các chương trình quốc tế một cách bài bản, tránh phong trào hình thức.

Du lịch bền vững không thể tách rời nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cần phối hợp với Thụy Sĩ và các đối tác quốc tế để thiết kế các chương trình đào tạo “Swiss-Plus”, tức là vừa theo chuẩn Thụy Sĩ, vừa phù hợp thực tiễn Việt Nam, giúp học viên có thể làm việc trong môi trường quốc tế nhưng vẫn giữ được đặc trưng bản địa.

Ứng dụng công nghệ vào quản lý điểm đến, giám sát tải khách, phân phối dòng khách theo mùa vụ, sử dụng dữ liệu lớn để hoạch định chính sách là điều cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Đây cũng là xu thế mà các mô hình thành công trên thế giới đều áp dụng.

Để thay đổi thói quen tiêu dùng của du khách, cần một chiến lược truyền thông khéo léo. Du lịch bền vững không thể chỉ nói về “bảo vệ môi trường” mà phải kể những câu chuyện lay động lòng người: Về những ngôi làng hồi sinh nhờ du lịch, về những doanh nghiệp cam kết phát triển có trách nhiệm, về những hành trình du lịch chậm mà sâu.

Dự án ST4SD không đơn thuần là một dự án viện trợ, mà là “cú hích” để Việt Nam bước vào hành trình du lịch xanh, thông minh, có trách nhiệm. Từ những mô hình ở Tuyên Quang, Sa Đéc, Hội An, nếu biết khai thác và mở rộng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng của khu vực trong phát triển du lịch bền vững.

Đó vừa là xu thế, vừa là lựa chọn duy nhất để đảm bảo ngành Du lịch phát triển lâu dài, hài hòa giữa lợi ích kinh tế, cộng đồng và môi trường.

HOÀI ĐỨC

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/du-lich-viet-nam-va-bai-toan-phat-trien-ben-vung-152779.html